(Tổ Quốc) - Lý do nào khiến các lệnh trừng phạt Triều Tiên không có tác dụng và Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử tên lửa?
Trong khi các lệnh trừng phạt mới dành cho Triều Tiên liên tục được thông qua sau hàng loạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của nước này, tờ Bloomberg đặt câu hỏi, tại sao trong hơn một thập kỷ qua, cấm vận và trừng phạt của cộng đồng quốc tế dường như đã hoàn toàn thất bại tại quốc gia châu Á. Một trong những nguyên nhân, theo Bloomberg, là do nền kinh tế Triều Tiên đang phát triển nhanh hơn những gì thế giới có thể nắm bắt được – và điều này đã khiến việc “uốn nắn” cách cư xử của Bình Nhưỡng thông qua các rào cản thương mại, ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Cách tiếp cận hiện tại của các lệnh trừng phạt phần lớn dựa trên nhận định rằng, nền kinh tế của Triều Tiên vẫn là “một cơn ác mộng”. Nhưng đây đã không còn là sự thật. Mặc dù vẫn còn nghèo, nhưng theo ước tính, tăng trưởng GDP của Triều Tiên vào khoảng 3,9% vào năm 2016, đạt mức 28,5 tỷ USD; và là tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng 17 năm qua. Mức lương bình quân cũng gia tăng nhanh chóng, và GDP bình quân đầu người của Triều Tiên giờ đây đã tương đương với Rwanda - một hình mẫu kinh tế của châu Phi.
Sự tiến bộ này chủ yếu đến từ quan hệ thương mại không ngừng phát triển giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Trong khi đó, đồng ý thắt chặt các lệnh cấm vận với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh vẫn thể hiện sự do dự, không muốn “quay lưng” với người hàng xóm, kiêm đồng minh lâu năm của mình. Hồi tháng Hai, Trung Quốc bằng lòng áp dụng cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên, tuy nhiên, nhập khẩu thép lại tăng và tổng giá trị thương mại hai bên tăng 10,5% trong nửa đầu năm nay, đạt mức 2,55 tỷ USD.
Cùng lúc này, công cuộc cải cách kinh tế khởi xướng từ năm 2011 tại Triều Tiên, dường như đã bắt đầu “ra quả ngọt”, cho phép các nhà quản lý doanh nghiệp có thể tự đặt ra mức lương, tìm được nguồn cung cấp, thuê và sa thải nhân công. Các trang trại hợp tác xã giờ đây được thay thế bởi hệ thống quản lý dựa trên gia đình, giúp nâng cao năng suất thu hoạch. Chính quyền thậm chí đã bắt đầu chấp nhận một cách giới hạn các doanh nghiệp tư nhân.
Kết quả vô cùng ấn tượng. Các cửa hàng giờ đây mọc lên ngày càng nhiều tại Bình Nhưỡng. Tại một số khu dân cư còn xuất hiện các siêu thị xa xỉ, shop thời trang và trên đường phố, Mercedes-Benzes và BMW không còn là của hiếm. Theo một số thống kế, giờ đây kinh tế tư nhân đã chiếm ½ GDP của Triều Tiên.
Trong bối cảnh tình trạng đói nghèo vẫn còn diễn ra, những cải thiện cho dù là đơn giản nhất trong nông nghiệp và quản lý thiên tai, cũng đủ để giúp nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng đáng kể. Mức tăng GDP ấn tượng năm ngoái được cho là kết quả của sự hồi phụ kinh tế sau trận hạn hán lớn năm 2015.
Đối với người dân Triều Tiên, mức sống được nâng cao rõ ràng là một điều tốt. Vấn đề là, cho tới thời điểm mà thật sự cần phải dỡ bỏ các rào cản thương mại mới có thể tiếp tục phát triển, thì nền kinh tế Triều Tiên vẫn còn có rất nhiều không gian để tăng trưởng. Điều này có thể kéo dài trong nhiều năm trời, trước khi các lệnh trừng phạt mới có thể gây ra những tổn thất nghiêm trọng đến mức Bình Nhưỡng phải thay đổi cách hành xử của mình. Cho đến lúc đó, lý tưởng “tự lập tự cường” của Triều Tiên, dường như vẫn khá hợp lý.
Tăng trưởng kinh tế đều đặn bất chấp các lệnh cấm vận "dày dặc" của quốc tế: Vũ khí mới của Triều Tiên? (ảnh: Bloomberg) |
Kim Jong-un “học tập” Park Chung-hee và Tập Cận Binh?
Bloomberg nhận định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể muốn noi theo cố Tổng thống Park Chung-hee của Hàn Quốc, hay Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc – để trở thành một nhà cải cách kinh tế với “cú đấm thép”. Trong tâm trí của nhiều người dân Hàn Quốc, ông Park Chung-hee vẫn gắn với quá trình trưởng thành của đất nước này thành một trong những con hổ châu Á. Trong khi ông Tập Cận Bình vẫn thường được nhắc tới như một trong những nhà lãnh đạo đứng sau phía sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc.
Tất nhiên, chính quyền Kim Jong-un vẫn còn phải đối mặt với vô số thách thức, trong số đó, dễ thấy nhất là việc làm sao để Triều Tiên không bị cô lập hoàn toàn khỏi hệ thống thương mại toàn cầu. Công cuộc cải tố có thể sẽ vấp phải sự phản đối ngay từ trong nội bộ chính quyền, bong bóng thị trường có thể gây ra sự bất ổn… Nhưng nếu những sức ép khắc nghiệt từ bên ngoài và sự khan hiếm nguồn lực vẫn không cản được Triều Tiên đạt được những mục tiêu của mình trong suốt thời gian qua, thì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chắc chắn sẽ chỉ càng hỗ trợ nhiều hơn nữa cho chính quyền Bình Nhưỡng.
(theo Bloomberg)