(Tổ Quốc) - Việc Chủ tịch Tập Cận Bình cầm quyền không giới hạn tạo ra sự ổn định chiến lược, nhưng cũng là con dao hai lưỡi.
- 22.02.2018 Nhân sự Trung Quốc trong cuộc đua cuối cùng
Việc Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp 1982 bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước tạo điều kiện cho ông Tập Cận Bình kéo dài nhiệm kỳ không giới hạn, đang tạo ra một cơn địa chấn mạnh chính trị quốc tế. Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những gì liên quan đến Trung Quốc ở điểm giao thời của nền chính trị toàn cầu hiện nay liên quan lớn đến thế giới.
Điều được thảo luận mang tính thực chất lúc này là việc ông Tập Cận Bình được phép cầm quyền suốt đời sẽ có ý nghĩa gì?
Ổn định chiến lược, nhất quán chính sách
Đã có sự nhất trí cao cho rằng, việc Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cầm quyền 15-20 năm nữa nhiều khả năng tạo ra sự ổn định chiến lược và sự nhất quán chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.
Từ khi lên cầm quyền vào năm 2013, ông Tập Cận Bình đã triển khai dự án “Con đường tơ lụa thế kỷ 21”, huy động 1.000 tỷ USD vốn đầu tư để mở rộng cơ sở hạ tầng ở khoảng 100 quốc gia trên thế giới. Theo Robert Carnell, Trưởng nhóm kinh tế phụ trách khu vực châu Á của Ngân hàng ING có trụ sở tại Paris, “một dự án dài hơi và tốn kém như vậy có nhiều cơ hội để thành công hơn dưới một chế độ ổn định và quyền lực tập trung”.
Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn và Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ là hai trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình. |
James Stavridis, người phụ trách chuyên mục của Bloomberg View, cựu đô đốc 4 sao từng là chỉ huy đồng minh tối cao các lực lượng của NATO, nêu lên những điểm mạnh và điểm yếu của quyết định mới nhất này đối với Trung Quốc và Mỹ. Ông ta dự đoán, nếu chúng ta (Mỹ) có một “Hoàng đế Tập Cận Bình”, thì điều đó sẽ mang lại cho Trung Quốc một số lợi thế ngắn hạn, không cân xứng so với Mỹ. Chẳng hạn, đó là sự đảm bảo tính nhất quán của chính sách, trái với các chế độ dân chủ thường xuyên chuyển đổi qua lại giữa các nhà lãnh đạo.
Phần nào, nó có lợi cho giới kinh doanh. Theo chuyên gia kinh tế người Pháp Jean Boillot, một chế độ tập trung nhiều quyền lực trong tay có thể là dấu hiệu tốt khi mà các doanh nhân biết rằng trong một thời gian nhất định nào đó, họ sẽ phải làm việc với những ai, trong khuôn khổ nhất định nào và từ đó các doanh nhân có thể thích nghi với tình huống.
Jean Boillot nhấn mạnh thêm ở tính ngắn hạn rằng, có thể hiểu chuyện này là dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc muốn đẩy mạnh cải tổ, hòng giải quyết vấn đề nợ nần chồng chất, nợ của các chính quyền địa phương, của các tập đoàn nhà nước, đe dọa tới cả guồng máy kinh tế của cả nước.
Con dao hai lưỡi về kinh tế
Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh, nổi tiếng có đường lối tự do, cũng phải nhìn nhận rằng việc ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực là hậu quả từ hiện tượng “nguy cơ căng thẳng cả về an ninh lẫn kinh tế gia tăng trong những năm tới”; việc thâu tóm quyền lực đó “báo trước rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không đi theo con đường tự do”.
Theo Boillot, việc ông Tập Cận Bình cầm quyền dài hạn có thể là một dấu hiệu cho thấy hệ thống chính trị của Trung Quốc đang bị suy yếu. Trong trường hợp đó, “đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc sẽ sụt giảm”.
Thị trường không hẳn thiên về các chế độ độc tài với quyền lực tuyệt đối. Ngược lại, khi quyền lực được tập trung vào tay của một người hay một nhóm người, các đối tác kinh tế và thương mại sẽ khó mặc cả và sẽ ở trong thế yếu khi đến Trung Quốc hoạt động. Có lẽ đây là tâm trạng chung hiện nay của nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc.
Theo cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd – một nhân vật thânTrung, càng tập trung quyền lực, càng dễ bị tổn thương.
Phân cực trong quan hệ quốc tế
Vào lúc nước Mỹ Donald Trump đang giao động chiến lược, theo Kevin Rudd, đối với đồng minh và đối tác của Mỹ, nó tạo ra “cảm giác không chắc chắn về mặt chiến lược. Và vấn đề với nó là nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về việc liệu nước Mỹ có còn hiện diện ở đó nữa hay không trong tương lai, thì người ta có khuynh hướng thực hiện những điều chỉnh khác hướng tới vai trò các cường quốc mới nổi khác trong khu vực… Và chúng ta đã chứng kiến khắp Đông Nam Á, một loạt quốc gia đã bắt đầu thực hiện một số điều chỉnh hướng tới lãnh đạo của Trung Quốc”.
Có lẽ còn quá sớm để khẳng định việc ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch không hạn định sẽ tạo ra hệ lụy như thế nào đối với một thế giới đa cực và đa dạng hóa quan hệ chính trị/kinh tế quốc tế như ngày nay. Đây là câu hỏi để ngỏ. Dù gì thì gì, nó tạo ra một bước ngoặt trong tiến trình phát triển hiện đại của Trung Quốc, sau 40 năm cải cách và mở cửa./.