• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Đông: “Miền đất hứa” đảo ngược quyền lực Nga

Thế giới 24/11/2017 19:10

(Tổ Quốc) - Điện Kremlin đang thực hiện kế hoạch bài bản nhằm xây dựng nên một thế mạnh địa chính trị trong tương quan với Mỹ và các đồng minh.

Các động thái của Moscow ở khu vực được định hướng bởi một chiến lược xây dựng uy tín và ảnh hưởng, tìm kiếm các thị trường vũ khí và các sản phẩm khác – một mô hình quyền lực cổ điển.

Dầu là trung tâm của chiến lược này, nhưng nó không phải là vấn đề duy nhất. Khi giá dầu đang trên 55 USD / thùng và Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị khốc liệt kể từ những năm 1920 khi chế độ quân chủ được thành lập, thì sự hợp tác nhằm giảm sản xuất dầu giữa Moscow với Tehran và Riyadh khiến Nga chú ý tới khu vực này.

Tuy nhiên, những động thái mới nối lại của Điện Kremlin ở khu vực này mang tính địa chính trị và vượt trên mức thương mại. Moscow đang hướng đến việc gây ảnh hưởng tới các chính phủ, xây dựng lại các căn cứ quân sự, mở các tuyến đường biển và mở rộng xuất khẩu. Những tham vọng quyền lực này cho thấy một sự thay đổi lớn hơn trong cân bằng khu vực, đánh dấu sự trở lại của một cuộc cạnh tranh chiến lược như thế kỷ 19 và đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tương lai quyền lực của Mỹ.

Trở lại cuộc đua quyền lực siêu cường

Nga đã định hình là một đế chế lớn trong suốt  lịch sử. Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Nga đã từ bỏ hầu hết các hoạt động triển khai quân sự ở Trung Đông, dù vẫn duy trì quan hệ với một số khách hàng buôn bán vũ khí. Trong thời điểm duy trì sức mạnh của một đế chế quá đắt đỏ thì Syria – với căn cứ "cung cấp nơi đồn trú và sửa chữa" cho hải quân Nga ở Tartus và căn cứ không quân ở Khmeimim - là quốc gia duy nhất Moscow gắn kết chặt chẽ.

Quân sự Nga đã chứng tỏ được sức mạnh trong cuộc xung đột Syria.

Với sự gia tăng của giá dầu sau cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008, và đặc biệt là sau thời điểm trùng với việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Nga đã bắt tay vào chiến lực tái cân bằng một cách bài bản ở Trung Đông với mục đích là thách thức vị thế của Hoa Kỳ và các đối tác.

Một số nhà phân tích tin rằng Syria có thể là quân bài để thương lượng về vấn đề Ukraine và các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi sự hiện diện tại Trung Đông của Mỹ đang giảm dần, và sự sẵn sàng của Nga để lấp đầy khoảng trống này – tín hiệu trên cho thấy những tham vọng rộng lớn hơn.

Các tham vọng của Nga ở Trung Đông bao gồm nhiều khía cạnh quan trọng đối với an ninh quốc gia và chiến lược toàn cầu:

Trước hết, nơi đây là một mũi nhọn chống lại chủ nghĩa cực đoan. Hồi giáo cực đoan đã chứng tỏ có sức hấp dẫn đối với 2.500 công dân Nga – đã đến tham chiến ở Syria và Iraq, cũng như hàng trăm người khác từ khối Liên Xô cũ đã chọn tham gia ISIS. Sự trở về của họ là một mối đe dọa thực sự. Moscow là thành phố lớn thứ hai ở châu Âu về dân số Hồi giáo, sau Istanbul.

Nơi đây cũng là khu vực chiến lược cạnh tranh với Hoa Kỳ. Ông Putin cùng đội ngũ thân cận, quân đội và các đơn vị an ninh đã nhiều lần chỉ trích những nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu nước Nga.

Ảnh hưởng của giá dầu. Lợi ích của Nga rất cần thiết đối với việc gia tăng ảnh hưởng đối với giá dầu, đặc biệt khi nguồn lực này đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Nga. Sự ảnh hưởng này có thể xảy ra thông qua các thỏa thuận với các cartel hoặc bằng cách gây ảnh hưởng với những cuộc đối đầu khi vực, chẳng hạn như trong trường hợp của Saudi Arabia và Iran. Không điều gì có thể thổi bùng nổ giá dầu nhiều hơn bóng ma của chiến tranh hoặc phong tỏa ở eo biển Hormuz.

Một thị trường vũ khí: Cuộc xung đột ở Syria đã cho thấy sức mạnh của các thiết bị quân sự và công nghiệp của Nga, từ các tên lửa hành trình tầm trung Kalibr tới các máy bay chiến đấu SU-35 và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Đây là những sản phẩm bán chạy nhất với doanh thu cao nhất bởi vì, như cách nói của Moscow, "bán vũ khí tạo ra các đồng minh tốt".

Nga cũng thể hiện quyết tâm ủng hộ các đồng minh. Cuộc chiến Syria đã chứng tỏ quyết tâm của Moscow là gắn bó với các đồng minh mặc dù tình hình xấu đi.

Khoảng trống quyền lực khu vực

Trước đó, chính quyền Obama tin rằng lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ là rút khỏi cuộc chiến tranh dưới thời Bush. Phản ứng của Obama đối với cuộc khủng hoảng Syria đã mở đường cho thỏa thuận hạt nhân Iran và tránh xa xung đột quân sự. Trong khi năm đầu tiên của chính quyền Trump cũng chưa đưa ra các chính sách chặt chẽ về khu vực này.

Phản ứng của Hoa Kỳ đối với sự hiện diện gia tăng từ Nga ở Trung Đông đã mở ra một khoảng trống quyền lực khu vực. Người châu Âu không thể lấp đầy nó, và Trung Quốc còn ít nhất là một thập kỷ nữa mới đủ khả năng làm việc này. Do đó, theo mặc định và theo ý định của họ, Nga đang tiến vào.

Moscow tăng cường đổ bộ Trung Đông

Trong bối cảnh này, Điện Kremlin đã tham chiến tại Syria. Đây là một cơ hội của Moscow: Ông Assad, dù bị cả hai đời Tổng thống Mỹ Obama và Trump chỉ trích, vẫn đang nắm giữ quyền lực; quá trình hòa bình ở Astana đang được định hướng từ Moscow và Teheran; và quân đội Nga đã hoàn thành kế hoạch chiến đấu thành công đầu tiên bên ngoài biên giới Liên Xô kể từ cuộc chiến tranh tàn khốc ở Afghanistan cách đây nhiều thập niên.

Nga cũng đã khôi phục mối quan hệ vốn căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara thậm chí còn mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tiến hành dự án đường ống dẫn dầu Turkish Stream bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Người ta có thể cho rằng lợi ích Nga-Thổ Nhĩ Kỳ va chạm nhau ở Syria và khu vực Biển Đen, nhưng tư tưởng bài Mỹ tại Ankara có thể chiếm ưu thế trong ngắn và trung hạn.

Ngay cả đồng minh cũ của Mỹ là Israel cũng đã mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow sau khi ông Obama xúc tiến thỏa thuận hạt nhân Iran – điều đã gia tăng ảnh hưởng của Iran tại cao nguyên Golan, và khuyến khích Hezbollah tăng quân ở ngưỡng cửa của của Israel và thúc đẩy một cuộc đối thoại Jerusalem-Moscow. Mối quan hệ của Putin-Netanyahu vẫn rất mạnh mẽ, bất chấp việc triển khai quân sự của Nga ở Syria đang đe doạ sự thống trị của Không lực Israel đối với Levant.

Ông Putin cũng đang thúc đẩy quan hệ với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. Ai Cập và Nga cùng hỗ trợ quyền lực của Tướng Khalifa Haftar ở Libya, trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn ủng hộ chính phủ Tripoli.

Cuối cùng, về phía Iran, Nga giờ đây được hưởng quyền được tạm thời hạ cánh không quân và tiếp nhiên liệu tại Hamadan, và có thể bắn tên lửa bay qua không phận của Iran từ biển Caspian sang Syria. Hợp tác song phương cũng đã kéo dài hàng thập kỷ giữa Tehran và Moscow nhằm chống lại Hoa Kỳ, các đồng minh Hồi giáo Sunni và Israel, đang ngày càng mạnh mẽ.

Lựa chọn của người Mỹ ở Trung Đông

Cuộc cách mạng đá phiến của Hoa Kỳ diễn ra cùng lúc với sự mệt mỏi của Mỹ đối với chiến tranh và sự suy giảm các hành động can dự quốc tế. Tổng thống Donald J. Trump đã lên án các cuộc thập tự chinh can dự toàn cầu của Mỹ và thể hiện rõ ràng là muốn tìm kiếm sự hợp tác với ông Putin. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ (bao gồm cả giới lãnh đạo trong Quốc hội đến từ phe Cộng hòa) đã không đồng ý – họ coi Nga như một kẻ thù toàn cầu không thể đảo ngược được.

Liệu sự xa rời can dự toàn cầu của Mỹ có kết thúc hay không? Theo các chuyên gia của National Interest, lịch sử đã cho thấy, Hoa Kỳ là một cường quốc toàn cầu và sẽ bị lôi kéo vào các cuộc tranh giành quyền lực trong tương lai, bao gồm cả với Nga, Trung Quốc và Iran.

Tuy nhiên, khi không nhấn mạnh rõ các mục tiêu chính sách; không cải thiện mối quan hệ với các đồng minh chính, Mỹ có thể mất ưu thế lớn đã giành được sau Chiến tranh lạnh, bao gồm ở Trung Đông. Việc hỗ trợ Saudis ở Yemen, hợp tác với Iraq chống lại ISIS, và một "kế hoạch hòa bình" cho  Israel-Palestine vẫn chưa được đưa vào một chiến lược khu vực chặt chẽ.

Sự thiếu thống nhất này sẽ làm phức tạp thêm sự hỗ trợ của Mỹ cho các đồng minh ở vùng Vịnh và cho cả Israel, cũng như sẽ làm suy yếu hơn nữa mối quan hệ với đồng minh Ả Rập quan trọng là Ai Cập. Trong bối cảnh này, Nga có thể vươn lên chiếm được ưu thế hơn Mỹ tại một chiến trường địa chính trị quan trọng.

(Theo NI)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ