(Tổ Quốc) - Trung Quốc đưa ra yêu sách chưa từng có đối với khu bảo tồn thiên nhiên của Bhutan trong tranh chấp mới nhằm mục đích cuối cùng là gây sức ép với Ấn Độ, theo một bài viết ngày 12/7 trên Asia Times.
Trong khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Himalaya đang giảm nhiệt thì tranh chấp giữa Bắc Kinh và láng giềng Bhutan tại khu vực này đang leo thang.
Theo Asia Times, tranh chấp này sẽ ít gây tiếng vang hơn khi Bắc Kinh dường như muốn biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội chiến lược để lôi kéo một nước ở dãy Himalaya khác xa rời vòng tay Ấn Độ.
Một điểm tranh chấp mới
Tại cuộc họp lần thứ 58 của Hội đồng Cơ sở Môi trường Toàn cầu, được thành lập sau Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 tại Rio de Janeiro, đoàn đại biểu Trung Quốc bất ngờ đưa ra ý kiến phản đối việc Bhutan đưa toàn bộ Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng vào phần lãnh thổ của nước này ở sát biên giới với Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng đó là "một khu vực tranh chấp".
Khi được tờ báo của Ấn Độ Hindustan Times hỏi về động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời rằng phần ranh giới này của Trung Quốc - Bhutan chưa bao giờ được phân định và, trong một thông điệp rõ ràng về Ấn Độ, nói rằng "một bên thứ ba không nên chỉ tay vào vấn đề biên giới Trung Quốc – Bhutan".
Bhutan là quốc gia duy nhất giáp Trung Quốc mà Bắc Kinh không duy trì quan hệ ngoại giao chính thức, tuy nhiên, hai bên đã có 24 vòng đàm phán từ năm 1984 đến 2016 để giải quyết hai vấn đề khác về biên giới, một ở phía bắc Bhutan và một ở phía tây.
Tuyên bố mới nhất của Trung Quốc sẽ đưa thêm một khu vực tranh chấp khác vào danh sách cần giải quyết và tạo ra thêm một điểm nóng tiềm tàng với Ấn Độ. Trong trường hợp hai bên không có quan hệ ngoại giao, thảo luận về các vấn đề biên giới là cách duy nhất để Bắc Kinh duy trì một kênh liên lạc với Thimphu.
Có khả năng có một lý do khác về tầm quan trọng của những cuộc nói chuyện này vào thời điểm hiện tại. Trước đây, Trung Quốc đã đề nghị từ bỏ yêu sách của mình đối với một khu vực 495 km2 ở phía bắc Bhutan và một phần của khu vực 269 km2 ở phía tây để đổi lấy một khu vực gần 100 km2 ở Doklam, gần Ngã ba biên giới Trung Quốc - Bhutan - Ấn Độ.
Khu vực Doklam có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh khi một vùng lãnh thổ trong khu vực này giúp mở rộng hành lang mà Trung Quốc kiểm soát giữa miền tây Bhutan và bang Sikkim của Ấn Độ. Hành lang đó, Thung lũng Chumbi, là một tuyến đường cũ trên dãy Himalaya mà Trung Quốc muốn giữ vững quyền kiểm soát trong trường hợp có xung đột với Ấn Độ.
Nơi này cũng quan trọng về mặt thương mại vì là điểm duy nhất trên biên giới Trung - Ấn nơi thương mại đường bộ giữa hai nước đôi khi được cho phép.
Vào tháng 6 năm 2017, các đội xây dựng đường bộ của Trung Quốc, được quân đội bảo vệ, đã bắt đầu xây dựng một con đường xuyên qua khu vực tranh chấp này, điều đã gây ra tình thế căng thẳng kéo dài 72 ngày giữa các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc trên cao nguyên Doklam.
Phản ứng của Ấn Độ đối với các công trường thi công này cho thấy họ là bên cứng rắn – điều cũng gây ra lo ngại ở Bhutan, nơi sự hiện diện của quân đội Ấn Độ rất nhạy cảm về mặt chính trị. Mặc dù Bhutan dựa vào Ấn Độ để bảo vệ quốc gia, một số chính trị gia của Bhutan rất muốn giảm bớt sự phụ thuộc đó và giải quyết các vấn đề quân sự của chính họ.
Cuộc đối đầu kết thúc khi cả Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý rút khỏi khu vực này vào tháng 8 năm 2017. Với tuyên bố khu vực tranh chấp mới, cách Doklam không xa, các quan chức Trung Quốc sẽ có cơ hội mới để gặp gỡ các đối tác của họ ở Nepal.
Kẹt giữa cuộc cạnh tranh 2 ông lớn
Các nhà phân tích cho rằng cơ hội này có thể được Bắc Kinh tận dụng để nới rộng sự xa cách giữa Bhutan và Ấn Độ - bên một lần nữa có khả năng sẽ can thiệp vào một vấn đề rất gần với lãnh thổ của mình và có tầm quan trọng chiến lược như vậy.
Mặc dù thiếu các mối quan hệ chính thức, các hành động thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc đối với Bhutan đã được mở rộng, trong việc cử đi các đoàn xiếc, nhào lộn và cầu thủ bóng đá đến vương quốc nhỏ dưới một triệu người. Bắc Kinh cũng đã cấp một số lượng học bổng hạn chế nhưng ngày càng tăng cho sinh viên Bhutan học tập tại Trung Quốc.
Như những nơi khác, Trung Quốc cũng đã tận dụng du lịch để gia tăng ảnh hưởng. Bhutan giới hạn số lượng người nước ngoài được phép đến thăm nước này. Trước khi đại dịch Covid-19 khiến du lịch trở nên bất khả thi, Bhutan đã giới hạn số lượng khách du lịch mỗi năm ở mức 183 nghìn đến từ các quốc gia láng giềng như Ấn Độ, nơi công dân không cần thị thực và 71 nghìn người từ phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đứng đầu danh sách du khách đó. Mặc dù tương lai của ngành du lịch Bhutan phụ thuộc vào cuộc khủng hoảng virus, các nhà quan sát khu vực tin rằng người Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên cố gắng trở lại.
Các động thái của Trung Quốc trong một khu vực theo truyền thống được coi là phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ không chỉ giới hạn ở Bhutan. Vào ngày 9 tháng 7, nước láng giềng Nepal đã chuyển sang cấm tất cả các kênh tin tức Ấn Độ cũng như chặn đài phát thanh dịch vụ công Doordarshan.
Động thái này đã nhận được sự hoan nghênh ở Bắc Kinh - dấu hiệu mới nhất trong số nhiều dấu hiệu cho thấy Nepal đang trôi ra khỏi vòng tay Ấn Độ và đi vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Trung Quốc cũng có kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt Lhasa-Xigaze đến biên giới Nepal, làm giảm bớt sự phụ thuộc truyền thống của nước này vào Ấn Độ trong giao thương.
Mối quan hệ của Nepal với Ấn Độ cũng ngày càng xấu đi sau tình trạng bất ổn sắc tộc ở khu vực biên giới năm 2015, khiến Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa vài tháng. Điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi nhập khẩu nhiên liệu và y tế vô cùng cần thiết sau một cuộc động đất. Không có gì đáng ngạc nhiên, Nepal chuyển sang Trung Quốc để được giúp đỡ. Nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác được chuyển qua biên giới phía bắc đất nước.
Nhưng Trung Quốc sẽ thấy rằng để giành được ảnh hưởng ở Bhutan sẽ không dễ dàng như ở Nepal. Mối quan hệ của Bhutan với Ấn Độ là độc nhất vô nhị và bắt nguồn từ thời thuộc địa, khi người Anh công nhận chủ quyền của vương quốc này và vẫn duy trì quyền kiểm soát các mối quan hệ đối ngoại.
Ấn Độ độc lập thừa hưởng mối quan hệ tương tự với Bhutan và phải đến thập niên 1960, vương quốc này mới có phần tự trị hơn. Năm 2007 một hiệp ước sửa đổi được ký kết tuyên bố rằng hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia của họ. Điều đó đã giúp Thimphu linh hoạt hơn trong việc có quan hệ với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong leo thang tại Doklam năm 2017, tờ Thời báo Toàn cầu trích dẫn các học giả Trung Quốc độc lập nói rằng Bhutan mong muốn phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Khi nước láng giềng Nepal hiện nay phần lớn nằm ngoài quỹ đạo Ấn Độ và đã rơi vào quỹ đạo Trung Quốc, New Delhi không còn có thể bảo đảm chắc chắn về mối quan hệ ấm cúng của mình với Bhutan. Khi vương quốc nhỏ này hiện là mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc tại dãy Himalaya, họ có thể bị kẹt giữa cuộc cạnh tranh quyền lực của 2 ông lớn.