(Tổ Quốc) - Đối với một số người dân Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ còn đáng sợ hơn cả hạt nhân Triều Tiên.
Mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên không phải là mớ bòng bong duy nhất khiến Washington đau đầu. Ở phía bên kia khu vực phi quân sự, Hàn Quốc cũng cũng có những vấn đề mà Tổng thống Donald Trump và các cộng sự phải bỏ ra không ít thời gian và công sức.
Người dân Hàn sợ Trump hơn cả Triều Tiên?
Các nhà quan sát đang thận trọng nhìn vào một loạt các phát biểu gây lo ngại của Tổng thống Trump trong những ngày gần đây. Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần, ông Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “một anh chàng thông minh”, đồng thời cho biết, mình sẵn lòng gặp gỡ Kim Jong-un trong thời điểm thích hợp. Trước đó vài ngày, Tổng thống Mỹ tuyên bố Seoul cần phải chịu trách nhiệm cho hóa đơn lên tới 1 tỷ USD của THAAD – hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.
Ông Trump cũng bày tỏ nghi ngại về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc được ký kết vào năm 2012 dưới thời Tổng thống George W. Bush. Thậm chí, vào tháng trước, người đứng đầu Nhà Trắng còn bình luận, trong lịch sử, bán đảo Triều Tiên từng là một phần của Trung Quốc. Những phát ngôn của ông Trump không nghi ngờ gì đã khiến nhiều người Hàn Quốc nghi ngại. Một số người còn cho rằng, đối với họ, Trump giờ đây đã trở thành một mối đe dọa lớn hơn cả Triều Tiên.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra. Ứng cử viên tiềm năng nhất, Moon jae-in được cho là một người theo đường lối trung hòa hơn rất nhiều trong vấn đề Triều Tiên, khi so sánh với người tiền nhiệm Park Geun-hye. Ông Moon muốn theo đuổi một chính sách kết nối hơn với Bình Nhưỡng, thay vì gia tăng cô lập. Ông cũng từng yêu cầu Chính phủ Park xem xét lại kế hoạch triển khai THAAD – một quyết định không chỉ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Trung Quốc, mà còn từ chính không ít người dân Hàn Quốc.
Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Moon jae-in (ảnh: reuters) |
“THAAD được thiết kế để tiêu diệt tên lửa Bắc Triều Tiên, nhưng nhiều người Hàn Quốc sợ rằng, chính nó sẽ biến họ trở thành mục tiêu,” phóng viên tờ Washington Post Anna Fifield viết.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ứng cử viên Moon bày tỏ sự thất vọng với quyết định đẩy nhanh tiến độ triển khai THAAD để kịp hoàn thành trước thời điểm bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. Điều này khiến quyền can thiệp của chính phủ tương lai vào hệ thống này sẽ bị giới hạn.
“Tôi không tin nước Mỹ có dự tính [can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi], nhưng tôi chắc chắn có một số e ngại,” ông Moon nói. “Chính phủ Hàn Quốc không nên vội vàng triển khai THAAD trong thời điểm chính trị nhạy cảm này, khi cuộc bầu cử đang đến gần, và không trải qua một quá trình dân chủ, một cuộc đánh giá môi trường hoặc lấy ý kiến công chúng.”
Ông cũng đánh giá: “Nếu Hàn Quốc có thêm thời gian để tiến hành vấn đề này một cách dân chủ, nước Mỹ sẽ giành được sự tin tưởng lớn hơn từ người Hàn Quốc, và quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia sẽ càng mạnh mẽ hơn.”
Trump sẵn sàng phá vỡ liên minh Mỹ - Hàn?
Lời yêu cầu Hàn Quốc trả 1 tỷ USD cho THAAD (mặc dù sau đó, một quan chức khác của Mỹ đã nhanh chóng gạt bỏ) của Tổng thống Trump cũng đã khiến giới chính trị Hàn Quốc dậy sóng.
“Có những vấn đề quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc,” tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc viết. “Nếu một trong hai quốc gia thu hẹp quan hệ liên minh đến vấn đề tiền bạc hoặc kinh tế, nó sẽ phá hủy niềm tin cơ bản.”
THAAD vấp phải sự phản đối từ chính người dân Hàn Quốc (ảnh: WP) |
Tờ Dong-A Ilbo cáo buộc Tổng thống Trump đã dựng nên một “rào cản làm từ những quả bom ngôn từ” ngay trước cuộc bầu cử Hàn Quốc. “Chúng ta hy vọng rằng ông Trump sẽ cẩn trọng hơn trong lời nói,” tờ báo theo khuynh hướng bảo thủ nhận định. “Ai sẽ vui vẻ nếu quan hệ đồng minh của chúng ta bị phá vỡ? Đó chính là Kim Jong-un của Triều Tiên và Tập Cận Bình của Trung Quốc.”
Chính quyền Tổng thống Trump đang tỏ ra hết sức “sốt sắng” trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Vấn đề là, mặc dù tuyên bố rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” dưới thời Obama không còn hiệu lực nữa, nhưng chính sách gia tăng sức ép và sử dụng biện pháp ngoại giao mà Washington đang thực thi ở thời điểm hiện tại, dường như không khác nhiều so với chính quyền tiền nhiệm.
Thông điệp vụng về của Nhà Trắng giữa chiến dịch tranh cử Tổng thống của Hàn Quốc cũng cho thấy một nút thắt khác trong chính sách đối ngoại của ông Trump. Một mặt, ngài Tổng thống cổ súy cho một học thuyết “Nước Mỹ trên tất cả”; đồng thời “thờ ơ” với đường lối ngoại giao đa cực, cũng như các mối quan hệ truyền thống của Mỹ trên trường quốc tế. Mặt khác, ông dường như không thể thích ứng được khi các đồng minh lâu đời của mình tỏ ra “dân chủ” hơn, và dần lùi ra xa khỏi tầm ảnh hưởng của nước Mỹ.
“Khả năng điều khiển mọi việc của nước Mỹ đã bị giới hạn,” Michael Anton, giám đốc bộ phận truyền thông chiến lược của Hội đồng an ninh quốc gia nhận xét. “Chúng ta không thể ép các quốc gia cư xử theo các cách nhất định. Chúng ta có thể gia tăng áp lực; nhưng nếu mọi việc không hiệu quả, chúng ta sẽ ra sao nếu không có một mối quan hệ nào? Nếu bạn rời bỏ các mối quan hệ, bạn không thể tiến xa hơn.”
Thế nhưng, theo Washington Post, dường như ông Trump sẵn lòng làm chính điều đó – đặc biệt đối với các quốc gia như Đức và Hàn Quốc, nơi mối quan hệ đồng minh vững chắc, lâu đời được coi như là một điều hiển nhiên.
Liên minh Mỹ - Hàn có còn vững chắc? (ảnh: CNBC) |
“Hiện tại, phản ứng của Hàn Quốc trước mọi điều ông Trump nói vẫn khá kiềm chế, nhưng tôi cho rằng, lý do là bởi Seoul vẫn đang cố gắng hiểu rõ hơn về ngài Tổng thống,” David Straub – một cựu nhân viên ngoại giao có kinh nghiệm về Hàn Quốc chia sẻ. “Họ biết rằng ông ấy là một Tổng thống bất thường, và họ đang bỏ qua rất nhiều thứ mà ông ấy phát ngôn; tuy nhiên, những lời lẽ như vậy thực tế sẽ để lại hậu quả sâu sắc.”
Trong lúc này, ứng cử viên Tổng thống Moon jae-in tỏ qua khá lạc quan. “Tôi tin rằng Tổng thống Trump có lý lẽ hơn so với những gì mọi người nói về ông ấy,” ông Moon nói.
(Theo Washington Post)