(Tổ Quốc) - Vào ngày 10/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo rằng cuộc bầu cử liên bang Australia năm 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 21/5. Trên thực tế, chiến dịch bầu cử đã diễn ra sôi nổi trong nhiều tuần qua.
Dù nhiệm kỳ thủ tướng của ông Morrison diễn ra một số vụ bê bối, nhưng ông Morrison đã chứng tỏ mình là một nhà vận động tranh cử hiệu quả. Trong cuộc bầu cử năm 2019, ông đã bất ngờ vượt lên và giành chiến thắng 'thần kỳ' cho đảng Tự do của mình. Ông được cho là sử dụng tất cả các công cụ để giành chiến thắng một lần nữa vào năm 2022, bao gồm cả chính sách đối ngoại.
Chiến lược đối ngoại trong xây dựng chính phủ
Chính sách đối ngoại từ trước đến nay không phải là vấn đề chính mang tính quyết định lá phiếu trong các cuộc bầu cử. Nhưng chính sách đối ngoại có thể là yếu tố góp phần vào quá trình xây dựng chính phủ khi các chính đảng tìm cách liên kết với nhau để thành lập chính phủ. Việc có lập trường đối ngoại tương đồng sẽ là một sự thuận lợi để các đảng phái liên kết với nhau.
Vào tháng 2 năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton khẳng định rằng Trung Quốc đang 'chống lưng' cho đảng Lao động trong cuộc bầu cử. Theo sau đó là nhiều ý kiến bình luận của các thành viên trong chính phủ liên minh nước này, cho rằng đảng Lao động sẽ 'mềm mỏng với Trung Quốc'.
Trong khi chính phủ Liên minh muốn khai thác nhận thức của cử tri rằng đảng Lao động "mềm yếu" hơn họ trong vấn đề an ninh quốc gia thì đảng Lao động buộc phải thể hiện rằng lập trường chính sách quốc phòng và an ninh của họ cũng cứng rắn như chính quyền Liên minh.
Các chính sách của hai bên về Trung Quốc hiện phần lớn đều tương đồng, đều cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền và ủng hộ việc tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 vừa qua. Sự khác biệt là về cách thể hiện hơn là về nội dung chính sách này.
Thời gian tới, nếu đảng Lao động giành được chính quyền vào tháng 5, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm sự kết nối lại dần dần. Cuối năm nay đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Australia-Trung Quốc và sẽ mang đến cơ hội trao đổi tích cực. Và đảng Lao động có nhiều khả năng sẽ nắm bắt cơ hội đó hơn là chính quyền Liên minh.
Liệu sẽ có bất kỳ sự quay lưng đáng kể nào đối với việc an ninh hóa chính sách đối ngoại của Australia sau cuộc bầu cử hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đã có một sự thay đổi đáng kể trong cách thực hiện chính sách đối ngoại của Australia từ sau cuộc bầu cử trước.
Cơ quan ngoại giao yếu thế
Ảnh hưởng của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã suy yếu so với các cơ quan an ninh khác trong chính phủ Liên minh và họ không còn có khả năng định hình các khía cạnh quan trọng của chính sách đối ngoại. Ông Morrison thường tập trung vào Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC) để thảo luận về các vấn đề chính sách đối ngoại. Các nội dung đệ trình lên NSC được các Bộ trưởng và quan chức từ tất cả các ban và cơ quan liên quan, bao gồm cả DFAT thảo luận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại đã phải vật lộn để tiếng nói của ông được lắng nghe và các mối quan tâm của DFAT cũng không được cơ quan an ninh này chú ý nhiều. Dưới thời ông Morrison, một số cân nhắc ngoại giao đã bị bỏ qua, thay vào đó, tập trung vào lợi ích trong quan hệ của Australia với các đối tác chiến lược quan trọng trong khu vực và thế giới.
Ví dụ như về thỏa thuận AUKUS (Thỏa thuận liên minh an ninh 3 bên Australia - Anh - Mỹ). Không rõ khi nào các đại sứ của Australia tại Paris hoặc Jakarta được thông báo về thỏa thuận này, chưa nói đến việc họ có được tham vấn trước khi thực hiện thỏa thuận hay không. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không hài lòng với thỏa thuận trên, điều khiến quan hệ Australia – Pháp thêm phần căng thẳng. Các nhà ngoại giao Australia đã cố gắng để hạn chế những thiệt hại từ sự mất lòng tin của các bên đối với mối quan hệ của họ với Australia.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào NSC trong việc hình thành chính sách đối ngoại và chính trị hóa chính sách đối ngoại cũng đang làm gia tăng sự không chắc chắn của quá trình hoạch định chính sách. Sự suy giảm ảnh hưởng của DFAT trong quá trình hoạch định chính sách có nghĩa là Australia ít có khả năng phát triển chính sách dài hạn và có cân nhắc về mặt chiến lược dựa trên các dữ kiện thực tế.
Đảng Lao động từ lâu đã nói về việc "tăng cường hoạt động ngoại giao của nước này trong khu vực" và nếu thắng cuộc trong cuộc bầu cử vào tháng 5, quan chức hàng đầu về ngoại giao của đảng này là bà Penny Wong đã cam kết bổ nhiệm một 'đặc phái viên ASEAN'. Bà Wong có tiếng nói mạnh mẽ trong đảng và sẽ đảm bảo vị trí của DFAT mạnh mẽ hơn trong việc hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, các cơ quan an ninh của Australia đã củng cố vị thế của họ trong việc xây dựng chính sách đối ngoại. Cần phải có cải cách cơ cấu để khẳng định lại vai trò của DFAT trong việc hoạch định chính sách chiến lược và đảo lại việc an ninh hóa chính sách đối ngoại của Australia. Liệu đảng Lao động có sẵn sàng và có thể đối phó với thách thức này nếu họ thành lập được chính phủ hay không vẫn còn phải xem xét thêm.