• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trái chiều kỳ vọng tương lai Nga-Mỹ từ phản ứng của Moscow trước "bắt tay" Mỹ, Ba Lan

Thế giới 14/06/2019 10:38

(Tổ Quốc) - Nga có những phản ứng quyết liệt trước động thái triển khai thêm binh lính và phi cơ không người lái Mỹ tại Ba Lan.

Moscow mới đây đã chỉ trích Washington đang tiến hành một "cú đánh mạnh" vào sự ổn định của châu Âu với quyết định gửi thêm 1.000 binh lính tới Ba Lan; đồng thời làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai cường quốc quân sự Nga và Mỹ.

Hôm thứ năm (13/6), Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố động thái của Mỹ đã đi ngược lại thỏa thuận năm 1997 giữa Nga và Nato về việc hạn chế thiết lập quân đội tại đông Âu, cũng như đại diện cho hành động "nguy hiểm hơn nữa" là xây dựng năng lực quân đội trên toàn châu lục. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, Washington đã cư xử mà "không tuân theo quy định của các văn kiện đa phương và giờ đây là không quan tâm tới các đồng minh châu Âu".

"Những hành động như vậy đã phá hủy một trong những tài liệu ít ỏi còn lại được đưa ra để đảm bảo ổn định quân sự tại châu Âu", thông cáo viết và khẳng định, Nga không thể không đưa vấn đề này vào các "kế hoạch quốc phòng và hành động thực tiễn" của mình.

Trái chiều kỳ vọng tương lai Nga-Mỹ từ phản ứng của Moscow trước bắt tay Mỹ, Ba Lan - Ảnh 1.

Binh lính Mỹ tại Ba Lan (ảnh: DPA)

1.000 quân lính mới sẽ bổ sung cho lực lượng 4.500 quân của Mỹ đang đóng tại Ba Lan theo chế độ luân phiên. Tổng thống Donald Trump cho hay, đội quân mới được tái triển khai từ các địa điểm khác nhau tại châu Âu.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump từ chối làm rõ liệu 1.000 lính bổ sung có hiện diện lâu dài tại Ba Lan – như những gì Warsaw vẫn mong đợi, hay không.

Quyết định của Washington được đưa ra bốn tháng sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) – một thỏa thuận song phương với Liên Xô vào năm 1987, trong đó hạn chế các tên lửa có tầm hoạt động từ 500-5.500km, nhằm ngăn chặn viễn cảnh các thủ đô châu Âu bị tấn công hạt nhân.

Theo Financial, việc tăng cường lính Mỹ là kết quả của quá trình đàm phán giữa Washington và Warsaw trong 9 tháng qua. Nó được đánh giá là một cú huých có ý nghĩa cho đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý của Ba Lan. Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa giới lãnh đạo đảng này với Brussels tỏ ra không quá "xuôi chèo mát mái" do vậy, họ ngày càng muốn thắt chặt quan hệ hơn với Washington. Tuy nhiên, phe đối lập tại Ba Lan cũng đã dấy lên những hoài nghi về chi phí của thỏa thuận cũng như những hợp đồng năng lượng mà Warsaw ký kết cùng với nó.

Năm ngoái, Ba Lan đã ký một thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và tiếp tục đề nghị mua các máy bay F-35 - đều của Mỹ.

Với vị trí địa lý nằm ở rìa đông Nato, Ba Lan được nhìn nhận là một đồng minh quan trọng đối với Mỹ. Tuy nhiên, cách chính quyền Warsaw giành được nhiều thiện cảm hơn từ Washington chính là sẵn lòng chi tiêu nhiều tiền cho quốc phòng. Ba Lan là một trong 7 quốc gia thành viên Nato đáp ứng được mục tiêu ngành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Warsaw cũng đã cam kết bỏ ra 48 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội của mình cho tới năm 2026.

Bên cạnh bổ sung binh lính, một tuyên bố chung Mỹ-Ba Lan cho biết, Không lực Mỹ cũng sẽ triển khai các máy bay không người lái MQ-9 tới Ba Lan.

Thế giới đang hướng về một thời điểm nguy hiểm giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962

Vladimir Shamanov

Trang dw.com dẫn lời Vladimir Shamanov, cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt Nga và giờ đây là một nhà lập pháp bày tỏ sự lo ngại, các máy bay trên sẽ có khả năng chuyên chở vũ khí hạt nhân. Ông cũng cảnh báo, "thế giới đang hướng về một thời điểm nguy hiểm giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962".

Phản ứng trước những cam kết của Tổng thống Trump, Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg viết trên Twitter rằng, đó là "cam kết mạnh mẽ mà nước Mỹ dành cho an ninh châu Âu và sức mạnh của kết nối xuyên đại tây dương".

Có khoảng 64.000 lính Mỹ hiện đang đóng tại châu Âu; 33.000 người trong số đó đang có mặt tại Đức theo một hiệp định ra đời năm 1951 và được chỉnh sửa năm 1993 sau khi bức tường Berlin sụp đổ.

Trái chiều kỳ vọng tương lai Nga-Mỹ từ phản ứng của Moscow trước bắt tay Mỹ, Ba Lan - Ảnh 4.

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg tweet về quyết định triển khai thêm quân tới Ba Lan của Mỹ

"Trái chiều" kỳ vọng quan hệ Nga-Mỹ

Tổng thống Andrzej Duda đã có những lời lẽ không thân thiện khi đề cập tới Kaliningrad, một lãnh thổ của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania. "Nga một lần nữa đang cho thấy thái độ thiếu tử tế, không thân thiện" ông Duda tuyên bố.

Đề nghị bổ sung thêm quân lính Mỹ tại Ba Lan cũng nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Raimundas Karoblis. Ông Karoblis thậm chí còn tuyên bố, "tất cả các nước Baltic" sẽ hưởng lợi từ quyết định này.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản sẽ diễn ra vào cuối tháng 6, trong đó Tổng thống Vladimir Putin cũng tham dự, Tổng thống Trump nói với người đồng cấp Ba Lan, Washington kỳ vọng sẽ chứng kiến một mối quan hệ tốt giữa Ba Lan với Nga, cũng như giữa Mỹ và Nga. Trong khi đó, hôm thứ Năm (13/6), Tổng thống Putin trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng, mối quan hệ giữa Moscow và Washington đang ngày càng xấu đi.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ