• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa đụng Triều Tiên, THAAD đã chết yểu vì “tứ phía” phản đối?

Thế giới 03/05/2017 14:37

(Tổ Quốc) - Tại sao Trung Quốc, Nga và cả Hàn Quốc đều phản đối Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD?  

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, đã bước đầu đi vào hoạt động. Thông qua một hiệp định được ký kết giữa chính quyền Obama và Hàn Quốc, mục tiêu của việc triển khai THAAD là bảo vệ quân đội Mỹ tại châu Á và các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản trước nguy cơ tấn công đến từ CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, hệ thống này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều bên liên quan, bao gồm Trung Quốc, Nga và cả Hàn Quốc…  

Trung Quốc: sợ Mỹ vượt biển, “nhòm” sân nhà

Trung Quốc phản đối mạnh mẽ THAAD không còn là một việc xa lạ. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng căng thẳng, và khả năng về một cuộc đụng độ quân sự Mỹ - Triều đã được nhắc tới, thái độ của Trung Quốc với THAAD là một thách thức khác mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thể giải quyết.

Một mặt Bắc Kinh nhìn nhận rõ rằng Bình Nhưỡng sẽ không tuân theo những quy định quốc tế, cũng như không dừng các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa; mặt khác, trong nhận thức của phần lớn cộng đồng thế giới, Trung Quốc vẫn là một đồng minh của Triều Tiên, đồng thời là một đối thủ chiến lược đối với nước Mỹ.

Không phải viễn cảnh về việc Mỹ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên khiến Trung Quốc lo lắng, mà chính là khả năng điều này có xảy ra không. Hệ thống radar hiện đại của THAAD cho phép quân đội Mỹ “vươn” qua biển Hoàng Hải, tiếp cận với không phận của Trung Quốc và có thể theo dõi được các hoạt động của quân đội nước này trên mặt đất.

Ngay từ khi kế hoạch triển khai THAAD được công bố lần đầu, Bắc Kinh đã kịch liệt phản đối. Điều này được nhắc lại hôm thứ Ba (02/5) bởi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang. Ông Geng yêu cầu “các bên liên quan ngay lập tức dừng việc triển khai” và cho biết, Trung Quốc chắc chắn “sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.”   

THAAD đã bắt đầu đi vào hoạt động? (ảnh: CBSnews)

Sự phản đối của Trung Quốc có lẽ là một trong những vấn đề lớn nhất cho sự tồn tại của THAAD, đặc biệt khi Bắc Kinh vẫn được coi là “sức mạnh” đứng sau chính quyền Kim Jong-un. Trung Quốc hiện đang là bạn hàng lớn nhất của nền kinh tế Triều Tiên.

Tổng thống Trump và các cố vấn của mình từng tuyên bố, họ muốn Trung Quốc, thông qua cấm vận kinh tế, gia tăng sức ép để nhà lãnh đạo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.

Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh tại biên giới của mình vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh thực sự đã “kiềm chế” hơn trong quan hệ kinh tế với đồng minh lâu đời Triều Tiên. Tuy nhiên, THAAD vẫn là một trở ngại khổng lồ trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Hàn Quốc: THAAD có đáng giá bằng quan hệ với Trung Quốc?

Là quốc gia trọng yếu, hưởng sự bảo vệ của THAAD trước người láng giềng hiếu chiến và khó tiên đoán Triều Tiên, nhưng ngay tại Hàn Quốc, cũng khó tìm được một lập trường thống nhất về hệ thống phòng thủ tên lửa này.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối THAAD đã diễn ra trên khắp Hàn Quốc. Viện dẫn nhiều luận điểm, nhưng lý do chính của sự phản đối vẫn là câu hỏi, liệu sự bảo hộ của hệ thống phòng thủ có xứng với cái giá mà Hàn Quốc sẽ phải trả vì đã “chọc giận” hai người khổng lồ Trung Quốc và Nga – các quốc gia chủ chốt “đối nghịch” với việc triển khai THAAD?

THAAD được thiết kế để xác định mục tiêu và ngăn chặn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng đi từ Triều Tiên. Nó không phải là một hệ thống phòng thủ hiệu quả trước các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Bên cạnh đó, với tầm ngắm chỉ khoảng 125 dặm (hơn 200km), nó thậm chí có thể không bảo vệ nổi toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc.

Seoul biết được rằng, cách chuẩn bị tốt nhất cho một cuộc tấn công của Triều Tiên chính là… để nó không xảy ra. Điều này dẫn đến hệ quả là mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc – đồng minh của Triều Tiên – trở nên tối quan trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không ít lần thể hiện sự không hài lòng của mình đối với Hàn Quốc bằng nhiều cách khác nhau.

Trong một thời gian dài, kinh tế Hàn Quốc đã phải chịu những tổn thất nặng nề do các đòn trả đũa kinh tế không chính thức từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không ngần ngại đưa ra cảnh báo, họ sẽ sử dụng các biện pháp nặng tay hơn một khi THAAD được triển khai toàn bộ.

Ngoài ra cũng không thể bỏ qua các vấn đề liên quan tới sức khỏe của người dân Hàn Quốc sống gần khu vực đặt các thiết bị THAAD. Nhiều người đã bày tỏ nỗi lo ngại rằng, hệ thống radar mạnh mẽ của THAAD có thể chứa đựng nhiều loại tia gây hại cho sức khỏe con người.

Nga: THAAD đe dọa cân bằng quân sự khu vực

Cũng giống như Trung Quốc – thậm chí còn ở mức độ cao hơn trong thời gian gần đây – Nga đã giúp Triều Tiên thoát khỏi các lệnh trừng phạt nặng nề hơn, bằng việc dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

“Các nước liên quan không nên sử dụng các động thái của Bình Nhưỡng như một cái cớ để gia tăng sự hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên,” Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu trong tháng Tư.

Tương tự như người láng giềng châu Á, sự phản đối của Moscow có xuất phát điểm từ vị thế của Nga trong vai trò một đối thủ địa chính trị đối với nước Mỹ - trang CBS News nhận định. Cả Moscow và Bắc Kinh chắc chắn đều không muốn quân đội Mỹ vận hành một hệ thống radar tối tân chỉ cách lãnh thổ của mình vài trăm km.  

Biểu tình phản đối THAAD tại Hàn Quốc (ảnh: CNN)

Mối quan hệ Nga – Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn nồng ấm, Trong khi đó, Điện Kremlin đã nhiều lần nêu ra những quan ngại của mình, cho rằng việc triển khai THAAD sẽ gây ra những bất ổn hơn nữa trong khu vực.

Cuối tháng trước, Thứ trưởng Ngoại gia Nga Gennady Gatilov tuyên bố THAAD là mối đe dọa “đến cân bằng quân sự hiện tại trong khu vực.” “Chúng tôi không phải là bên duy nhất nhìn nhận bước đi này một cách rất tiêu cực. Một lần nữa chúng tôi yêu cầu cả Mỹ và Hàn Quốc tái cân nhắc động cơ của mình, và các quốc gia khác trong khu vực không tham gia vào những nỗ lực gây bất ổn này,” truyền thông Nga dẫn lời ông Gatilov.

(Theo CBS News)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ