• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc vẫn giữ vị trí "nóng" trong chuỗi cung ứng

Thế giới 17/05/2022 16:18

(Tổ Quốc) - Trang CNBC dẫn tin, Trung Quốc hiện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu bất chấp dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vào thời gian qua.

Nhiều công ty và một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại trước tình trạng chi phí lao động tăng cao cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang gần đây.

Trung Quốc vẫn giữ vị trí "nóng" trong chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

Chiến lược 0-Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài giảm đầu tư ở Bắc Kinh và tìm đến các nhà máy Đông Nam Á khác.

Chuyên gia Nick Marro của cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence cho rằng việc đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu khá phức tạp cho dù mọi người vẫn thường thảo luận về nó.

"Khi các doanh nghiệp đưa ra thảo luận về vấn đề này trong năm 2020 thì Trung Quốc vẫn rất thoải mái khi họ đang hoạt động bình thường còn nhiều nước Đông Nam Á vẫn đang trong tình trạng phong tỏa vì dịch bệnh. Nhưng đến hiện tại, khi Trung Quốc vẫn đang duy trì kiểm soát Covid-19, thì thế giới đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, sẵn sàng mở cửa", ông Marro chia sẻ.

"Chiến lược 0-Covid đã nhanh chóng giúp Trung Quốc đưa tăng trưởng kinh tế trở lại trong năm 2020. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hiện tại đang tác động tới kinh tế ở Thượng Hải và nhiều khu vực khác của đất nước", ông Marro nhấn mạnh.

Theo đánh giá từ dữ liệu chính thức của Wind Information, trong tháng 4, tăng trưởng xuất khẩu của nước này chỉ ở mức 3,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

"Bởi quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc không thể đáp ứng đủ nhu cầu của thế giới nên nước này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc vẫn là trung tâm mạng lưới điện tử ở châu Á Thái Bình Dương", ông Rana nói.

Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư ở Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 74,47 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong thời gian này, nguồn đầu tư từ Đức vào Trung Quốc đã tăng 80,4% trong khi đầu tư từ Mỹ tăng 53,2%.

"Rất khó lựa chọn thị trường để thay thế quy mô và chuỗi cung ứng của Trung Quốc vào lúc này. Chỉ những chuỗi cung ứng cho các sản phẩm cụ thể, giống như chất bán dẫn hay phụ tùng xe điện mới có thể chuyển sang Việt Nam, Malaysia hoặc các quốc gia khác. Sự thống trị chuỗi cung ứng của Trung Quốc duy trì trong nhiều năm có thể sẽ dẫn đến các mô hình kinh doanh mới.

Một trong những ví dụ điển hình là hãng quần áo Shein. Được hỗ trợ bởi các quỹ như Sequoia Capital China, công ty đã tận dụng mạng lưới chuỗi cung ứng ở Trung Quốc để trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử quốc tế trong lĩnh vực thời trang.

"Lợi thế từ chuỗi cung ứng của Trung Quốc là không chỉ tập trung vào chi phí lao động", ông James Liang, đối tác quản lý tại Quỹ đầu tư mạo hiểm Skyline Ventures nhận định.

Theo phân tích, khoảng 20% giá bán của hãng sản xuất quần áo và nội thất tính vào chi phi lao động trong khi chỉ 5% giá bán trong lĩnh vực sản xuất điện tử tính vào chi phí này.

Lợi thế của Trung Quốc là chuỗi cung ứng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả bằng cách tích hợp tất cả các nhà cung cấp vào hệ thống kỹ thuật số. Công ty của James Liang đã đầu tư 5 triệu USD vào công ty nội thất Povison trong tháng 10 năm ngoái nhằm mục đích tái tạo mô hình kinh doanh giống như Shein. James Liang cho biết, kế hoạch đầu tư ban đầu đã bị trì hoãn bởi các hạn chế của Covid-19.

Chịu nhiều hạn chế

Các đợt đóng cửa do phong tỏa đã làm chậm khả năng vận chuyển hàng hóa ở khắp Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy ở khu vực Thượng Hải cũng đã giảm hoặc dừng sản xuất trong nhiều tuần. Các tác động của hoạt động sản xuất đều ảnh hưởng từ chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt ở nước này.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng thương mại EU tại Trung Quốc cho rằng kế hoạch đưa hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc là rất khó nhưng vào thời điểm hiện tại, các công ty ít có xu hướng đầu tư vào Trung Quốc hơn. Thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm các thị trường khác ở khu vực Đông Nam Á.

Theo kết quả khảo sát về tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid gần đây, khoảng 1/4 trong số 372 người tham gia khảo sát của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc trong cuối tháng 4 cho biết đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại sang thị trường khác, thay vì Trung Quốc. Tuy nhiên, 77% ý kiến lại nói rằng họ chưa có kế hoạch nào. Hầu hết các khảo sát đều phát hiện tình trạng "do dự" đối với các nhà đầu tư vào thời điểm này.

"Các công ty nước ngoài thực sự lo lắng trước chính sách 0-Covid của Trung Quốc. Nhiều công ty hoang mang với tình thế hiện tại khi thị trường đầu tư trong hàng thập kỷ lại đối mặt với khó khăn chỉ vì cú sốc tạm thời", ông nói.

Ngay cả những côn ty như Starbucks cung đã có hướng dẫn tạm dừng mở cửa vì Covid. Đại diện phía Starbucks cho biết họ vẫn mong muốn sẽ mở rộng dịch vụ ở Trung Quốc trong dài hạn.

Nhiều nhà phân tích bày tỏ hy vọng Chính phủ Trung Quốc có thể nhanh chóng nới lỏng các hạn chế Covid-19 trong mùa thu tới.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng lưu ý tác động toàn cầu của đại dịch tới chuỗi cung ứng, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ nhanh chóng cải thiện dịch vụ đầu tư nước ngoài và tăng cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài.

"Việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng không hề dễ dàng như bật hay tắt một công tác đèn.Tất nhiên, bàn cờ sẽ phải sắp xếp lại nếu muốn duy trì lâu dài. Trong trường hợp đó, các công ty sẽ phải cân nhắc lại quá trình chuyển đổi mô hình cung ứng, xem xét các tác động kinh tế và thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình hoạt động", ông Stephen Olson – chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich Foundation nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ