• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung, Triều là tâm điểm "canh cánh" của quân sự Nhật Bản

Thế giới 14/07/2020 16:25

(Tổ Quốc) - Việc Trung Quốc đang hoạch định sức mạnh quân sự của họ tại các vùng biển châu Á và việc Triều Tiên hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa đạn đạo đang đặt ra nhiều nguy cơ đối với an ninh củakhu vực và Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.

Trong Sách Trắng thường niên được công bố hôm thứ ba, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh lực lượng về phía các đảo không người tại Biển Hoa Đông – khu vực 2 bên đều tuyên bố chủ quyền và cho rằng những động thái như vậy đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. Cơ quan này cũng cáo buộc Trung Quốc truyền bá thông tin sai lệch về Covid-19.

Chung lập trường với đồng minh

Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm nay được đưa ra trong bối cảnh có những gợn sóng mới giữa Nhật Bản và đồng minh quân sự duy nhất của họ là Hoa Kỳ. Tokyo vào tháng trước đã quyết định từ bỏ kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Lockheed Martin, trị giá 5 tỷ USD. Còn chính quyền Trump thì lâu nay luôn muốn nhận được thêm tiền từ Nhật Bản và các quốc gia khác – những nơi lực lượng Mỹ trú đóng.

Trung, Triều là tâm điểm "canh cánh" của quân sự Nhật Bản - Ảnh 1.

Những tâm điểm lo ngại mới nhất của Nhật Bản về quốc phòng đã được công bố. Ảnh: Bloomberg.

Bất chấp những trục trặc đó, Hoa Kỳ vẫn thấy rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một trong những người ủng hộ thân cận nhất các chính sách an ninh của Tổng thống Donald Trump, kể cả đối với Trung Quốc và Triều Tiên. Ông Abe đã dành phần lớn nhiệm kỳ gần tám năm của mình để cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong khi duy trì liên minh Nhật – Mỹ.

"Trung Quốc đang tăng cường dần khả năng của mình trong việc tiến hành các hoạt động ở vùng biển xa hơn", báo cáo thường niên này cho biết. "Văn bản này được tổng hợp trong nhiều tháng cũng đã khẳng định lập trường của Nhật Bản trên Biển Đông, nói rằng Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc quân sự hóa và tiếp tục nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng bằng cách gây sức ép để tạo nên tình thế sự đã rồi".

Báo cáo của Nhật Bản cũng theo sau một đánh giá của Lầu Năm Góc gần đây xác định rằng Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự và quyền kiểm soát các khu vực ở Biển Đông. Hôm thứ Hai, chính quyền Trump đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở khu vực này, đảo ngược chính sách trước đây là không đứng về phía nào trong các tranh chấp như vậy.

Nhật Bản cũng nhắc lại việc Trung Quốc có thể sử dụng sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường toàn cầu của mình để đưa quân đội vào khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ hồi đầu tháng này đã đưa các tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đến Biển Đông để tập trận quân sự trong khi Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc tập trận của riêng họ trong khu vực này. Các động thái của Bắc Kinh đã dấy lên sự phản đối từ Washington trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhật Bản và Australia cũng đã cùng nhau chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các vùng biển tranh chấp khi họ đều phải đối mặt với mối quan hệ chua chát cùng đối tác thương mại lớn nhất của họ. Còn Bắc Kinh cũng phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nền dân chủ hàng đầu vì luật an ninh mới đối với Hồng Kông.

E ngại các nước láng giềng

Nhà lập pháp đến từ đảng cầm quyền Nhật Bản Akira Amari nói rằng ông lo ngại Trung Quốc đang trở nên quá hùng mạnh trong một thế giới hậu đại dịch nếu họ đặt ra được các tiêu chuẩn toàn cầu về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Ví dụ, nhìn vào trường hợp của Hồng Kông hoặc cách Trung Quốc kiểm soát toàn bộ xã hội, đó có thể là một dạng mới của hệ thống xã hội: chủ nghĩa tư bản giám sát, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từng rơi xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ sau khi Nhật Bản mua một phần trong chuỗi đảo tranh chấp với Trung Quốc từ một chủ sở hữu tư nhân vào năm 2012. Quan hệ dần đi lên nhưng tàu bảo vệ bờ biển và tàu quân sự của cả hai nước vẫn tiếp tục quan sát chặt chẽ nhau xung quanh chuỗi đảo tranh chấp được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc.

Nhật Bản cũng đang lo lắng về một loạt tên lửa đạn đạo mới, nhiên liệu rắn mà Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm vào năm ngoái. Nhật Bản tin rằng chính quyền của ông Kim Jong Un có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa vào tên lửa và loạt tên lửa mới cũng được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ.

Ông Kim đã tung ra các tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn mới dễ di chuyển, ẩn nấp và dễ khai hỏa hơn nhiều phiên bản nhiên liệu lỏng. Chúng bao gồm các tên lửa siêu thanh KN-23 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân có thể tấn công toàn bộ Hàn Quốc - và thậm chí có thể là một phần của Nhật Bản.

Những cải tiến về năng lực của họ làm cho việc phát hiện sớm các dấu hiệu của một vụ phóng và việc đánh chặn tên lửa trở nên khó khăn hơn, báo cáo của Nhật Bản cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ