• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Trump lên kế hoạch rời đi "hoành tráng" nhưng sự thật là gì?

Thế giới 19/01/2021 14:39

(Tổ Quốc) - ABC News đăng tải, Tổng thống Donald Trump chuẩn bị rời khỏi Nhà Trắng và Washington D.C. một cách ấn tượng nhất vào hôm thứ Tư (20/1). Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, ông lại hầu như không xuất hiện.

Trong suốt 6 ngày qua, ông Trump không tổ chức bất kỳ sự kiện công khai nào mặc dù theo các cố vấn, đương kim Tổng thống vẫn đang làm việc rất chăm chỉ nhân danh người dân Mỹ. Tổng thống "sẽ làm việc từ sáng sớm đến tối muộn", "có nhiều cuộc điện đàm và tham gia nhiều cuộc gặp gỡ", trang web của Nhà Trắng viết.

Ông Trump dự kiến sẽ rời Washington vào sớm ngày 20/1 trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ. Như vậy, ông sẽ là vị Tổng thống đầu tiên trong 150 năm qua không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Tổng thống Trump lên kế hoạch rời đi "hoành tráng" nhưng sự thật là gì? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump không có kế hoạch tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống trúng cử Joe Biden (ảnh: ABC News)

Có vẻ như ông Trump mong muốn rời đi theo đúng phong cách quen thuộc của mình – khi mà vẫn trong vai trò một Tổng thống.

Các nguồn tin thân cận chia sẻ với ABC News, ông Trump muốn có một lễ tiễn kiểu quân đội từ căn cứ không quân Andrews trong sáng thứ Tư, với quân nhạc và thảm đỏ chứng kiến ông bước lên chuyên cơ Air Force One lần cuối - thậm chí được các phi cơ chiến đấu của không lực Mỹ bay hộ tống.

Việc một Tổng thống mãn nhiệm được tổ chức nghi lễ rời đi tại căn cứ quân sự Andrews không phải là điều mới lạ, tuy nhiên, nó thường được tổ chức sau khi Tổng thống mãn nhiệm tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống. Tổng thống Barack Obama cũng đã có bài phát biểu tạm biệt tại căn cứ Andrews và ngồi chuyên cơ Air Force One lần cuối.

Trước khi rời đi, ông Trump được cho là sẽ có một loạt lệnh ân xá và giảm hình phạt. Trong số những người được hưởng có thể bao gồm chính bản thân ông. Ông Trump từ lâu đã cho rằng mình "hoàn toàn có quyền" tự ra lệnh ân xá cho bản thân mặc dù điều đó có thể gây ra những tranh cãi về tính pháp lý.

Trong lúc này, Đảng Dân chủ đã tập hợp một đội ngũ và chuẩn bị cho phiên tòa xét xử Tổng thống tại Thượng viện ngay khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gửi lên điều khoản luận tội. Bà Pelosi chưa nói rõ thời điểm cụ thể nhưng việc này có thể diễn ra ngay sáng thứ Ba (theo giờ địa phương).

Nghị sỹ bang Marylnd Jamie Raskin – một giáo sư về luật hiến pháp và hiện là người dẫn đầu quy trình khởi tố chống lại Tổng thống Trump - cho rằng, chứng cứ cho cáo buộc "kích động bạo loạn" là rất rõ ràng. "Đây là tội ác nguy hiểm nhất chống lại Hoa Kỳ mà một Tổng thống từng phạm phải", ông Raskin tuyên bố trên CNN ngày 17/1.

Mặc dù vậy, nhiệm vụ mà phe Dân chủ phải đối mặt không hề dễ dàng. Trong lịch sử nước Mỹ từng có ba cuộc luận tội tổng thống nhưng chưa có người nào bị kết tội tại Thượng viện. Để thành công, ít nhất 17 nghị sỹ Cộng hòa phải tham gia cùng các đồng nghiệp Dân chủ bỏ phiếu chống lại tổng thống của đảng họ.

Hiện tại, chưa có nghị sỹ Cộng hòa nào "làm nên lịch sử" với tuyên bố sẽ bỏ phiếu kết tội ông Trump mặc dù một số người ra dấu hiệu sẽ cân nhắc điều đó. Tuy nhiên, một số đồng minh của ông Trump đã lên tiếng phải đối việc luận tội.

Hai Thượng nghị sỹ Tom Cottoon và Lindsey Graham cho rằng, việc kết tội một cựu Tổng thống là không phù hợp với hiến pháp. "Những cố gắng của Thượng viện nhằm loại bỏ một tổng thống tham gia tranh cử trong tương lai khi mà người này không còn giữ vai trò tổng thống nữa, sẽ là một động thái phi hiến pháp...", ông Graham viết trong một lá thứ gửi tới Lãnh đạo Phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer hồi cuối tuần qua.

Ông cũng có lời cảnh báo tới các nghị sỹ Cộng hòa. "Hỡi các đồng nghiệp Cộng hòa của tôi tại Thượng viện, nếu chúng ta thực hiện luận tội không phù hợp hiến pháp đối với ông Donald Trump sau khi ông ấy đã rời khỏi nhiệm sở, điều đó sẽ phá hủy đảng Cộng hòa", Thượng nghị sỹ bang South Carolina trả lời phỏng vấn trên Fox Business.

Tính tới sáng ngày 18/1, vẫn chưa rõ ai sẽ là người đại diện cho ông Trump trong cuộc chiến pháp lý sắp tới.

Thứ Bảy tuần trước, luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giuliani cho hay, ông đang chuẩn bị cho các nỗ lực biện hộ cho Tổng thống. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, cũng chính ông này lại phủ nhận vai trò của bản thân với lý do mình từng phát biểu tại cuộc mít tinh của ông Trump trước khi bạo lực bùng phát tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1. "Tôi là một nhân chứng vì vậy không thể tham gia vào phiên tòa tại Thượng viện", ông Giuliani nói với ABC News.

5 người, bao gồm một cảnh sát đã thiệt mạng khi đám đông hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump đã tràn vào tòa nhà Quốc hội vào đúng thời điểm Phó Tổng thống Mike Pence và các nghị sỹ đang tiến hành kiểm phiếu Đại cử tri nhằm xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ