• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc: Ngành công nghiệp rơi vào khủng hoảng trước nguy cơ thiếu điện

Thế giới 01/10/2021 17:12

(Tổ Quốc) - Trang SCMP dẫn tin, khủng hoảng thiếu điện đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất ở hơn 20 tỉnh của Trung Quốc.

Thiếu hụt nguồn cung cấp than, giá điện tăng vọt

Trong các tuần gần đây, hơn 20 tỉnh ở Trung Quốc đã áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên nhằm đối phó với tình trạng nguồn cung than trở nên khan hiếm và giá điện tăng mạnh. Một số nhà máy và các hộ gia đình rơi vào tình trạng lao đao vì thiếu điện.

Khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Khi cuộc khủng hoảng thiếu điện tiếp tục ảnh hưởng đến Trung Quốc, chính quyền tỉnh Quảng Đông thậm chí phải áp dụng mức giá điện tăng 25% vào giờ cao điểm. Giờ cao điểm áp dụng mức giá điện này là từ 11 giờ sáng – trưa và 3 - 5 giờ chiều, tổng cộng 3 tiếng/ngày.

Theo ông Tao Feida, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm dịch vụ khách hàng của Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc (SGCC), việc tăng giá điện chỉ áp dụng cho mục đích sử dụng công nghiệp mà không phải trong diện hộ gia đình.

Ông Cheng Renli- Phó Tổng giám đốc tại Trung tâm kiểm soát của SGCC ở Thâm Quyền gợi ý các doanh nghiệp có thể sử dụng điện ngoài giờ cao điểm để tiết kiệm chi phí.

Việc áp dụng giá điện cao hơn diễn ra trong bối cảnh chi phí nhiệt điện than cao kỷ lục gần đây. Là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế của Trung Quốc, các tỉnh nước này được phép tăng hoặc giảm giá điện tới 10% nhưng một số tỉnh phải áp dụng mức tối đa 10% vào thời điểm này. Việc nâng giá điện vượt quá mức đề xuất sẽ không được phép. Tuy nhiên, vấn đề này đang nóng lên trong tuần qua khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) – Cơ quan hoạch định kinh tế của quốc gia đề xuất sẽ định giá điện dựa theo tỷ lệ cung –cầu. SGCC đã thông báo khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm bởi nguồn cung điện eo hẹp ở khu vực phía nam. Nhu cầu tăng cường sản xuất và nắng nóng diện rộng đã khiến khu vực này rơi vào trạng thái thiếu hụt điện nghiêm trọng. Vì vậy, một phần trong kế hoạch tăng giá điện cũng là để khuyến khích nhà máy và các khu công nghiệp hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm. 

Trong khi đó, thành phố Thượng Hải cũng thực hiện cắt điện luân phiên cho tới hết ngày 3/10. Tình trạng thiếu điện trên cả nước khiến các nhà cung cấp thiết bị cho Apple và Tesla phải dừng hoạt động ở tỉnh Giang Tô, bên cạnh Thượng Hải.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã phải chịu áp lực sau một năm vật lộn với mức giá đắt đỏ của nguyên liệu thô và các hạn chế về Covid-19 thì giờ đây khủng hoảng thiếu điện tiếp tục là rào cản lớn đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.

Mục tiêu kiểm soát năng lượng và khí thải

Theo SCMP, chính quyền Trung Quốc gần đây đặt mục tiêu kiểm soát năng lượng và khí thải nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện. Trọng trách này giao cho các địa phương thực hiện thông qua quá trình điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện.

"Trung Quốc đang tập trung nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu, trong đó yêu cầu hạn chế việc sản xuất than và phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Để làm như vậy, chính quyền địa phương phải chuyển sang cơ cấu sản xuất năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng", Ma Jun – Giám đốc Viện Công cộng và Môi trường Trung Quốc cho biết.

"Tuy nhiên, một số địa phương dường như đang chậm thay đổi. Do đó, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao sẽ khiến cho năng lượng phải sử dụng nhiều hơn", ông Ma Jun nhấn mạnh.

Ở các chương trình nghị sự chính sách thời gian qua, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn đặt ưu tiên khôi phục sức khỏe môi trường của Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các địa phương về việc triển khai. Chủ tịch Tập Cận Bình từng cam kết Trung Quốc sẽ đạt được mức đỉnh trong giảm phát thải carbon dioxide trước năm 2030 và trung lập carbon trước năm 2060.

Trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc đã đưa ra chính sách "kiểm soát kép" yêu cầu các tỉnh đưa ra mức độ giới hạn về sử dụng năng lượng và cắt giảm cường độ sử dụng. Tuy nhiên, nhiều tỉnh đã chật vật để đạt được mục tiêu này vào năm ngoái, thậm chí một số tỉnh phải áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên vào tháng 12 để đạt được mục tiêu đề ra.

Nhiều nhà máy Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện gia tăng. Khảo sát của chính phủ công bố vào ngày 20/9 cho biết, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm từ 50,1% trong tháng Tám xuống còn 49,6% vào tháng Chín. Theo thống kê quốc gia, một số nhà máy tại Trung Quốc đang rơi vào bế tắc bởi chi phí năng lượng tăng cao.

"Ngành công nghiệp đang rơi vào khủng hoảng trước nguy cơ thiếu điện mặc dù trước đó được xem là kỳ vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Trung Quốc ở công ty Capital Economics - Julian Evans-Pritchard nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ