(Tổ Quốc) - Chính quyền Tổng thống Trump gần như sắp hoàn thành một kế hoạch mới về "Mua hàng Mỹ", kêu gọi các tham tán quân sự và các nhà ngoại giao Mỹ hỗ trợ bán vũ khí.
Chính quyền Tổng thống Trump gần như sắp hoàn thành một kế hoạch mới về "Mua hàng Mỹ", kêu gọi các tham tán quân sự và các nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài hỗ trợ tăng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp vũ khí nước này – vượt hơn sự hỗ trợ hạn chế hiện tại mà họ đang thực hiện, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay.
Cách tiếp cận vũ khí toàn chính quyền Mỹ?
Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố một cách tiếp cận "toàn bộ chính phủ" nhằm nới lỏng các quy định đối với xuất khẩu quân sự của Hoa Kỳ và hướng tới mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho các nhà sản xuất Mỹ trong quá trình chờ sự thông qua - từ lâu tập trung nhiều vào sự cân nhắc về nhân quyền, theo những người thân cận với kế hoạch này.
Chính quyền Mỹ gần như sắp hoàn thành một kế hoạch mới về "Mua hàng Mỹ", kêu gọi các tham tán quân sự và các nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài hỗ trợ tăng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp vũ khí. |
Kế hoạch trên, bao gồm mọi loại vũ khí từ máy bay chiến đấu, máy bay không người lái đến tàu chiến và pháo binh, dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu tháng 2, các quan chức cao cấp cho biết với điều kiện giấu tên.
Một sự thay đổi chính sách quan trọng như vậy sẽ đưa các nhân viên đại sứ quán trên khắp thế giới tham gia vào quá trình giới thiệu các loại vũ khí của các nhà thầu Mỹ, chủ động hỗ trợ thay mặt họ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là những hướng dẫn cụ thể nào sẽ được đưa ra.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận với vấn đề này, nhân viên các đại sứ quán Mỹ sẽ liên kết tích cực hơn với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy việc bán vũ khí của Hoa Kỳ và thông báo cho các quan chức cấp cao Mỹ để giúp xúc tiến các thỏa thuận đang chờ giải quyết. Một quan chức chính quyền cao cấp đã mô tả đề xuất này như là một "sự thay đổi 180 độ" trong cách tiếp cận hiện nay đối với việc buôn bán vũ khí ra nước ngoài.
Ông Trump đang hướng tới việc thực hiện các cam kết tranh cử năm 2016 về tạo việc làm ngay tại nước Mỹ bằng cách bán hàng hóa và dịch vụ ra nước ngoài để giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ - đang ở mức cao nhất trong sáu năm qua là 50 tỷ USD.
Chính quyền Mỹ cũng đang chịu sức ép từ các nhà thầu quốc phòng nước này khi họ đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các đối thủ nước ngoài như Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, bất kỳ sự nới lỏng nào về những hạn chế đối với việc bán vũ khí cũng sẽ vấp phải phản đối từ các nhà vận động nhân quyền và những người ủng hộ kiểm soát vũ khí – có lập trường rằng gia tăng vũ khí sẽ dấy lên bạo lực ở các khu vực như Trung Đông và Nam Á hay những vũ khí này có thể rơi vào tay khủng bố.
Đột phá quy định buôn bán vũ khí
Bên cạnh việc sử dụng nhiều hơn mạng lưới các tham tán quân sự và thương mại tại đại sứ quán Mỹ ở cac thủ đô nước ngoài, các nguồn tin trên cũng cho hay, một nội dung khác của kế hoạch này là sẽ nhằm đưa ra một sự tái cơ cấu quy định về quản lý buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) – một quy định quan trọng quản lý xuất khẩu vũ khí từ năm 1976 và đã không được điều chỉnh gì trong hơn ba thập niên qua.
Nỗ lực trên của chính phủ Mỹ, cùng với việc nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu vũ khí và có nhiều ưu đãi hơn đối với các đồng minh và các đối tác không thuộc NATO, có thể đem lại nhiều tỷ đô la trong các giao dịch và nhiều việc làm, một quan chức cấp cao cho hay, dù không cung cấp chi tiết cụ thể.
Chiến lược của Lầu năm góc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc thực hiện vai trò tích cực hơn khi xúc tiến các giao dịch vũ khí với nước ngoài có thể đặc biệt có lợi cho các nhà thầu quốc phòng lớn như Lockheed Martin và Boeing.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, khi được đề nghị xác nhận chi tiết về chính sách mới sắp tới, cho hay phương pháp tiếp cận mới trên cho phép các đối tác của chúng tôi có khả năng chia sẻ gánh nặng an ninh quốc tế và lợi ích cho nền tảng công nghiệp quốc phòng, cũng như tạo ra nhiều việc làm tốt hơn cho người lao động Mỹ. "
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ chối bình luận chính thức.
Các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng và các nhà vận động hành lang đã chào đón những tín hiệu trên – điều được cho là một cách tiếp cận bán hàng thân thiện hơn.
Ông Trump, một thành viên đảng Cộng hòa, có thẩm quyền pháp lý để chỉ đạo "các nhân viên hỗ trợ an ninh" của chính phủ, cả lực lượng quân đội và dân sự - làm nhiều hơn để giúp thúc đẩy các thương vụ vũ khí.
Các quan chức chính phủ cho rằng lực lượng trên, cho đến bây giờ chỉ có nhiệm vụ hạn chế như hỗ trợ quản lý viện trợ quân sự của Hoa Kỳ ở nước ngoài và cung cấp một số thông tin cho các chính phủ nước ngoài về việc mua vũ khí của Hoa Kỳ, thường không được phát huy hết hiệu quả trong các đời tổng thống trước đây.
Lo ngại an ninh xung đột?
Một nhà phân tích an ninh quốc gia nói rằng việc giảm bớt hạn chế xuất khẩu để cho phép các nhà thầu quốc phòng thu được lợi nhuận lớn hơn trên toàn thế giới sẽ gia tăng nguy cơ các vũ khí hàng đầu của Hoa Kỳ được bán cho các chính phủ bị chỉ trích về nhân quyền, cũng như có thể rơi vào tay lực lượng khủng bố.
Rachel Stohl, giám đốc chương trình quốc phòng thông thường của Trung tâm Stimson ở Washington cho biết: "Chính quyền hiện tại đã cho thấy ngay từ đầu rằng nhân quyền đã rơi xuống vị trí sau những lo ngại về kinh tế. "Và tầm nhìn ngắn hạn về chính sách xuất khẩu vũ khí mới có thể có những hệ lụy nghiêm trọng lâu dài."
Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết những lo ngại về nhân quyền và an ninh các khu vực sẽ vẫn là một phần của công thức đối với các quyết định bán vũ khí. Tuy nhiên, họ cho biết, các đánh giá về ảnh hưởng đối với an ninh kinh tế và tăng cường nền tảng công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ có sức nặng hơn trước đây.
Các quan chức cho biết, các quy định nhằm hỗ trợ cho việc bán dễ dàng hơn các máy bay quân sự do Mỹ sản xuất ra nước ngoài và cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc và Israel đang phát triển cũng dự kiến sẽ nằm trong kế hoạch của ông Trump.