• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc tăng cường thực lực quân đội: Tín hiệu gì với toàn cầu?

Thế giới 29/04/2020 14:53

(Tổ Quốc) - Quân đội Trung Quốc PLA đang tăng cường khả năng hoạch định sức mạnh trên toàn cầu.

Chiến lược gia quân sự cổ đại Trung Quốc Tôn Tử từng nói: "Hãy thể hiện yếu đuối khi bạn hùng mạnh, hãy thể hiện hùng mạnh khi bạn yếu đuối".

Nhìn vào quân đội Trung Quốc ngày nay, thật khó để nói rằng chiến thuật nào trong số trên là phù hợp nhất.

Việc tìm ra câu trả lời sẽ có hiểu được những hệ lụy to lớn từ quân đội Trung Quốc đối với Mỹ và tương lai của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc đánh giá thấp PLA sẽ tạo nên sự tự mãn và rủi ro còn đánh giá quá cao họ sẽ tạo cho họ lợi thế không đáng có.

Tương tự, đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, tính toán sai năng lực quân sự của họ có thể dẫn đến thảm họa.

Đây cũng là trọng tâm trong một nghiên cứu gần đây mà nhiều chuyên gia thực hiện cùng trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Dennis Blasko, cho Bộ Quốc phòng Australia.

Một PLA mới

Trong tất cả những lần xuất hiện, PLA đã trở thành một thế lực đáng gờm hơn trong thập kỷ qua. Lễ duyệt binh khổng lồ ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ra mắt hơn 700 thiết bị quân sự hiện đại.

Một trong những vũ khí này, lần đầu tiên được ra mắt công khai, là DF-41, tên lửa đạn đạo vũ trang hạt nhân mạnh nhất của Trung Quốc và có khả năng đánh trúng mục tiêu ở bất cứ đâu tại Mỹ.

Trung Quốc tăng cường thực lực quân đội: Tín hiệu gì với toàn cầu? - Ảnh 1.

Quân đội Trung Quốc đang tiến hành hàng loạt cải tổ sâu rộng. Ảnh: Reuters.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng đã mở rộng dấu chân quân sự ở Biển Đông. Các chuyên gia quân sự nói rằng Trung Quốc đã tận dụng sự phân tâm của toàn cầu vào đại dịch Covid-19 để tăng cường hiện diện tại đây – điều dấy lên chỉ trích từ nhiều bên trong khu vực. Căng thẳng đã gia tăng trong những ngày gần đây khi Mỹ và Australia đưa tàu chiến tới vùng biển này để tập trận.

Trong vài năm qua, Trung Quốc cũng đã tăng cường tập trận quân sự gần đảo Đài Loan và vùng biển tranh chấp lân cận Nhật Bản. Và vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay thứ hai của họ, Shandong, vào phục vụ trong lực lượng Hải quân PLA.

Đánh giá thường niên gần đây nhất về PLA của Lầu Năm Góc thừa nhận các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang phát triển khả năng ngăn chặn, răn đe hoặc, nếu được lệnh, đánh bại các lực lượng vũ trang của bên thứ ba (như Mỹ) khi tìm cách can thiệp vào quy mô lớn vào khu vực trên.

Báo cáo này cũng dự kiến PLA sẽ liên tục cải thiện khả năng triển khai sức mạnh tại Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Một nghiên cứu gần đây do Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ tiến hành còn đưa ra kết luận xa hơn, cho biết chiến lược của Trung Quốc nhằm mục đích phá vỡ, vô hiệu hóa hoặc phá hủy các hệ thống quan trọng tạo ra lợi thế cho quân đội Mỹ.

Tất cả những điều trên cho thấy năng lực gia tăng của PLA và nhấn mạnh những thách thức mà quyền lực cứng của Trung Quốc đặt ra đối với Mỹ và các đồng minh khu vực.

Thách thức nội tại không nhỏ

Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều vấn đề trong số các thách thức này đã được thảo luận công khai trong các ấn phẩm chính thức của Trung Quốc. Trong đó có 2 thiếu sót quan trọng được đề cập là: PLA hiện tại không đủ khả năng chống lại một cuộc chiến hiện đại và các chỉ huy quân sự hiện tại cũng không theo kịp nhiệm vụ như vậy. Một chỉ trích khác cũng thường xuyên được nêu ra là quân đội nước này đã quen hưởng thụ bình yên. Kinh nghiệm chiến đấu cuối cùng của PLA là vào giữa những năm 1980, khoảng 35 năm trước.

Trước những điều này và nhiều thiếu sót được thừa nhận khác, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra những cải cách đầy tham vọng và có thể là sâu rộng nhất trong lịch sử PLA vào cuối năm 2015.

Cuộc đại tu cấu trúc khổng lồ này nhằm biến PLA từ một quân đội cồng kềnh, kém hiệu quả và xuống cấp thành một lực lượng ngày càng có khả năng chiến đấu và chiến thắng các cuộc xung đột tương đối ngắn, nhưng quan trọng, chống lại các đối thủ tinh vi về công nghệ, như Hoa Kỳ. Nhận ra sự chuyển đổi này sẽ khó khăn như thế nào, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc đã đặt ra một mốc thời gian dài hàng thập kỷ để đạt được nó.

Theo ước tính của Chủ tịch Tập Cận Bình, đến năm 2020, cơ giới hóa PLA sẽ cơ bản đạt được thành công và các khả năng chiến lược sẽ có những cải tiến lớn; Đến năm 2035, hiện đại hóa quốc phòng sẽ hoàn thành về cơ bản; và đến giữa thế kỷ này, PLA sẽ là một quân đội tầm cỡ thế giới.

Nói cách khác, sự chuyển đổi này - nếu thành công - sẽ mất nhiều thời gian.

Tại thời điểm tương đối sớm này, các nhà lãnh đạo PLA và các nhà phân tích chiến lược thấy rõ rằng cần phải làm nhiều việc hơn, đặc biệt là đào tạo mang tính thực tế hơn trong các hoạt động chung, cũng như cải thiện khả năng lãnh đạo và tích hợp khả năng liên lạc lớn hơn cho các lực lượng.

Việc hiện đại hóa PLA phụ thuộc nhiều hơn vào thế giới mạng - phát triển tài năng của con người, các khái niệm chiến tranh mới và chuyển đổi có tổ chức –thay vì chủ yếu phát triển phần cứng của các hệ thống vũ khí mới. Điều này càng nhấn mạnh sự lâu dài và khó khăn của quá trình cải tổ.

Theo chiến lược dài hơi trên, tình trạng quân sự của Trung Quốc sẽ còn thay đổi và đòi hỏi phải đánh giá lại liên tục. Vậy việc Trung Quốc yếu hay mạnh sẽ cần có thêm bằng chứng sắp tới để có căn cứ và ra được kết luận – điều rất quan trọng với các nước đang có sự cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ