(Tổ Quốc) - Bắc Kinh tìm cách đối phó với những thay đổi về bản chất cuả quan hệ Mỹ-Trung.
Những câu chuyện khắc họa Trung Quốc là một quốc gia bảo hộ nhất trong các quốc gia bảo hộ không phải là không có căn cứ. Trung Quốc cho đến lúc này vẫn tự nhận là nước “đang phát triển” nhằm tạo cơ sở để Bắc Kinh duy trì các chủ trương bảo hộ sản xuất nội địa, giảm bớt các nghĩa vụ quốc tế về kinh tế tài chính.
Thử nhìn mấy con số: Năm 2016, thu nhập bình quân GNI/đầu người của Trung Quốc đạt 8.260 USD, thuộc loại quốc gia thu nhập trung bình cao: cao hơn 109% so với mức giới hạn dưới của thu nhập trung bình thấp (3.956 USD); thu nhập bình quân GDP của Trung Quốc năm 2016 đạt 14.401 USD/người[1]. Theo Báo cáo Danh sách người giàu nhất Trung Quốc năm 2017 của Nhà xuất bản Hồ Nhuận (Thượng Hải), 2.130 người giàu nhất Trung Quốc có tổng tài sản 2,6 nghìn tỷ USD, xấp xỉ GDP của Anh Quốc - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Mỹ tìm cách kiểm soát quan hệ kinh tế với Trung Quốc
Khi Trung Quốc phát triển kinh tế ngày càng tiên tiến, tập trung chú ý những công nghệ “làm thay đổi cuộc chơi”, Mỹ sẽ tăng cường kiểm soát kinh tế với Trung Quốc, đồng thời siết chặt nhiều công ty trong các chuỗi cung ứng Mỹ-châu Á. Trên danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, các cơ quan hành pháp và lập pháp Mỹ tiếp tục nhắm vào chương trình phát triển chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, bằng nhiều cách thức, như áp đặt thuế quan, trừng phạt và những hạn chế đối với hoạt động đầu tư, nghiên cứu.
Trong những tháng sắp tới, các biện pháp cụ thể Mỹ có thể áp dụng bao gồm: một cơ chế đầu tư đặc biệt được thiết kế cho các công ty Trung Quốc để ngăn chặn đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm như robot, viễn thông, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo, năng lượng mới. Nhà Trắng đã công bố ý định áp thuế quan trị giá lên đến 50 tỷ USD đối với một số hàng công nghệ Trung Quốc, sau cuộc điều tra theo Điều 301 về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ và vi phạm sở hữu trí tuệ. Mỹ sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao. Các doanh nghệp viễn thông Huawei, ZTE đang cảm nhận được áp lực; Bộ Thương mại Mỹ đã trừng phạt mạnh tay với ZTE, trong khi Huawei đang bị Bộ Tư pháp điều tra. Ngoài hai công ty trên, Mỹ có thể giăng lưới rộng hơn với những “người khổng lồ” công nghệ khác như Baidu, Alibaba, Tencent; điều tra những dịch vụ mạng các công ty này cung cấp. Ở châu Âu và Mỹ, sinh viên Trung Quốc đã không dược đăng ký học tại những ngành công nghệ cao. Washington cũng có thể áp đặt hạn chế thị thực với các nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc ở Mỹ.
Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng sáng tạo công nghệ cao để đối phó với cấm vận công nghệ của Mỹ. |
Sau những đòn tấn công phủ đầu của Mỹ, gần đây Trung Quốc đã ngừng tuyên truyền về Chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Nhưng áp lực của Washington cũng làm cho Bắc Kinh thêm quyết tâm thúc đẩy xây dựng các chuỗi cung ứng của riêng Trung Quốc trong những lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.
Trung Quốc sẵn sàng thỏa hiệp và đổi chác với Mỹ
Báo cáo chiến lược về quan hệ kinh tế mậu dịch Trung-Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc và Thế giới của Đại học Thanh Hoa (CCWE), ngày 9/7/2018, nhận định rằng, quan hệ Trung-Mỹ không thể đi đến đối kháng toàn diện và Trung Quốc hoàn toàn có thể chi trả cái giá phải trả cho sự cọ xát mậu dịch Trung-Mỹ. Theo báo cáo này, trong ngắn hạn, Trung Quốc phải giữ quyền chủ động, “dĩ chiến thúc hợp” (lấy đấu tranh thúc đẩy hợp tác), trong vấn đề xuất siêu của mậu dịch Trung-Mỹ, hết sức đáp ứng các yêu cầu của Trump, thậm chí có thể đáp ứng hoàn toàn trước thời hạn để đổi lấy những nhượng bộ của Trump trên những vấn đề lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương, Tây Tạng – TG).
Các chiến lược gia ở CCWE cho rằng, nếu xử lý một cách thỏa đáng, cọ xát kinh tế mậu dịch Trung-Mỹ có thể biến thành cục diện mới của hợp tác Trung-Mỹ, với “ba điều kiện” mà Mỹ phải chấp nhận: (1) Thừa nhận con đường phát triển của Trung Quốc và Mỹ không giống nhau, Trung Quốc không thể đi theo con đường phát triển chính trị-kinh tế kiểu phương Tây; (2) Nhất thiết phải thừa nhận quyền chủ đạo của Trung Quốc đối với các sự vụ xung quanh với tư cách là nước có dân số đông nhất và sắp sửa trở thành nền kinh tế lớn nhất; (3) Nhất thiết phải thừa nhận Trung Quốc có vai trò cùng với Mỹ và phương Tây, tích cực phát huy sức mạnh lãnh đạo kiểu mới cùng có lợi cùng thắng, trong tiến trình cải thiện quản trị điều hành toàn cầu.
Khu nghỉ mát cấp cao Trung Quốc Bắc Đới Hà sẽ tổ chức họp cấp cao Trung Quốc có các nhà lãnh đạo kỳ cựu vào đầu tháng 8 để tìm sự đồng thuận thỏa hiệp kinh tế với Mỹ tránh đối đầu kinh tế Trung - Mỹ.
|
CCWE là tổ chức nghiên cứu chiến lược rất gần gũi với tầng quyết sách của Trung Quốc. Ý kiến của CCWE cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra một số nhượng bộ để tránh đối đầu với Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Nhưng các cuộc đàm phán sẽ gập ghềnh, khi mục tiêu của chính quyền Trump không chỉ là giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại mà là kiềm chế Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-Trung đã có những thay đổi về bản chất./.
[1] Báo cáo nghiên cứu "Kinh tế Trung Quốc sau Đại hội 19: 2018,2035 và 2050", do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc và Thế giới (CCWE), thuộc Đại học Thanh Hoa biên soạn, 10/2017.