(Tổ Quốc) - Lực lượng không quân hải quân của Nga đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, và giải pháp duy nhất có thể chính là Trung Quốc.
Với tàu sân bay duy nhất còn lại Đô đốc Kuznetsov quay trở lại xưởng cạn để gia hạn thời gian sửa chữa và đại tu trong năm nay, lực lượng phi công hải quân Nga sẽ không còn tàu để huấn luyện trực tiếp trong thời gian tới nữa.
Không quân hải quân, đặc biệt là nghệ thuật cất và hạ cánh trên một con tàu sân bay thực sự đang vận hành trên biển, là một kỹ năng dễ bị mai một. Và hải quân Nga thậm chí có thể sẽ “đánh mất” khả năng này nếu họ không tìm được một con tàu thay thế để tập luyện cho đến năm 2021 hoặc 2022 – thời điểm Kuznetsov chính thức quay trở lại hạm đội. Điện Kremlin hy vọng rằng, các hoạt động huấn luyện trên cạn tại Tổ hợp Kiểm tra - Đào tạo Không quân trên mặt đất (NITKA) tại Novodeforovka, thuộc bán đảo Crimea, sẽ giúp duy trì các kỹ năng cần thiết cho các phi công hải quân của mình. Tuy nhiên, cùng lúc, người Nga cũng hiểu được rằng, việc tập luyện như vậy sẽ không thể thay thế được thực hành trên một con tàu sân bay ngoài biển khơi.
“Nếu họ không cất cánh từ trên boong một tàu sân bay thực sự một lần trong mỗi 5 năm – bất kỳ kỹ năng bay nào của lực lượng “độc nhất vô nhị” phi công hải quân của Nga sẽ tan thành khói bụi, ngay cả khi tập luyện với NITKA hay không”, nhà báo chuyên về lĩnh vực quốc phòng Vladimir Tuchkov viết trong một bài viết đăng trên tờ Svobodnaya Pressa.
Là một chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách, ông Tuchkov nhận định rằng, quá trình hiện đại hoá tàu Đô Đốc Kuznetsov sẽ bị kéo dài. Nguyên nhân là năng lực ngành công nghiệp đóng tàu của Nga vẫn chưa đủ để thực hiện một dự án lớn như vậy. “Thực tế xảy ra là, ngay cả khi dựa trên các kế hoạch của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, việc sửa chữa và hiện đại hoá tàu sân bay Đô Đốc Kuznetsov có khả năng bị chậm trễ cho đến thời điểm giữa của thập kỷ tới”, ông Tuchkov cảnh báo. “Mặc dù nhà máy sửa chữa tàu Murmansk, thuộc tổ hợp Severodvinsk's ‘Zvezdochka’, đã hứa sẽ hoàn thành dự án vào năm 2022; tuy nhiên, nhìn vào số phận của hầu hết các dự án sửa chữa tàu lớn khác, chúng ta biết rằng, thời hạn đặt ra theo kế hoạch này gần như chắc chắn sẽ không thể đạt được. Và, giới chức quân sự sẽ lại nói là ‘thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế’”.
(ảnh: National Interest) |
Những nhận định trên đồng nghĩa với việc Nga phải tìm kiếm một biện pháp thay thể để huấn luyện các phi công hải quân của mình ngoài thực địa, cụ thể là trên biển. Giải pháp mà Tuchkov đưa ra khá rõ ràng: Điện Kremlin cần dàn xếp được một thoả thuận với Bắc Kinh, theo đó, cho phép phi công Nga được tập luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh của quân đội Trung Quốc. Nhà báo này cũng chỉ ra một ví dụ điển hình, đó là hồi tháng Năm, lực lượng không quân hải quân Pháp cũng đã huấn luyện thực địa trên tàu sân bay lớp Niitz USS George H.W. Bush (CVN-77) của hải quân Mỹ, trong cuộc tập trận chung Chesapeake 2018. Nguyên nhân khá tương đồng, do tàu sân bay duy nhất của hải quân Pháp Charles De Gaulle đang trong quá trình sửa chữa, phía Washington đã cho phép các phi công hải quân Pháp được tập luyện trên con tàu của Mỹ.
Đề xuất của Tuchkov không phải là không có lý, mặc dù hiện tại, khó có thể nói Bắc Kinh sẽ có thái độ như thế nào đối với một thoả thuận như vậy. Tàu sân bay Liêu Ninh được cải tiến từ Varyag - một con tàu tương tự như Đô đốc Kuznetsov nhưng chưa hoàn thành tại Ukraine trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ. Do đó, nó có khá nhiều nét tương đồng với Đô đốc Kuznetsov của Nga. Trong thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ngày được thắt chặt hơn sau những sức ép không ngừng từ Washington lên cả hai cường quốc, việc Bắc Kinh chấp nhận thoả thuận trên là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng tất nhiên, đến cuối cùng, đây vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.
Có những lợi ích rõ ràng mà cả hai bên có thể đạt được nếu cùng thống nhất một hiệp định cho phép phi công hải quân Nga tập luyện trên tàu sân bay Trung Quốc. Đầu tiên, nó đem lại cơ hội cho lực lượng không quân hải quân hai nước được học hỏi lẫn nhau, đồng thời trao đổi các chiến thuật, kỹ thuật và tiến trình cần thiết. Trung Quốc cũng sẽ không phải chịu nhiều ảnh hưởng khi để người Nga “bay” trên tàu của mình, bởi Liêu Ninh vốn là một tàu chuyên dành cho việc huấn luyện, đặc biệt là giờ đây, Sơn Đông – con tàu sân bay sản xuất nội địa đầu tiên của Trung Quốc đang ở trong giai đoạn kiểm nghiệm cuối trước khi chính thức vận hành.
Trong khi đó, nếu một hiệp định như vậy thực sự đạt được, Nga cũng sẽ có cơ hội để chứng tỏ năng lực của những máy bay chiến đấu MiG-29KR của mình -cho những người đồng nghiệp Trung Quốc. Và có khả năng, điều này sẽ dẫn đến một hợp đồng mua bán quốc phòng nào đó giữa hai nước. Loại máy bay kích cỡ nhỏ hơn này, được đánh giá là thích hợp hơn rất nhiều để vận hành trên các tàu sân bay có quy mô như Đô đốc Kuznetsov hay Liêu Ninh – so với bất kỳ phiên bản nào của phi cơ chiến đấu Sukhoi Su-33.
“Tàu sân bay Liêu Ninh là giải pháp duy nhất cho vấn đề của Nga”, ông Tuchkov viết. “Vấn đề này lại khá nghiêm trọng và đã được chứng minh trong thực tế. Hãy lưu ý rằng: chỉ có 45 binh sỹ của toàn bộ Trung đoàn Không quân chiến đấu trên tàu sân bay của Hạm đội Biển Bắc được giao nhiệm vụ tạm thời ở tổ hợp Crimea. Khoảng 15 trong số họ là phi công. Những người còn lại là nhân viên và thợ máy. Và đó đơn giản là những người đến từ giới lãnh đạo Không quân, và chỉ muốn tận hưởng sự ấm áp dưới ánh mặt trời của Crimea”.