• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc tung 'cành ô liu': 'Đảo chiều' cam kết tranh cử của tổng thống Hàn Quốc?

Thế giới 11/05/2022 10:18

(Tổ Quốc) - Bắc Kinh đang thể hiện lập trường tích cực với hi vọng thuyết phục tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol rằng hợp tác là lựa chọn tốt hơn so với con đường khó khăn mà ông Yoon đã đưa ra trong quá trình tranh cử.

Trong lễ nhậm chức tổng thống Hàn Quốc (ROK) của ông Yoon Suk-yeol ngày 10/5, có một số khách nước ngoài tham dự. Một trong những vị khách cấp cao nhất là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Ông Vương Kỳ Sơn cũng là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tham dự một lễ nhậm chức tổng thống của Hàn Quốc. Theo tờ The Diplomat, đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn thuyết phục ông Yoon không tiếp tục thực hiện cam kết tranh cử là có quan điểm cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

Mang theo loạt thông điệp từ Bắc Kinh

Cũng theo tờ The Diplomat, sự hiện diện của ông Vương Kỳ Sơn là một tín hiệu mạnh mẽ hơn nữa khi đặt trong bối cảnh: Ngoài Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, rất ít quan chức Trung Quốc đã ra nước ngoài kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra vào đầu năm 2020. Điều này đưa ông Vương Kỳ Sơn trở thành nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc có chuyến thăm nước ngoài trong hơn hai năm qua.

Trung Quốc tung 'cành ô liu': 'Đảo chiều' cam kết tranh cử của tổng thống Hàn Quốc? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn và tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc gặp ngày 10/5. Ảnh: Yonhap.

Khi được hỏi về chuyến đi của ông Vương Kỳ Sơn đến Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thông tin rằng: "Trung Quốc và Hàn Quốc đang và sẽ vẫn là những nước láng giềng thân thiết. Chúng tôi cũng là những đối tác hợp tác quan trọng. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực phối hợp của hai bên, quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc sẽ tiếp tục đạt được những tiến bộ theo kịp thời đại".

Đây là một thông điệp đáng chú ý về mối quan hệ song phương khi ông Yoon từng tuyên bố khi tranh cử là sẽ có lập trường cứng rắn về các vấn đề Trung Quốc. Đặc biệt, ông Yoon đã nhiều lần bày tỏ quan tâm đến việc Hàn Quốc tăng cường triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ - một quan ngại an ninh nghiêm trọng đối với Bắc Kinh.

Khi Hàn Quốc lần đầu đồng ý triển khai khẩu đội THAAD vào năm 2016, Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp hạn chế kinh tế sâu rộng khiến Hàn Quốc thiệt hại hàng tỷ đô la. Theo một cuộc khảo sát, việc Trung Quốc nhắm vào kinh tế song phương cũng đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của họ trong dư luận Hàn Quốc. Vào tháng 5 năm 2021, hình ảnh về Trung Quốc thậm chí còn bị coi là kém tích cực hơn so với Nhật Bản và Triều Tiên, theo một cuộc khảo sát.

Giờ đây, Trung Quốc đang hy vọng sẽ hạn chế thêm những thiệt hại cho mối quan hệ hai bên. Trong cuộc gặp với tân tổng thống Hàn Quốc, ông Vương đã chuyển lời của Chủ tịch Tập Cận Bình mời ông Yoon đến thăm Trung Quốc "vào thời điểm thuận tiện đôi bên". Trên thực tế, Trung Quốc mới chỉ đón một số ít các nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan vào đầu năm 2020, ngoại trừ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Với việc Trung Quốc đang ở giữa đợt bùng phát làn sóng Covid-19 mới, Bắc Kinh khó có thể sớm chào đón ông Yoon.

Người tiền nhiệm của ông Yoon, ông Moon Jae-in, đã đến thăm Trung Quốc hai lần trong nhiệm kỳ của mình: vào năm 2017 trong một chuyến thăm cấp nhà nước và vào năm 2019 để tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình chưa có chuyến công du nào đến Hàn Quốc kể từ năm 2014 và chuyến thăm lần cuối là dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Bên cạnh đó, ông Vương Kỳ Sơn cũng đưa ra các đề xuất để cải thiện mối quan hệ, bao gồm phối hợp hơn nữa "để tăng cường hợp tác về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên".

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Vương Kỳ Sơn nói rằng: "Trung Quốc chân thành ủng hộ các nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ cũng như tìm kiếm hòa giải và hợp tác, đồng thời hướng đến tăng cường thông tin liên lạc để theo đuổi phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên".

Đáng chú ý, lời đề nghị làm việc với Hàn Quốc về "các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên" không được đưa ra trong cuộc điện đàm đầu tiên của ông Tập Cận Bình với ông Yoon ngay sau cuộc bầu cử Hàn Quốc hồi tháng 3.

Tín hiệu hợp tác về chuỗi cung ứng và vấn đề Nhật Bản

Ông Vương Kỳ Sơn cũng đưa ra vấn đề "tăng cường hợp tác thực tế trong chuỗi cung ứng công nghiệp". Chủ đề tương tự cũng là một trọng tâm trong chiến lược phát triển quan hệ Hàn Quốc-Mỹ dưới thời ông Moon – định hướng có thể sẽ được tiếp tục trong nhiệm kỳ của ông Yoon. Bắc Kinh lo ngại về khả năng Seoul chuyển hướng, tách chuỗi cung ứng của nước này khỏi Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đang tìm cách loại bỏ nguy cơ này và đưa ra chiến lược của riêng mình nhằm cải thiện những yếu điểm còn tồn tại trong chuỗi cung ứng của họ.

Một mối quan tâm lớn khác đối với Bắc Kinh là sự sẵn sàng của ông Yoon trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cũng tham dự lễ nhậm chức của ông Yoon. Sau cuộc gặp của ông Hayashi với Bộ trưởng Ngoại giao sắp nhậm chức của Hàn Quốc Park Jin, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết cả hai bên đã đồng ý rằng "họ cần nhanh chóng để cải thiện quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc". Ông Hayashi cũng đã gửi một bức thư cá nhân từ Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho ông Yoon.

Tuy nhiên, dù ông Yoon đã đưa ra một số lập trường cứng rắn về đối ngoại, nhiều ràng buộc về cơ chế sẽ hạn chế khả năng ông thay đổi chính sách đối ngoại mạnh mẽ. Việc thân cận với Nhật Bản tương đối là khó khăn khi ông Yoon là đại diện cho đảng bảo thủ nước này và chiến thắng với một tỉ lệ rất sít sao. Tương tự, nói về việc "cứng rắn với Trung Quốc" thì dễ nhưng thực hiện các chính sách như vậy cũng sẽ khó khi nền kinh tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ không phải đợi lâu để đánh giá nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ đi bao xa để thực hiện những cam kết tranh cử của mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Seoul để dự hội nghị thượng đỉnh với ông Yoon vào ngày 20 và 21 tháng 5. Cuộc gặp của họ sẽ ra tín hiệu về quan hệ Mỹ - Hàn cũng như về khả năng hợp tác ba bên với với Nhật Bản dưới chính quyền mới của ông Yoon.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ