(Tổ Quốc) - Đài Loan ngày 21/12 cáo buộc Trung Quốc lợi dụng khó khăn tài chính của Sao Tome và Principe để thúc đẩy sự công nhận chính sách "một Trung Quốc".
- 19.12.2016 Ông Trump “điểm huyệt” Trung Quốc
Tuyên bố này được đưa ra sau khi quốc gia Tây Phi này cắt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan – điều Đài Bắc cho rằng không có lợi cho mối quan hệ xuyên eo biển.
Cờ của Sao Tome và Principe đã bị gỡ bỏ tại cơ quan ngoại giao Đài Loan ngày 21/12. (Nguồn: Reuters) |
Người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đài Loan David Lee cho biết Đài Bắc sẽ không tham dự vào chiến dịch "ngoại giao USD" sau quyết định của Sao Tome.
"Chúng tôi nghĩ rằng chính quyền Bắc Kinh không nên sử dụng hố đen tài chính của Sao Tome ... như một cơ hội để thúc đẩy chính sách "một Trung Quốc", ông Lee cho biết tại một cuộc họp báo ở Đài Bắc ngày 21/12. "Hành vi này không giúp ích cho một mối quan hệ xuyên eo biển suôn sẻ."
Bà Thái đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các quan chức quốc hội và cố vấn an ninh trong ngày 21/12. Văn phòng của nhà lãnh đạo Đài Loan cũng cho biết việc Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng tài chính của Sao Tome để thúc đẩy chính sách "một Trung Quốc" sẽ gây tổn hại cho sự ổn định qua eo biển Đài Loan.
"Điều này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển lâu dài của mối quan hệ xuyên eo biển," cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc hoan nghênh động thái từ Sao Tome. "Chúng tôi ghi nhận tuyên bố từ chính phủ của Sao Tome và Principe vào ngày 20/12 trong việc chấm dứt điều gọi là quan hệ" ngoại giao "với Đài Loan. Trung Quốc bày tỏ sự đánh giá cao điều này, và hoan nghênh Sao Tome ủng hộ nguyên tắc 'một Trung Quốc' ", Bộ Ngoại giao nước này cho biết trong một tuyên bố.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan gần đây đang trở thành tâm điểm chú ý khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã vượt qua truyền thống ngoại giao và có cuộc điện đàm với người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn hồi đầu tháng này, động thái khiến Bắc Kinh tức giận.
Ông Trump cũng đã đặt câu hỏi về việc Mỹ đã duy trì chính sách "một Trung Quốc" từ năm 1979 tới nay.
Tại châu Phi, chỉ còn Burkina Faso và Swaziland còn duy trì các mối quan hệ chính thức với Đài Loan. "Chúng ta chỉ còn 21 đồng minh. Chúng ta phải yêu mến họ," ông Lee nói.
Nền kinh tế của Sao Tome và Principe phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ca cao tuy nhiên vị trí nằm giữa vùng Vịnh Guinea giúp nước này có trữ lượng dầu mỏ lớn và mở ra tiềm năng trở thành nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt.
Các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh trước đó đã nói rằng Sao Tome là một trong những đồng minh của Đài Loan nằm trong danh sách Trung Quốc có thể thu hút để nghiêng về phía mình.
Năm 2013, Sao Tome cho biết Trung Quốc đã có kế hoạch đưa một phái đoàn thương mại để thúc đẩy các dự án tại đây.
(Theo Reuters)