• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc hé lộ Vạn Lý Trường Thành mới, chặn đứng đe dọa siêu thanh Nga, Mỹ

Thế giới 15/01/2019 10:54

(Tổ Quốc) - Ba cường quốc Trung Quốc, Mỹ và Nga đều tỏ ra không khoan nhượng trong cuộc chay đua chế tạo vũ khí siêu thanh.

Theo ông Qian Qihu, người vừa nhận giải thưởng quốc gia về khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc vì những đóng góp trong lĩnh vực quốc phòng, Bắc Kinh đang phát triển một tổ hợp phòng thủ dưới lòng đất, có khả năng đánh chặn các tên lửa, vốn thường được coi là "quá nhanh cho bất kỳ hệ thống phòng thủ nào".

Trung Quốc hé lộ Vạn Lý Trường Thành mới, chặn đứng đe dọa siêu thanh Nga, Mỹ - Ảnh 1.

Một thiết bị quân sự chở theo tên lửa DF-21D trong một cuộc diễu hành tại Bắc Kinh vào ngày 3/9/2015. Tên lửa này đã được triển khai tới phía tây bắc Trung Quốc trong thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington không ngừng leo thang (ảnh: getty)

"Vạn Lý Trường Thành thép dưới lòng đất"

Chia sẻ với tờ báo Trung Quốc The Global Times, ông Qian cho biết, tổ hợp có tên gọi là "Vạn Lý Trường Thành thép dưới lòng đất", nằm sâu bên dưới các dãy núi và không thể xuyên thủng. Ông gọi một loạt các hạ tầng tên lửa này là "chốt chặn quốc phòng cuối cùng" của Trung Quốc.

Trong khi các dãy núi kéo dài với địa hình hiểm trở có thể ngăn chặn được các vũ khí thông thường nhất tấn công vào căn cứ, thì ông Qian và các đồng nghiệp được cho là đã nâng cấp những hệ thống phòng thủ để có đủ năng lực bảo vệ các hạ tầng cơ sở trên mặt đất, cũng như bảo vệ được toàn bộ tổ hợp. Ông Qian giải thích, trong trường hợp các biện pháp phòng thủ tên lửa khác bị thất bại, hệ thống mới thậm chí còn có thể chặn đứng được tên lửa siêu thanh – loại vũ khí có khả năng di chuyển với tốc độ ít nhất là Mach 5, hoặc gấp 5 lần tốc độ của âm thanh và vào khoảng gần 1.700 m/s.

Quá trình phát triển lá chắn phòng thủ cần phải cực kỳ theo sát sự phát triển của vũ khí tấn công.

Qian Qihu

"Quá trình phát triển lá chắn phòng thủ cần phải cực kỳ theo sát sự phát triển của vũ khí tấn công. Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang phát triển đồng bộ với việc các vũ khí tấn công đang tạo ra những thách thức mới", ông Qian nói.

Năm nay 82 tuổi, ông Qian là một tướng đã nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc. Ông cũng là một thành viên của cả Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm công nghệ Trung Quốc. Cùng nhận giải thưởng với ông tuần trước tại Đại lễ đường Bắc Kinh là chuyên gia về radar Liu Yongtan. Số tiền thưởng đi kèm lên tới 8 triệu NDT (khoảng 27 tỷ VNĐ).

Cuộc chạy đua không khoan nhượng trong địa hạt siêu thanh

Trả lời phỏng vấn tờ The Global Times, ông Qian cho hay, công việc của ông lấy cảm hứng từ sự bất ổn địa chính trị, khi các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Nga và Trung Quốc đều tiến hành nghiên cứu vũ khí siêu thanh. Trong bài phát biểu trước toàn dân hồi tháng Ba năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố thông tin về tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal (đạt tốc độ Mach 10) và thiết bị phóng trượt siêu thanh Avangard (được cho là có thể di chuyển với vận tốc lên tới Mac 20). Ông Putin ca ngợi các vũ khí này là "bất khả chiến bại".

Trung Quốc hé lộ Vạn Lý Trường Thành mới, chặn đứng đe dọa siêu thanh Nga, Mỹ - Ảnh 3.

Hình ảnh của NASA cho thấy, tên lửa đẩy Pegasua với phi cơ nghiên cứu siêu thanh X-43A gắn phía trước vừa được phóng đi vào ngày 16/11/2004, phá vỡ kỷ lục tốc độ bay với vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh (ảnh: getty)

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có những bước tiến nhanh chóng trong địa hạt chế tạo vũ khí siêu thanh. Hồi tháng 8/2018, Viện Hàn lâm không gian và khí động lực Trung Quốc tuyên bố, họ đã thử nghiệm Starry Sky 2 – được miêu tả là một phi cơ siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 6 và bay ở độ cao gần 30.000m so với mặt nước biển.

Mỹ cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ siêu thanh. Cũng trong tháng Tám, tập đoàn vũ khí hàng đầu nước này Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng thứ hai trị giá hai tỷ USD từ Lầu Năm góc để phát triển hai vũ khí siêu thanh có tên gọi là Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không và Vũ khí tấn công thông thường siêu thanh. Kể từ năm 2010, Mỹ cũng đã thử nghiệm mẫu máy bay Boeing X-51 có khả năng đạt vận tốc Mach 6. Một thiết bị khác của Mỹ là NASA X-43 đang giữ kỷ lục tốc độ là Mach 9,6. Nga hiện sở hữu máy bay có người lái nhanh nhất là Mikoyan-Gurevich MiG-25, với tốc độ vào khoảng Mach 2,8.

Hiện không có bất kỳ biện pháp nào để đối phó" với vũ khí siêu thanh.

Tháng trước, một cơ quan thuộc chính phủ Mỹ lưu ý, "Trung Quốc và Nga đang theo đuổi vũ khí siêu thanh bởi vì tốc độ, độ cao và tính tiện dụng của chúng có thể đánh bại hầu hết mọi hệ thống phòng thủ tên lửa. Vũ khí siêu thanh cũng có thể được sử dụng để cải thiện khả năng tấn công thông thường tầm xa và tấn công hạt nhân". Cơ quan này kết luận, "hiện không có bất kỳ biện pháp nào để đối phó với vũ khí siêu thanh".

Mối quan hệ giữa Mỹ với hai đối thủ Trung Quốc và Nga đang ngày càng trở nên căng thẳng. Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào công việc nội bộ nước khác và tìm cách gây ảnh hưởng tại cả châu Âu lẫn Trung Đông. Còn Bắc Kinh bị cho là đang cố gắng kiếm soát khu vực và tiến hành thương mại không công bằng.

Trong những năm gần đây, thái độ của Mỹ là một trong những nguyên nhân chính kéo Nga và Trung Quốc lại gần nhau hơn. Hai nước này đã cùng hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quân sự và khoa học.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ