• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh cãi xung quanh phát biểu của Thủ tướng Australia bất ngờ hé lộ thách thức lớn cho vaccine COVID-19

Thế giới 20/08/2020 20:41

(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, chỉ với một bình luận, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã biến một câu chuyện tích cực về virus corona thành một "thảm họa về quan hệ công chúng", đồng thời nhấn mạnh viễn cảnh về "một cơn ác mộng" tiếp theo cho đại dịch: cuộc chiến vaccine.

Đề cập tới kế hoạch cung cấp miễn phí vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân Australia sớm nhất có thể, hôm thứ Tư (19/8), ông Morrison kỳ vọng "việc tiêm phòng sẽ trở nên bắt buộc ở mức nhiều nhất có thể.

Bộ trưởng Y tế Karen Andrews sau đó là nhắc lại ý trên khi nói, chính phủ "đang coi vaccine COVID-19 là một vaccine bắt buộc". Tuy nhiên, tới buổi tối cùng ngày, chính ông Morrison lại bất ngờ rút lời khi tuyên bố trên sóng phát thanh 2GB rằng, "việc tiêm vaccine là không bắt buộc... và không có loại vaccine nào là bắt buộc ở Australia".

"Sẽ không ai ép người khác phải làm bất kỳ điều gì như một biện pháp bắt buộc, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ khuyến khích người dân tiêm vaccine", ông Morrison nhấn mạnh. "Mọi người cần hiểu điều chúng tôi đang cố gắng đạt được ở đây".

Tranh cãi xung quanh phát biểu của Thủ tướng Australia bất ngờ hé lộ thách thức lớn cho vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: CNN)

Động thái mới nhất của ông Morrison xuất hiện sau khi phát biểu ban đầu của ông trở thành mục tiêu công kích của các nhóm chống vaccine tại Australia và trên toàn thế giới. Nhiều nhóm trong số này từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về các kế hoạch ép buộc người dân phải tiêm phòng vaccine COVID-19.

Trên Instagram, Larry Cook – nhà sáng lập của tổ chức (Stop Mandatory Vaccines) Dừng Tiêm Vaccine Bắt buộc viết, "Australia đang thúc đẩy mạnh mẽ cho việc bắt buộc tiêm vaccine COVID-19… Có ai ngạc nhiên không? Tôi chắc chắn là không đâu".

Còn Ben Garrison, một nghệ sỹ hoạt hình có lập trường cánh hữu nổi tiếng viết trên Twitter, phát biểu của ông Morrison sẽ khiến người Mỹ "nhận thức" được về "nguy cơ sắp tới về áp chế vaccine COVID-19". Garrison từng được Tổng thống Donald Trump mời tới Nhà Trắng tuy nhiên, lời mời lại bị rút lại do các tác phẩm của ông bị cáo buộc dính dáng tới chủ nghĩa bài Do thái.

Hồi đầu tuần, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về bệnh truyền nhiễm là Anthony Fauci đã tuyên bố, khả năng bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 hầu như không xảy ra. "Nếu ai đó từ chối tiêm vaccine, anh không thể làm gì được. Anh không thể bắt buộc người nào đó phải tiêm vaccine", bác sỹ Fauci nói.

Trong khi các bình luận của Thủ tướng Morrison tạo nên một mục tiêu mở cho các chiến dịch chống vaccine, vụ việc được cho là liên quan tới một vấn đề mang tính rộng hơn là "thái độ lưỡng lự trước vaccine". Đây chính là một trong 10 nguy cơ y tế công trên toàn cầu từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) nêu ra vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

"Vaccine là một trong những cách hiệu quả nhất về chi phí để tránh dịch bệnh – hiện nó đang giúp từ 2-3 triệu người khỏi bị mất mạng mỗi năm và 1,5 triệu cái chết nữa có thể tránh khỏi nếu tình trạng tiêm phòng trên toàn thế giới được cải thiện", WHO cho hay. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến phản đối việc tiêm vaccine, khiến các dịch bệnh vốn có thể ngăn cản được lại bất ngờ trỗi dậy như sởi…

Theo tạp chí Lancet, phong trào chống vaccine đã xuất hiện tại 90% quốc gia trên toàn cầu. Mặc dù dưới tác động của đại dịch COVID-19, một số người chống vaccine đã thay đổi lập trường của mình, nhiều người khác lại tỏ ra cứng rắn hơn. Một số nhóm đã tổ chức tuyên truyền chống lại việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong nhiều tháng nay, ngay cả khi chưa một vaccine nào được cấp phép sử dụng.

"COVID-19 trở thành một cơ hội cho những người phản đối vaccine", tổ chức phi chính phủ chuyên về các thông tin sai lệch trên Internet là CCDH cảnh báo trong một bài báo hồi tháng 7. "Quy mô và tăng trưởng của phong trào chống vaccine được hé lộ trong các nghiên cứu của chúng tôi đặc biệt đáng lo ngại, nhất là khi các nhà khoa học ước tính để có thể kiểm soát các ổ dịch một cách an toàn, 82% dân số sẽ cần phải miễn dịch với COVID-19, cho dù bằng cách lây nhiễm hoặc tiêm vaccine".

Các cuộc thăm dò ý kiến của công ty Anh YouGov tổ chức chỉ ra, 44% người Mỹ và 37% người Anh sẽ cân nhắc khả năng không tiêm vaccine COVID-19 ngay cả khi vaccine được tung ra thị trường.

Tuần trước, Trợ lý bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Michael Caputo tiết lộ, tỷ lệ do dự trước vaccine COVID-19 lớn hơn so với các vaccine khác. "Chúng tôi biết điều đó và tất nhiên là rất lo ngại", ông Caputo thừa nhận.

Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một biện pháp nào thật sự hiệu quả để quay trở lại cuộc sống trước đại dịch COVID-19 ngoại trừ tìm ra được loại vaccine công hiệu.

Có nhiều luận điểm ủng hộ cho tiêm vaccine bắt buộc; tuy nhiên, đối phó với COVID-19 có thể không cần tới điều đó. Trong thế kỷ 20, bệnh bại liệt đã được kiểm soát nhờ vào sự hiểu biết của người dân về hậu quả của căn bệnh chứ không phải là do họ bị bắt phải tiêm phòng.

Tuy nhiên, với việc sử dụng đe dọa hoặc thậm chí là đề xuất một chiến dịch chống lại tiêm vaccine COVID-19, những người chống vaccine thực ra đang khiến khả năng các chính phủ yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine – lại trở nên rõ ràng hơn. Nếu tốc độ tạo ra miễn dịch cộng đồng bằng vaccine quá chậm, các lãnh đạo có thể không còn sự lựa chọn nào khác ngoài bắt buộc tiêm vaccine. Trẻ em có thể không được tới trường nếu chưa được miễn dịch, thậm chí mọi người dân đều phải tiêm đủ liều vaccine.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ