(Tổ Quốc)-Mỹ ép Trung Quốc để Trung Quốc ép Triều Tiên, nhưng tình hình vẫn bế tắc.
- 17.04.2017 Lý do khiến Trump chưa thể “bật phá” giáng đòn vào Triều Tiên?
- 18.04.2017 Bồi thêm căng thẳng, Trung- Triều bối rối hàng loạt “bất thường”
- 18.04.2017 Đột phá “hóa giải” vấn đề Triều Tiên trong chuyến thăm Nhật của Phó TT Mỹ ?
- 19.04.2017 Hỗn loạn lộ trình tàu sân bay Mỹ: Hàn Quốc lo ngại uy tín Trump
- 19.04.2017 Vấn đề Triều Tiên: Mỹ có hành động đơn phương?
- 20.04.2017 Xóa tan hỗn loạn, Mỹ bất ngờ e sợ Triều Tiên dịp bầu cử Hàn Quốc
Khá nhiều sự kiện đã thúc đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Triều Tiên nếu nổ ra chiến tranh, chỉ có thể là chiến tranh hạt nhân. Vào dịp kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (15/4), Triều Tiên rục rịch chuẩn bị thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6. Ông Trump chân ướt chân ráo vào Nhà Trắng, chưa định hình chính sách đối ngoại, hồ sơ Triều Tiên đã tạo ra một thách thức lớn: Các vụ thử tên lửa chưa xử lý xong, vụ thử hạt nhân có thể xẩy ra, Mỹ nên phản ứng thế nào?
Cuộc chơi tay ba bên miệng hố chiến tranh hạt nhân chưa có hồi kết |
Ông Trump sử dụng hai lá bài chính: Gây sức ép với Trung Quốc để Trung Quốc tối đa hóa sức ép với Triều Tiên. Ông Trump hy vọng Trung Quốc sẽ sử dụng các “đòn bẩy đặc biệt” để buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí; mặt khác, Mỹ đe dọa dùng vũ lực (phía Mỹ đề cập “đánh phủ đầu” vẫn là kịch bản ở tầng quyết sách của Mỹ). Nhưng phía Mỹ cũng mở cánh cửa hẹp xuống thang xung đột, khi các quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định Washington không tìm cách gây chiến tranh với Bình Nhưỡng, mà đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thăm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trao đổi về vấn đề Triều Tiên. Phó Tổng thống Mỹ Pence ngày 19/4 khi thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, răn đe Triều Tiên không nên thử thách quyết tâm của quân đội Mỹ, đồng thời cam kết sẽ đáp trả “mạnh mẽ và hiệu quả” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào sử dụng vũ khí thông thường hoặc vũ khí hạt nhân. Phó Tổng thống Mỹ khẳng định tiếp tục “nỗ lực phối hợp” với các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và các cường quốc khác gây sức ép kinh tế và ngoại giao lên Bình Nhưỡng.
Hai đội tàu sân bay và các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ áp sát Đông Bắc Á. Từ Địa Trung Hải, các tàu khu trục của Mỹ bắn 59 quả tên lửa tomahok vào một sân bay quân sự của Syria; tại Afghanistan, Mỹ ném một quả “bom mẹ” vào một căn cứ của phiến quân. Các động thái trên nhằm gửi thông điệp mạnh, rằng Mỹ có thể sử dụng sức mạnh quân sự đánh vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Tại đông bắc giáp Triều Tiên, Trung Quốc điều 10 vạn quân áp sát biên giới Trung - Triều. Trung Quốc gửi đi một thông điệp mạnh tới Mỹ và Triều Tiên, rằng Trung Quốc sẵn sàng ứng phó với mọi bất trắc trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhằm ngăn chặn làn sóng người tỵ nạn từ Bắc Triều Tiên có thể tràn sang Trung Quốc.
Ngày 18/4, Tổng thống Mỹ Trump có một cử chỉ khác thường, khi công khai hoan nghênh vai trò của Trung Quốc trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn Fox News, ông Trump nhấn mạnh “dành nhiều tôn trọng” cho quan hệ với Trung quốc cũng như đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực cho vấn đề Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cũng hoan nghênh những động thái tích cực “chưa từng có” của Trung Quốc trong thời gian gần đây, trong đó có việc ngừng nhập than đá từ Triều Tiên, tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Triều Tiên đã không thử bom hạt nhân như đồn đoán, mà chỉ tổ chức một cuộc duyệt binh nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Ngày 16/4, Bình Nhưỡng có thử một quả tên lửa đạn đạo (tầm ngắn hoặc tầm trung), phiên bản mới KN-17. Vụ thử đầu tiên loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng này được thực hiện hôm 5/4. Cả hai vụ đều thất bại. Cuộc cấm vận ngày càng siết chặt của Liên hợp quốc dường như đã làm chậm quá trình Triều Tiên phát triển các tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Mỹ.
Tại Hàn Quốc, cuộc khủng hoảng chính trị dẫn tới phế truất, bỏ tù Tổng thống Park Geun-hye và cuộc vận động bầu cử tổng thống nước này đã làm tê liệt phản ứng của Seoul đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại sân nhà của mình.
Một trong các ứng cử viên nặng ký của đảng Hàn Quốc Tự do theo đường lối bảo thủ, Hong Joon-pyo, ngày 16/4, đã công bố tầm nhìn “cải cách quốc gia”, nhấn mạnh trọng tâm của nội dung tranh cử của ông là an ninh, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện chính sách “hòa bình thông qua giải giáp” dựa trên cơ sở của “vượt trội về sức mạnh” chứ không phải là thế cân bằng với Triều Tiên.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn bế tắc. Chính quyền Trump trước mắt chưa có cách tiếp cận mới giải quyết triệt để vấn đề ấy. Để câu giờ, Mỹ đẩy quả bóng cho Trung Quốc. Việc Mỹ và Trung Quốc phối hợp đã gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng, ngăn chặn vụ thử hạt nhân mới.
Thế là, bán đảo Triều Tiên một lần nữa, kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, bị đẩy đến “miệng hố chiến tranh”. Nhưng không bên nào muốn phát động chiến tranh hạt nhân. Bây giờ, họ cần cái cớ để xuống thang căng thẳng./.