(Tổ Quốc) - Một nhà ngoại giao cho biết, Nga đã sẵn sàng cho các đàm phán nghiêm túc với Mỹ về vấn đề hiệp ước INF.
Theo báo cáo từ TASS, các nhà ngoại giao cấp cao của Nga và Mỹ đã có cuộc gặp và thảo luận về Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tại Geneva, Thụy Sỹ. Đoàn ngoại giao Nga dẫn đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov trong khi đoàn ngoại giao Mỹ dẫn đầu là Bộ trưởng Bộ Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Mỹ, Andrea Thompson đã có cuộc tham vấn xung quanh vấn đề về Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov đã nói với báo chí vào ngày 14/1 rằng, Nga đang sẵn sàng cho các tranh luận thẳng thắn với Mỹ trong các cuộc gặp tới và yêu cầu phía Washington nên từ bỏ gây ra các sức ép.
"Cuộc họp có chút thất vọng vì Nga đang tiếp tục vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước và không đưa ra lời giải thích nào về kế hoạch trở lại tuân thủ một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được hiệp ước này", Bộ trưởng Bộ Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Mỹ, Andrea Thompson nói trong một tuyên bố.
Vòng tham vấn hiện tại diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump có kế hoạch rút khỏi Hiệp định INF. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã thông báo vào ngày 4/12 rằng Mỹ sẽ chấm dứt việc tuân thủ INF nếu như Moscow cố tình vi phạm. Mỹ cáo buộc Nga "lừa dối trong việc tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí" theo các điều khoản của Hiệp ước INF, và đã ra tối hậu thư trong 60 ngày để Nga ngưng triển khai hệ thống tên lửa Novator 9M729, nếu không muốn INF bị hủy bỏ.
Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước. Trong khi đó, phía Nga cũng liên tục bác bỏ cáo buộc này và cho rằng Mỹ vi phạm tuân thủ Hiệp ước INF.
Washington cho rằng, Nga đã vi phạm các điều khoản của hiệp ước INF khi triển khai hệ thống tên lửa Novator 9M729 trong khi Moscow cho rằng, các loại máy bay không người lái của Mỹ cũng nằm trong cam kết ngưng sản xuất theo hiệp ước này.
Hiệp ước INF được ký vào năm 1987 giữa Mỹ và Nga liên quan đến việc phát triển các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm trung, có tầm xa 500-5.500km; yêu cầu mỗi nước phải hủy bỏ hơn 2.500 tên lửa tầm xa từ 310 - 3.420 dặm.