(Tổ Quốc) - NATO có thể làm gì để cải thiện sức mạnh quân sự của mình mà không làm gia tăng căng thẳng với Nga?
Một năm trước lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, đội ngũ nhân viên của NATO vừa chuyển vào khu văn phòng mới với 18 phòng hội nghị, hệ thống cơ sở hạ tầng siêu hiện đại… và 72.000 mét vuông tường kính. Phát biểu trong lễ khai mạc trụ sở mới có chi phí xây dựng lên tới 1,23 tỷ USD, Tổng thư ký Jens Stoltenberg ca ngợi NATO là “liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử”.
NATO có còn phù hợp với các mục tiêu và nghĩa vụ của mình nữa hay không? |
Tuy nhiên, cùng lúc đó, ngày càng có nhiều nghi ngờ nảy sinh xung quanh việc NATO có còn phù hợp với mục đích và nghĩa vụ của mình hay không – đặc biệt trong bối cảnh những mối “đe dọa” từ phía Nga không ngừng gia tăng.
Theo Tổng thư ký Stoltenberg, sức mạnh của NATO nằm ở sự thống nhất và “khả năng thích ứng với thay đổi”. Thế nhưng, đó cũng chính là những lĩnh vực mà giới chuyên gia đề nghị NATO cần phải gấp rút cải thiện.
Vậy NATO có thể ngay lập tức thực hiện những cải cách nào để nâng cao sức mạnh của mình? Làm sao để củng cố NATO mà không làm gia tăng căng thẳng với Nga? Washington sẽ giữ vai trò nào trong tương lai của NATO?
Hãng tin ABC dẫn lời bốn chuyên gia phân tích đưa ra những nhận định cho các vấn đề trên.
Chỉ định một người châu Âu đảm nhận Tư lệnh tối cao NATO
Kể từ khi thành lập đến nay, Tư lệnh tối cao NATO vẫn luôn là người Mỹ, bắt đầu từ Dwight Eisenhower. Tuy nhiên, nhà sử học quân sự Andrew Bacevic cho rằng, NATO cần một nhà lãnh đạo đến từ châu Âu.
Theo ông, điều này vừa mang giá trị “biểu tượng và chính quy”, đồng thời khuyến khích châu Âu trở nên ít phụ thuộc hơn vào sự lãnh đạo và tiền bạc của Mỹ.
“Điều quan trọng nhất đối với Quốc hội của nhiều quốc gia là cam kết mở rộng ngân sách giành cho quốc phòng,” ông Bacevich nói. “Họ là các nước giàu có, là những nền dân chủ ổn định và họ có thể làm nhiều hơn thế vì lợi ích của mình”.
Sử gia này cũng ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ rút khỏi NATO – một động thái từng được Eisenhower tiên đoán từ đầu những năm 1950.
“Châu Âu ngày nay hoàn toàn có khả năng tự bảo vệ mình,” Bacevich khẳng định.
Một số chuyên gia cho rằng, Mỹ nên đóng một vai trò ít quan trọng hơn trong NATO |
Đảm bảo cho quân đội và thiết bị được luân chuyển dễ dàng
Judy Dempsey, Tổng biên tập của tạp chí Châu Âu Chiến lược, và là một học giả cấp cao thuộc trung tâm Carnegie châu Âu tin rằng, NATO cần phải “đại tu” năng lực hậu cần của mình.
Bà phân tích, NATO đã bị rạn nứt trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra nguyên nhân cho việc này là sự tự thỏa mãn kể từ cuối Chiến tranh lạnh.
Bà Dempsey cổ súy cho một hình thức quân sự tương tự như cách khối Schengen vận hành – hiện cho phép mọi người có thể đi lại tự do trong Liên minh châu Âu.
“Những bước phát triển lớn trong các dự án hạ tầng cơ sở để thực sự vận chuyển binh lính và thiết bị một cách nhanh chóng, đang dần ít đi trong 25 năm qua”, bà Dempsey chỉ ra. Điều đó dẫn tới khả năng chuẩn bị quân sự bị bào mòn và các thành viên NATO thiếu các năng lực hậu cần cơ bản.
“Chúng ta đang nói về những cuộc vận chuyển thiết bị và nhân lực bằng hàng không hạng nặng, sự phối hợp trong thu thập tình báo, về rất nhiều hệ thống khác nhau cho dù là xe tăng, phi cơ chiến đấu hay máy bay trực thăng,” nữ học giả nói. “Vì những hệ thống khác biệt như trên mà một người phi công không thể điều khiển trực thăng của một nước khác bởi vì họ không dùng chung một thiết bị”.
Theo bà, trên đây là những lỗi cơ bản và cần phải có nhiều thời gian để có thể sửa chữa.
Tái khẳng định NATO là thế lực bảo hộ cho dân chủ
Chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington Heather Conley nhận định, mối đe dọa lớn nhất cho tương lai NATO lại đến từ nội khối bởi vì, trong khi tăng cường số lượng thành viên, liên minh này đã mất đi tập trung và mục đich chính trị của mình.
Bà cho rằng, các thành viên như Hungary và Ba Lan đang dần trượt về phía chủ nghĩa độc đoán. “Tôi nghĩ NATO cần phải có những cuộc đối thoại rất cởi mở và trung thực về mức độ dân chủ của mình,” bà Conley nói. “Chúng ta đang chứng kiến một vài trong số các yếu tố cơ bản nhất của quy định và luật lệ [trong NATO] đang bị phá hủy nghiêm trọng”.
Chuyên gia này đặc biệt đề cập đến trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO từ năm 1952. “Chúng ta phải một lần nữa hướng Thổ Nhĩ Kỳ về phía NATO và phương Tây. Nó đang bị kéo ra xa theo những hướng rất khác biệt,” bà chỉ ra. “Đây là một đất nước đang tăng cường sử dụng quân sự để đạt được các mục tiêu chính trị của mình mà không đi theo một cách tiếp cận thống nhất của NATO”.
Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga |
Từ bỏ kế hoạch lâu đời mở rộng về phía đông
Cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh, NATO có 16 thành viên. Giờ đây con số này đã lên tới 29 nước.
Quá trình mở rộng NATO chứng kiến sự tham gia của nhiều nước chia sẻ chung biên giới với Nga, bao gồm cả Estonia và Latvia.
Theo nhà phân tích chiến lược Michael O’Hanlon, chính quá trình trên đã góp phần đáng kể làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và phương Tây. Ông cũng cảnh báo, các kế hoạch mở rộng hơn nữa sẽ phải đối mặt với nguy cơ khiến xung đột leo thang.
NATO từng ra tín hiệu chấp nhận Georgia và Ukraine trở thành thành viên; tuy nhiên, ông O’Hanlon cho rằng, nên dừng dự định này lại.
“Cam kết của chúng ta để Ukraine và Georgia gia nhập NATO là vô nghĩa bởi vì chúng ta không nhận thấy con đường khả thi cho điều đó. Tuy nhiên, thực tế là cam kết trên đã cho Tổng thống Nga Vladimir Putin lý do để can thiệp vào an ninh nội bộ và biên giới của các nước này”, ông O’Hanlon phân tích.
Thay vào đó, ông nêu ra ý tưởng thiết lập một “vòng cung trung lập” – một vùng đệm bao gồm các quốc gia trung lập giữa Nga và phương Tây. “Tôi không nói rằng, nếu chúng ta làm vậy, Nga sẽ trở thành một đất nước thân phương Tây,” O’Hanlon nói thêm. “Chúng ta vẫn cần đến ngăn chặn và phòng thủ quân sự”.
Tuy nhiên, theo ông, trong tình trạng căng thẳng và nghi kỵ hiện giờ, ý tưởng trên gần như sẽ không thể đạt được.
Chuyên gia Bacevich đồng ý với nhận định của ông O’Hanlon: “Tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay… chỉ là đã muộn khoảng 15 năm”.
“Trước khi NATO mở rộng về phía đông đến biên giới của Nga, ở thời điểm đó, việc tạo ra một vùng đệm trung lập giữa Đông và Tây, có thể được thực hiện,” ông Bacevich giải thích. “Tuy nhiên, việc mở rộng của NATO giờ đây đã xảy ra, và dường như không thể quay lại”.