• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung - Ấn giảm nhiệt: "Mấu chốt" hòa giải xung đột biên giới Himalaya

Thế giới 11/09/2020 20:39

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ đã gặp gỡ tại Moscow lần đầu tiên kể từ xung đột biên giới Himalaya.

Theo trang SCMP, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết tăng cường tin tưởng lẫn nhau đảm bảo hòa bình dọc khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước trong thỏa thuận chính thức đầu tiên kể từ tháng Sáu, trong đó Bắc Kinh nhấn mạnh hai nước không phải là mối đe dọa của nhau.

Trung - Ấn giảm nhiệt: "Mấu chốt" hòa giải xung đột biên giới Himalaya - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Cam kết diễn ra khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và lãnh đạo đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên kể từ xung đột biên giới hồi tháng Sáu khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong cùng với số lượng thương vong chưa rõ của quân đội Trung Quốc.

"Hai bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ đã thống nhất rằng căng thẳng hai nước không nằm trong lợi ích chung của nhau", tuyên bố chung nêu rõ sau cuộc gặp gỡ bên lề thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Moscow.

"Hai bên đã nhất trí rằng quân đội biên giới của hai nước nên tiếp tục tham gia đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và giảm bớt căng thẳng. Hai bộ trưởng cũng thống nhất khi tình hình giảm căng thẳng thì hai nước có thể xúc tiến làm việc cùng nhau, ký kết các biện pháp xây dựng lòng tin mới nhằm duy trì và tăng cường hòa bình, yên tĩnh tại khu vực biên giới", tuyên bố nếu rõ.

Trong tuyên bố nêu rõ, cả hai bên nên tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang ở "ngã ba đường" và cả hai nước đã đến lúc "phải đi đúng đường".

"Là hai quốc gia láng giềng lớn, việc tồn tại các khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ là điều bình thường", ông nói. "Tuy nhiên, đặt các khác biệt vào vị trí thích hợp trong quan hệ song phương, các nhà lãnh đạo hai nước đã đi đến thống nhất Ấn Độ và Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác hợp tác".

Theo trang SCMP, ông Vương Nghị đã bày tỏ lập trường "nghiêm túc" của Trung Quốc liên quan đến xung đột biên giới, đồng thời kêu gọi Delhi nên chấm dứt "các hành động khiêu khích nổ súng" và giải tán quân đội biên giới.

Xung đột biên giới tồi tệ nhất giữa hai nước trong bốn thập kỷ đã liên tục leo thang trong các tháng qua. Đầu tuần này, hai nước đã cáo buộc nhau bằng các vụ nổ súng ở khu vực tranh chấp biên giới Himalaya, vi phạm thỏa thuận cấm bắn vào năm 1996 và đẩy căng thẳng quân sự leo thang hơn nữa.

Trung Quốc đã nói rằng, quân đội nước này đã "buộc phải có phản ứng khẩn cấp nhằm ổn định tình hình hiện trường", nhưng Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã nổ súng, trang SCMP cho biết.

Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và Ngoại trưởng Jaishankar đã diễn ra bên lề hội nghị SCO sau khi các bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp gỡ tuần trước.

Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe đã nói rằng trách nhiệm về căng thẳng hiện nay dọc biên giới "hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ" và Trung Quốc sẽ bảo vệ "từng tấc lãnh thổ".

Liu Zongyi, chuyên gia Nam Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải khẳng định, tuyên bố chung là một bước tiến tích cực nhưng cần xác minh rằng quân đội Ấn Độ sẽ tuân thủ.

"Liệu quân đội Ấn Độ có thể gặp gỡ hành lang với Trung Quốc cho nỗ lực tìm ra giải pháp hòa bình giữa các căng thẳng hay không? Cả hai nước đã có các cuộc tham vấn ngoại giao kể từ khi căng thẳng phát sinh ở thung lũng Galwan và Pangong Tso, tuy nhiên, những gì các cơ quan đối ngoại và quốc phòng Ấn Độ nói không hề nhất quán với những gì hai nước đã làm. Chúng tôi vẫn cần quan sát và đối với Trung Quốc, phải chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra", ông Liu nhấn mạnh.

Theo ông Liu, chuyến thăm trước đó của ông Vương Nghị đến biên giới Tây Tạng đã nhấn mạnh sự hiểu biết chung giữa các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc.

Ông Liu lên tiếng rằng, vụ bắn súng cảnh báo ở khu Pangong Tso trong tuần này đã phá vỡ sự tin tưởng lẫn nhau trước đó.

"Các biện pháp xây dựng niềm tin chung nhằm giữ gìn hòa bình và bình yên khu vực biên giới theo kỷ luật không tiếng súng đã bị phá vỡ, đặc biệt là sau cuộc xung đột gây chết người ở thung lũng Galwan vào ngày 15/6", ông Liu nói.

"Điều kiện tiên quyết thiết lập biện pháp xây dựng niềm tin mới là phía Ấn Độ không được phép bắn bất kỳ phát súng nào nữa và phải đáp ứng các nỗ lực của Trung Quốc đang làm, rút quân càng sớm càng tốt và rút khỏi Ranh giới kiểm soát thực tế.

Giáo sư Đại học Fudan – ông Lin Minwang khẳng định, hai bên đã nhận ra sự cần thiết phải sắp xếp lại nhằm kiểm soát khu vực biên giới, tuy nhiên không nên đánh giá thấp khó khăn trong việc đạt được đồng thuận.

"Đây là lần đầu tiên thảo luận về "việc xây dựng niềm tin mới" đã được đề cập. Chúng tôi chưa biết bao gồm những gì. Các quy tắc hiện tại đang bị vi phạm", ông Lin nói.

Theo ông Lin, còn quá sớm để nói rằng tuyên bố chung của các ngoại trưởng là một bước ngoặt giải quyết vấn đề căng thẳng biên giới.

"Tôi cho rằng nếu quân đội Ấn Độ không rút quân khỏi vị trí đã chiếm đóng từ cuối tháng Tám thì khả năng giải quyết tình trạng bế tắc vào cuối năm sẽ là rất thấp", ông Lin nói.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ