(Tổ Quốc) - Theo SCMP, chính phủ Trung Quốc thúc đẩy chiến dịch bảo vệ di sản đất nước trong bối cảnh các địa phương tăng cường xây dựng du lịch văn hóa.
Kể từ khi lên nắm chính quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng niềm tin vào văn hóa và lịch sử Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ khởi động chiến dịch mới nhằm cải thiện nỗ lực bảo vệ các di tích văn hóa và xem đây là một phần trong nỗ lực xây dựng niềm tin đối với văn hóa đất nước, tăng cường thu hút sự quan tâm của quốc tế.
Trung Quốc vừa ra một thông báo yêu cầu các quan chức và cán bộ tại các cấp "tăng cường toàn diện" bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến vấn đề này trong chuyến thăm Pingyao, một thị trấn lịch sử ở Sơn Tây và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh niềm tin vào văn hóa như một chính sách đặc trưng kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây một thập kỷ. Năm ngoái, Trung Quốc đã công bố bản kế hoạch bảo vệ văn hóa có nội dung: "môi trường quốc tế ngày càng trở nên phức tạp hơn. Sự không chắc chắn đang gia tăng đáng kể. Chúng ta nên sử dụng di tích văn hóa làm biểu tượng của Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc ra quốc tế".
Trong thông báo mới, chính phủ Trung Quốc sẽ đưa hạng mục bảo vệ di tích văn hóa vào danh sách thẩm định.
Tân Hoa Xã ngày 20/2 đưa tin, chính quyền địa phương sẽ phải tham gia vào nỗ lực hồi phục bảo vệ và sử dụng di sản văn hóa, thúc đẩy Du lịch Đỏ và xây dựng các công viên văn hóa quốc gia đặc trung ở từng điểm đến. Được biết, "Du lịch Đỏ" là loại hình du lịch tham quan các "địa chỉ đỏ" như các điểm đến lịch sử và truyền thống cách mạng của Trung Quốc. Hình thức du lịch này của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua.
Đưa văn hóa Trung Quốc mở rộng trên toàn cầu
Trung Quốc cũng sẽ tăng cường chương trình lồng ghép để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, thúc đẩy trao đổi văn hóa để các di tích sẽ là những câu chuyện hay và đáp ứng mong muốn gia tăng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc trên thế giới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào nỗ lực xây dựng sức mạnh mềm. Vào năm 2020, Bắc Kinh đã chi 64 triệu đô la Mỹ cho mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc. Các kênh truyền hình Trung Quốc hiện đã hiện diện ở trên 160 quốc gia. Trung Quốc cũng đã thành lập thêm mạng lưới các Học viện Khổng Tử để dạy ngôn ngữ văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Li Qun, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc nói rằng nước này rất coi trọng quá trình bảo vệ và sử dụng văn hóa. Động thái này sẽ không ngừng thúc đẩy niềm tin văn hóa của người dân vào chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc.
Trong nỗ lực bảo vệ và tôn tạo di sản văn hóa của đất nước, chính phủ Trung Quốc đã đại tu Tử Cấm Thành -"báu vật" văn hóa của Trung Quốc và mở rộng diện tích đón khách từ 20-80% trong thập kỷ qua. Động thái này đã quảng bá di tích lịch sử của Trung Quốc, tăng cường phát triển du lịch và cải thiện cuộc sống người dân ở khu vực này.
Mặc khác, Trung Quốc cũng xây dựng kế hoạch tăng cường bảo vệ văn hóa bao gồm mục tiêu tăng cường nhân lực nghiên cứu lên 25% đến năm 2025.
Trung Quốc hiện sở hữu 56 di sản thế giới do UNESCO công nhận, xếp thứ 2 trên thế giới sau Italy và có 36 công viên khảo cổ quốc gia, trong đó 11 công viên trong danh sách của UNESCO. Quốc gia này cũng thông báo kế hoạch xây dựng 10-15 công viên di sản và tạo thành 15 bảo tàng có cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới.
Vào tháng 10/2021, Liên minh Bảo tồn Di sản văn hóa châu Á đã tổ chức hội nghị đầu tiên tại Bắc Kinh. Đây là động thái đầu tiên để tăng cường hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ di sản ở châu lục này. Hội nghị trực tuyến kéo dài trong hai ngày có sự tham gia của đại diện 35 quốc gia và tổ chức quốc tế như Trung Quốc, Armenia, Campuchia, Triều Tiên, Iran, Kyrgyzstan, Pakistan, Syria, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Yemen.
Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Trung Quốc Hu Heping cũng từng nhấn mạnh trách nhiệm chung của các quốc gia châu Á là bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa bởi các quốc gia châu Á có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Ông Pang Zhongying, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Hải Dương Trung Quốc cho biết, rõ ràng thông qua việc giới thiệu kho tàng văn hóa truyền thống, Trung Quốc có thể tăng sức hấp dẫn văn hóa đất nước đối với khán giả quốc tế./.