(Tổ Quốc) - Na Uy ngày 10/10 đã đình chỉ việc cấp giấy phép mới về xuất khẩu quân sự sang Thổ Nhĩ Kỳ. Na Uy cũng đang xem xét lại tất cả các giấy phép hiện tại xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ các mặt hàng quân sự và vũ trang đa dụng.
Bên cạnh Na Uy, một gói trừng phạt Mỹ, nếu được áp dụng vì chiến dịch tấn công của nước này vào người Kurd Syria, có thể có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và có thể đẩy Ankara tiến xa hơn vào quỹ đạo của Moscow và Bắc Kinh.
Melissa Dalton, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết, động thái này có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng hoàn toàn sang quỹ đạo của Nga, và có tác động đáng kể đến các đối tác NATO khác, những người mua và bán vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ, và việc tham gia vào các hoạt động đa quốc gia dưới danh xưng NATO.
Quốc hội Mỹ sẵn sàng hành động
Hiện chưa thể biết được trong nhiều tuần liệu gói gói trừng phạt trên diện rộng do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen đề xuất có được Thượng viện thông qua hay không và liệu có bị Tổng thống Mỹ phủ quyết hay không. Tuy nhiên, thông điệp họ muốn thể hiện đã rõ: Quốc hội Mỹ sẵn sàng hành động mạnh về kinh tế với một đồng minh NATO lâu năm nếu họ ngày càng cách xa Mỹ.
Dự luật này cũng sẽ trừng phạt bất kỳ người dân hoặc công ty nước ngoài nào của Mỹ hay cả của các nước khác nếu họ hỗ trợ vật chất cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và cả cá nhân hoặc doanh nghiệp giúp duy trì hoặc hỗ trợ các chương trình năng lượng nội địa của Ankara - vốn nhằm cung cấp cho các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi Nga và Trung Quốc sẽ phải chịu một số hình thức trừng phạt vì bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, Dalton nghĩ rằng họ sẽ sẵn sàng chịu đựng: Họ sẽ sẵn sàng chịu chi phí đó vì lợi ích địa chính trị để mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - NATO ngày càng xa nhau.
Đồn đoán về các lệnh trừng phạt mà Washington đã đe dọa sẽ áp đặt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga – gần đây đã xuất hiện và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã dự trữ những vũ khí do Mỹ sản xuất, đặc biệt là phụ tùng cho máy bay phản lực F -16.
Thương vụ S-400 Nga - Thổ trước đó đã khiến Mỹ phẫn nộ. Ảnh: Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara cũng đã bị loại khỏi chương trình F-35 trước khi tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 đầu tiên.
Trước sự phản đối dữ dội của lưỡng đảng và các đối tác nước ngoài về việc rút quân khỏi phía bắc Syria và dường như chấp nhận cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ nhắm tới nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara làm bất cứ điều gì đi ngoài giới hạn ở Syria. Tuy nhiên, ông Trump không giải thích thêm.
Để dự luật trừng phạt đến được bàn của Tổng thống, trước tiên, dự luật phải đi qua hai đồng minh trung thành của ông Trump, những người đã chặn các dự luật mà Nhà Trắng không ưa thích trong quá khứ. Hiện tại, không rõ hai nhà lập pháp đó, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch có ủng hộ các lệnh trừng phạt này hay không.
Theo dự luật của Thượng viện, lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực trừ khi chính quyền Trump thông báo cho Quốc hội cứ sau 90 ngày rằng Thổ Nhĩ Kỳ không hoạt động đơn phương tại khu vực của người Kurd ở phía đông Euphrates và phía tây biên giới Iraq, và đảm bảo quân của họ và phe nổi dậy được họ hỗ trợ rút lui.
Bối cảnh phát triển mới của Thổ
Lần cuối Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ là vào năm 1975 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào đảo Síp. Ankara đã phản ứng bằng cách đóng cửa tất cả các quyền tiếp cận của Mỹ vào các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ trong ba năm, điều tạo ra một vấn đề hậu cần lớn cho Washington. Căn cứ không quân Incirlik không chỉ trở thành điểm then chốt cho các hoạt động của Mỹ và NATO ở Trung Đông, mà còn là kho của 80 vũ khí hạt nhân B61.
Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington cho biết, năm 1975, Thổ Nhĩ Kỳ rất mong muốn được quay trở lại "vòng tay" của Washington vì họ lo ngại ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực. Lần này tôi không nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra, vì Nga không còn sức ảnh hưởng đến như vậy, mà thay vào đó, Nga hiện là một đối tác kinh tế và quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói. Các biện pháp trừng phạt mạnh có thể khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xoay chuyển từ Hoa Kỳ về phía Nga, Nga và sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến các quốc gia khác, như Trung Quốc, cũng theo chuyên gia này.
Một số đồng minh NATO đã có động thái. Hôm thứ Tư, Na Uy đã đình chỉ các đơn xin cấp giấy phép mới xuất khẩu sản phẩm quân sự sang Thổ Nhĩ Kỳ. Na Uy cũng đang xem xét lại tất cả các giấy phép hiện tại và đang theo dõi tình hình Syria với mối quan ngại sâu sắc. Nước này cũng nhắc lại lời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hoạt động quân sự và tôn trọng luật pháp quốc tế, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Søreide tuyên bố.
Trong nhiều năm qua, chính quyền của ông Erdogan đã nỗ lực xây dựng năng lực công nghiệp quốc phòng. Theo SIPRI, chi tiêu quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 24% trong năm 2018 lên 19 tỷ USD, mức tăng mạnh nhất trong số 15 nước chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới.
Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu khoảng 685 triệu USD thiết bị quốc phòng, từ Hoa Kỳ và một số đối tác châu Âu trong NATO, theo số liệu của SIPRI. Xuất khẩu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng trưởng trong những năm gần đây, mặc dù họ không đạt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD vào năm 2023 do chính phủ vạch ra.