• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Putin ra "tối hậu thư" về nguy cơ INF sụp đổ

Thế giới 20/11/2018 16:31

(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng về những biện pháp đáp trả việc Mỹ rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân mang tính bước ngoặt, theo hãng tin RT của Nga.

Nga vẫn sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Hoa Kỳ về hiệp ước song phương cấm các tên lửa tầm trung INF năm 1087- cho tới nay đã trở thành một trong những nền tảng giải trừ hạt nhân, RT dẫn lời nhà lãnh đạo Nga cho biết tại một cuộc họp chính phủ ở Sochi. Tuy nhiên, Mỹ nên "giải quyết vấn đề này với đầy đủ trách nhiệm", Tổng thống Putin nói và cho biết thêm rằng, quyết định của Washington rút khỏi thỏa thuận "không thể và sẽ không được bỏ ngỏ."

Tổng thống Putin ra tối hậu thư về nguy cơ INF sụp đổ - Ảnh 1.

Việc INF sụp đổ có thể khiến leo thang nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới. (Nguồn: Sputnik)

Đây không phải là mối đe dọa trống rỗng, ông Putin cảnh báo. Tổng thống Nga cho biết, trước đó Nga từng cảnh báo Mỹ về việc rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM và về những biện pháp trả đũa của Nga. "Bây giờ, chúng tôi có vũ khí siêu thanh có khả năng xuyên thủng bất kỳ hàng phòng thủ tên lửa nào," ông Putin nói, đề cập đến các loại vũ khí tân tiến nhất của Nga.

Tổng thống Nga cũng kêu gọi chính phủ và các quan chức quân sự nước này xem xét "các bước đi cụ thể" mà Nga có thể thực hiện để đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF.

Moscow sẽ không cho phép bất cứ ai kéo mình vào một cuộc đua vũ trang khác, nhà lãnh đạo Nga nói. Thay vào đó, Nga có kế hoạch tập trung vào "phát triển cân bằng" giữa lục quân, hải quân và không quân. Quân đội dự kiến sẽ áp dụng các kỹ thuật huấn luyện quân sự mới, sử dụng kinh nghiệm chiến đấu mà họ nhận được ở Syria. Nga cũng sẽ tiếp tục hiện đại hóa nền tảng quân sự của mình.

Ông Putin cho biết ông hy vọng rằng "nhận thức chung" sẽ chiếm ưu thế và Mỹ sẽ tiếp tục một cuộc đối thoại với Nga trong các vấn đề ổn định chiến lược và an ninh tập thể trên cơ sở "có trách nhiệm lẫn nhau".

Thỏa thuận vũ khí INF 30 năm qua đã cấm sở hữu và phát triển các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm thỏa thuận này bằng cách phát triển tên lửa nằm trong diện bị cấm. Moscow bác bỏ các cáo buộc và lên tiếng cho rằng chính Mỹ đã không tuân thủ, cho rằng Washington có thể tái cơ cấu lại các cơ sở quân sự có tên lửa ở Đông Âu và sử dụng chúng như các bãi phóng tên lửa tấn công tầm trung.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ