(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, hôm thứ 5 (28/5), Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh nhằm vào các công ty mạng xã hội.
Phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông Trump cho hay, mục đích của sắc lệnh là "bảo hộ tự do ngôn luận khỏi một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất mà nó phải đối mặt trong lịch sử nước Mỹ".
"Một nhóm nhỏ các thế lực mạng xã hội độc quyền đang kiểm soát một phần lớn trong tất cả các giao tiếp công cộng và tư nhân tại Mỹ", ông Trump nói. "Họ có quyền lực không bị ngăn trở để kiểm duyệt, hạn chế, biên tập, định hình, che giấu, thay đổi bất kỳ hình thức giao thiệp nào giữa cá nhân công dân với quần chúng khán giả lớn".
Sắc lệnh mới được cho là sẽ kiểm nghiệm các ranh giới trong thẩm quyền của Nhà Trắng. Về mặt pháp lý lâu dài, nó tìm cách hạn chế sức mạnh của các nền tảng mạng xã hội bằng cách định nghĩa lại một đạo luật quan trọng năm 1996 trong đó bảo vệ các trang web và công ty công nghệ khỏi bị kiện tụng. Tuy nhiên, các chuyên gia luật pháp từ cả cánh tả và cánh hữu đều bày tỏ sự nghi ngại về đề xuất. Theo họ, sắc lệnh có thể không không phù hợp với hiến pháp bởi vì nó có nguy cơ vi phạm quyền của các công ty tư nhân đề cập trong Tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ, cũng như cố gắng "tránh né" hai ngành khác của chính phủ.
"Ông Trump đang cố gắng đánh cắp quyền lực của tòa án và Quốc hội để viết lại hàng thập kỷ luật pháp đã thiết lập", Thượng nghị sỹ Dân chủ Ron Wyden nói. "Ông ấy quyết định điều gì là pháp lý dựa trên những lợi ích của mình".
Động thái trên cũng đánh dấu leo thang mới trong cuộc chiến của ông Trump với các công ty công nghệ trong bối cảnh họ đang nỗ lực đối phó với tình trạng thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Tổng thống Mỹ thường xuyên cáo buộc các nền tảng xã hội kiểm duyệt các phát ngôn của phe bảo thủ.
Cũng trong ngày 28/5, ông Trump thừa nhận, các thách thức pháp lý đối với sắc lệnh đang ngày càng rõ hơn, đồng thời dự đoán, "chắc chắn họ sẽ tiến hành một vụ kiện". "Nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm rất tốt thôi" ông nói.
Theo CNN, nội dung của sắc lệnh nhằm vào một đạo luật có tên là Đạo luật Nguyên tắc Giao thiệp. Mục 230 của đạo luật cung cấp sự miễn nhiễm khá rộng lớn cho các trang web giám tuyển và điều tiết các nền tảng của riêng mình. Phần này được các chuyên gia pháp lý miêu tả là "26 từ tạo ra Internet".
Sắc lệnh mới cho rằng, sự bảo hộ chỉ dành cho các nền tảng công nghệ vận hành với "thiện ý" trong khi các công ty mạng xã hội không phải như vậy.
Hôm thứ ba (26/5), Twitter bất ngờ dán nhãn khuyến nghị người đọc kiểm tra thực tế với hai cập nhật của Tổng thống Trump liên quan tới bỏ phiếu qua thư. Ông Trump ngay lập tức đáp trả, cáo buộc Twitter cố tình kiểm duyệt và đe dọa sẽ sử dụng quyền lực của chính phủ liên bang để "đóng cửa" mạng xã hội này.
Trong sắc lệnh của ông Trump, các nền tảng mạng xã hội "viện dẫn các đánh giá mâu thuẫn, phi lý và vô căn cứ để kiểm duyệt hoặc trừng phạt các phát ngôn của người Mỹ". Nó đặc biệt đề cập tới việc Twitter áp dụng "một cách có lựa chọn" các nhãn cảnh báo cho "một số tweet". Ngoài ra, Google cũng bị "điểm danh" là hỗ trợ chính phủ Trung Quốc giám sát người dân còn Facebook hưởng lời từ quảng cáo của Trung Quốc…
Đương nhiên, sắc lệnh mới vấp phải sự phản pháo mạnh mẽ từ các công ty công nghệ.
Facebook và Google khẳng định, đề xuất của ông Trump sẽ gây hại cho Internet và nền kinh tế số. "Với việc đặt các công ty và khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý cho mọi thứ mà hàng tỷ người trên thế giới nói, điều đó sẽ đem tới bất lợi cho các công ty lựa chọn cho phép ngôn luận gây tranh cãi đồng thời khuyến khích các nền tảng kiểm duyệt bất kỳ điều gì có thể xúc phạm bất kỳ ai", phát ngôn viên của Facebook Andy Stone nói. Phát ngôn viên của Google Riva Sciuto nhấn mạnh: "Phá hủy mục 230 theo cách này sẽ làm tổn thương nền kinh tế và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong tự do Internet". Còn Twitter cho rằng, sắc lệnh của ông Trump là "một cách tiếp cận chính trị hóa đối với một đạo luật mang tính cột mốc". "Các nỗ lực đơn phương xói mòn [mục 230] đe dọa tới tương lai ngôn luận trực tuyến và tự do Internet".
Quyết tâm của ông Trump đánh dấu niềm tin của người đứng đầu nước Mỹ về một cuộc chiến mà ông cho là có giá trị. Ông dường như cho rằng, các những thế lực truyền thông chống lại mình trong khi người ủng hộ chỉ nên tin tưởng vào những gì ông nói.
"Điều này nằm ngay trong tay tổng thống", giám đốc truyền thông cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump, Jason Miller đánh giá. "Về cơ bản họ đã trao cho ông ấy một món quà khổng lồ".
Nhiều đồng minh của ông Trump cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông.
"Twitter đang can thiệp vào bầu cử 2020", nghị sỹ Cộng hòa Matt Gaetz tuyên bố. "Việc họ giao nhiệm vụ kiểm tra thực tế cho những người vốn đã sai lầm về mọi thứ, là một sự xỉ nhục".
Quản lý chiến dịch của ông Trump là Brad Parscale tiết lộ, họ không còn trả tiền quảng cáo trên Twitter nữa, đồng thời cáo buộc mạng xã hội cố tình gây ảnh hưởng bất lợi cho tổng thống. "Chúng tôi luôn hiểu rằng, Thung lũng Silicon sẽ làm tất cả để cản trở và can thiệp quá trình Tổng thống Trump gửi đi thông điệp tới các cử tri", ông Parscale nhấn mạnh.
Sử dụng Twitter là một trong những đặc trưng lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Trump. Tuy nhiên, những người thân cận với nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá các cập nhật của ông không hẳn là theo một chiến lược nhất định mà lại giống với những diễn biến tư duy hơn. Những nhân viên, thậm chí là cố vấn trong chính quyền Mỹ thường xuyên rơi vào tình trạng "không kịp trở tay" trước những gì ông Trump viết trên Twitter.
Bất chấp căng thẳng với Twitter, gần như chắc chắn Tổng thống Trump sẽ không sớm thay đổi thói quen trên mạng xã hội của mình. Là một trong những chiến lược gia truyền thông cho tổng thống và thường có mặt khi ông Trump soạn thảo các cập nhật trên Twitter, ông Miller chỉ ra, tổng thống coi mạng xã hội là một kênh trao đổi trực tiếp với người ủng hộ của mình.
"Đó là một siêu năng lực của Tổng thống Trump", ông Miller nhận xét. "Ngay từ đầu, ông ấy hiểu rằng, mạng xã hội, đặc biệt là Twitter đem lại lối tiếp cận thẳng thắn với người dân Mỹ và những người ủng hộ ông. Những gì ông Trump đã tối đa hóa chính là dùng năng lực của mạng xã hội để vượt qua những cuộc đối thoại nhân tạo do truyền thông đại chúng tạo nên".