• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc đón đầu ảnh hưởng mặt trận Pakistan-Afghanistan?

Thế giới 27/12/2017 15:45

(Tổ Quốc) - Bắc Kinh hướng tới việc đưa Pakistan và Afghanistan tiến sâu hơn vào phạm vi ảnh hưởng của họ.  

Vào ngày 26/12, Bắc Kinh đã tổ chức cuộc Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-Afghanistan-Pakistan lần thứ nhất. Các Bộ trưởng ngoại giao của ba nước này – Vương Nghị của Trung Quốc, Salahuddin Rabbani của Afghanistan và Khawaja Muhammad Asif của Pakistan - đã tham dự cuộc họp.

Cả ba quốc gia đã nhất trí thiết lập một cơ chế đối thoại ba bên trong tháng 6 nhằm tăng cường hợp tác ba bên trong chính trị, kinh tế và an ninh. Afghanistan sẽ tổ chức cuộc đối thoại thứ hai tại Kabul vào năm 2018.

Gia tăng ảnh hưởng với Pakistan, Afghanistan

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Vương Nghị tuyên bố rằng "Afghanistan và Pakistan đã đồng ý cải thiện quan hệ song phương càng sớm càng tốt và nhận ra sự tồn tại hài hòa, hứa hẹn giải quyết mối quan ngại của họ thông qua đối thoại và tham vấn toàn diện". Ông Vương cho biết: "Đây là bước tiến quan trọng đạt được trong cuộc họp".

Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-Afghanistan-Pakistan lần đầu tiên được tổ chức.

Bên cạnh đó, thỏa thuận về hợp tác kinh tế liên quan đến Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) - một dự án hàng đầu trong Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc - là một thành tựu quan trọng khác trong cuộc họp trên, ít nhất là theo quan điểm của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Vương Nghị thông báo thêm, Trung Quốc và Pakistan đang có kế hoạch mở rộng CPEC tới Afghanistan. "Về lâu dài, thông qua Afghanistan, chúng ta sẽ dần dần kết nối CPEC với hành lang kinh tế Trung Quốc – Trung Á và Hành lang kinh tế Tây Á", ông Vương cho hay.

Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố rằng dự án CPEC 3.000 km - bắt đầu từ Kashgar và kết thúc tại cảng Gwadar của Pakistan - sẽ kết nối "Con đường Tơ lụa ở phía Bắc và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 ở phía Nam." Trong khuôn khổ của BRI , Trung Quốc sẽ đầu tư hàng tỷ đô la vào xây dựng "mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, đường ống và cáp quang" dọc theo hành lang này.

Ấn Độ, được sự ủng hộ của Mỹ, đã phản đối CPEC với lý do nó đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.

Vào giữa tháng 12, cố vấn an ninh quốc gia Pakistan Nasser Khan Janjua chỉ trích gay gắt Mỹ và Ấn Độ với cáo buộc "âm mưu chống lại" CPEC trong một cuộc hội thảo ở Islamabad.

Trong cuộc họp báo sau cuộc đối thoại ba bên lần này, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng "CPEC không hướng tới bất kỳ bên thứ ba nào, nhưng hy vọng sẽ đem lại lợi ích cho toàn khu vực và trở thành động lực quan trọng để hội nhập khu vực". Ông nói thêm: "CPEC là một dự án hợp tác kinh tế và không nên chính trị hóa.

Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, Afghanistan và Pakistan "chúc mừng Trung Quốc về việc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 của Trung Quốc và ủng hộ sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại".

"Cuộc đối thoại của chúng tôi không nhằm vào bất kỳ bên nào khác và cũng không chịu ảnh hưởng từ các quốc gia hoặc lực lượng khác", ông Vương nói trong cuộc họp báo.

Cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ

Dù vậy, theo The Diplomat, những diễn biến trên đã cho thấy, tham vọng của Trung Quốc trong việc kết hợp cả Pakistan - từ lâu đã được gọi là "bạn tốt" của Trung Quốc - và Afghanistan vào tầm ảnh hưởng thông qua cuộc đối thoại này là rõ ràng. Trong khi đó, Pakistan và Afghanistan dường như cũng đã sẵn sàng tham gia.

Cũng theo The Diplomat ghi nhận vào tháng Tám, khi Tổng thống Mỹ Donald J. Trump công bố chiến lược lớn của ông về Afghanistan và Nam Á, ông đã cho rằng Pakistan là nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới đây, Mỹ một lần nữa lại nhắm mục tiêu cứng rắn vào Pakistan (cùng với Nga và Trung Quốc) về nhiều vấn đề khác nhau.

Tuần trước, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cho biết trong chuyến thăm Afghanistan rằng Pakistan từ lâu đã cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho Taliban và các tổ chức khủng bố khác và "Tổng thống Trump đã đưa Pakistan vào danh sách lưu ý."

Ngoài ra, Trung Quốc và Pakistan đã tuyên bố trong cuộc đối thoại trên rằng họ cũng sẽ hỗ trợ chính phủ Afghanistan đẩy mạnh các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Đồng thời, Afghanistan, Pakistan và Trung Quốc cũng đã nhất trí giải quyết mối đe dọa chống khủng bố.

Trong bối cảnh này, sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc cho Pakistan và Afghanistan trong nhiều lĩnh vực chắc chắn sẽ thách thức vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực.

(Theo The Diplomat)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ