• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trái Đất vừa lập kỷ lục quay nhanh nhất lịch sử

Khám phá 04/08/2022 10:31

(Tổ Quốc) - Các nhà khoa học đưa ra 4 khả năng giải thích cho hiện tượng khó hiểu.

Theo dữ liệu do TimeAndDate.com cung cấp, hành tinh của chúng ta đã lập kỷ lục mới vào hôm thứ Tư, ngày 29 tháng Sáu năm 2022. Dựa trên ghi nhận từ trước tới nay, đây là thời điểm Trái Đất tự quay quanh trục với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, nhanh hơn 1,59 mili-giây so với mọi khi. Tức là vào tại thời điểm ngày 29/6 vừa qua, người dân toàn cầu đã sống thiếu 1,59 mili-giây so với mọi ngày.

Cũng phải nói thêm, Trái Đất không thực hiện một vòng quay trong chính xác 24 giờ đâu. Trái Đất mất 23 giờ 56 phút 4,091 giây để hoàn thành một vòng quay quanh trục của mình.

Trái Đất đột nhiên quay nhanh hơn, tạo ra ngày ngắn nhất trong lịch sử vào tháng Sáu vừa qua - Ảnh 1.

NASA minh họa vận động quay quanh trục của Trái Đất.

Cho tới vài năm trước, chúng ta vẫn tin rằng tốc độ quay của Trái Đất chậm dần lại. Khẳng định này được hậu thuẫn bởi các số đo được thực hiện với đồng hồ nguyên tử, với số liệu thu thập liên tục từ năm 1973 tới nay.

Dựa vào đó, cơ quan IERS (International Earth Rotation and Reference Systems Service) - tổ chức chịu trách nhiệm theo dõi sự quay của Trái Đất và duy trì khung thời gian chung cho toàn cầu - vẫn thêm một giây nhuận vào bộ đếm thời gian để bù cho việc Trái Đất quay chậm lại. Lần cuối IERS thực hiện bổ sung giây là ngày 31/12/2016.

Về lâu dài, có thể sự tồn tại của giây nhuận vẫn đúng, khi chúng ta biết chắc chắn rằng tốc độ quay quanh trục của Trái Đất vẫn cứ chậm dần theo thời gian. Lực hấp dẫn của Mặt Trăng cũng làm tốc độ quay bị làm chậm lại, bên cạnh việc khiến quỹ đạo bay quanh Mặt Trời của chúng ta có hình elip.

Tuy nhiên, các phép đo bằng đồng hồ nguyên tử trong những năm gần đây cho thấy tốc độ tự quay quanh trục của Trái Đất đang tăng. Thực tế, chúng ta có thể đang bước vào giai đoạn 50 năm mà tại đó, ngày ngắn hơn bình thường.

Trái Đất đột nhiên quay nhanh hơn, tạo ra ngày ngắn nhất trong lịch sử vào tháng Sáu vừa qua - Ảnh 2.

Đồng hồ nguyên tử caesium NIST-F2 của Mỹ.

Năm 2020, các nhà khoa học ghi nhận thêm 28 ngày ngắn hơn so với thời điểm năm 1960. Xu hướng này không hiện hữu trong năm ngoái, khi ngày ngắn nhất trong năm 2021 vẫn dài hơn ngày ngắn nhất năm 2020.

Dù vậy, vào ngày 29/6/2022, vũ công Trái Đất đã thực hiện động tác tự quay nhanh nhất trong lịch sử. Không lâu sau đó vào ngày 26/7/2022, người dân Trái Đất lại chứng kiến một ngày ngắn kỷ lục khác, với thời gian trong ngày ít hơn bình thường 1,5 mili-giây.

Kỷ lục trước đây thuộc về ngày 19/7/2020, khi vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời ít hơn mốc 24 giờ khoảng 1,4602 mili-giây.

Lý do Trái Đất quay nhanh hơn

Dù khoa học chưa rõ tại sao, nhưng vẫn có 4 giả thuyết lớn dẫn đầu mạch suy luận của các chuyên gia:

- Sông băng tan chảy khiến khối lượng hai cực Trái Đất nhẹ đi.

- Vận động của lõi Trái Đất ảnh hưởng tới tốc độ quay.

- Hoạt động địa chấn.

- Biến đổi vĩ độ Chandler, hay còn gọi là lắc lư Chandler, là những biến thiên của hành động tự quay quanh trục của Trái Đất hay một hành tinh bất kỳ (năm 2020, các nhà khoa học lần đầu tiên xác nhận sự tồn tại của hiện tượng này trên Sao Hỏa). Có thể so sánh biến đổi vĩ độ Chandler với trục bị lắc của một con quay khi mới bắt đầu quay hay đang quay chậm dần lại.

Trái Đất đột nhiên quay nhanh hơn, tạo ra ngày ngắn nhất trong lịch sử vào tháng Sáu vừa qua - Ảnh 3.

Trong hình minh họa, R (xanh lá) là hoạt động tự quay quanh trục; P (xanh dương) là tiến động - đường tròn vẽ ra bởi trục của hành tinh khi nó tự quay; N (đỏ) là chương động - chuyển động không đều rất nhỏ trong trục tự quay của một hành tinh. Biến đổi vĩ độ Chandler, hay còn gọi là lắc lư Chandler là một chương động.


Tác động gây ra bởi biến đổi tốc độ quay của Trái Đất

Sự quay quanh trục của Trái Đất có thể ảnh hưởng tới độ chính xác của đồng hồ nguyên tử, thiết bị vốn được vệ tinh GPS dùng trong xác định vị trí. Khi Trái Đất vận động nhanh hơn, nó sẽ di chuyển tới vị trí mọi khi nhanh hơn bình thường. Nửa mili-giây tương ứng với 26 centimet xô lệch ở vị trí quỹ đạo, và sai lệch sẽ có thể khiến công nghệ định vị GPS vô dụng hoàn toàn.

Để giải quyết vấn đề này, các hệ thống đếm giờ quốc tế có lẽ sẽ sớm cần thêm một giây nhuận âm, tức là trừ đi một giây so với thông thường để đồng hồ toàn cầu nhất quán. Vận động của Trái Đất cũng như ảnh hưởng của nó tới chúng ta vẫn còn chưa được hiểu thấu, nên chỉ có thể chờ thời gian (và khoa học) trả lời thôi.

Tham khảo Forbes

Kim

NỔI BẬT TRANG CHỦ