(Tổ Quốc) - Theo AP, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ cảnh báo về các trừng phạt kinh tế nặng nề với Nga nếu Moscow có động thái tấn công Ukraine khi hai bên tham gia hội đàm vào chiều tối ngày 7/12.
Lập trường cứng rắn của Mỹ và Nga
Cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 7/12 trong bối cảnh Mỹ tìm kiếm giải pháp ngoại giao trước động thái hàng chục nghìn quân đội Nga tập trung gần biên giới Ukraine.
Theo một số quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Biden muốn nhấn mạnh, chính quyền ông sẵn sàng thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn với Điện Kremlin, mà cụ thể là áp đặt trừng phạt với nền kinh tế Nga. Về phần mình, Tổng thống Putin được cho là sẽ yêu cầu Tổng thống Biden đảm bảo liên minh quân sự NATO sẽ không bao giờ mở rộng, đặc biệt với Ukraine – quốc gia từ lâu đã tìm kiếm tư cách thành viên khối này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vào ngày 6/12: "Chúng tôi đã tham khảo ý kiến với các đồng minh và tin tưởng sẽ có một lộ trình áp đặt các trừng phạt mạnh vào kinh tế Nga nếu Moscow có hành động quân sự. Bạn có thể cho đó là lời đe dọa. Bạn có thể gọi đó là thực tế và cũng có thể là sự chuẩn bị".
Theo giới quan sát, cuộc trò chuyện lần này giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ được xem là khó khăn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Các quan chức tình báo Mỹ luôn cho rằng Nga đã điều khoảng 70.000 quân đến gần biên giới Ukriane và đã chuẩn bị cho cuộc tiến quân có thể xảy ra vào đầu năm tới.
"Mỹ hiện vẫn chưa xác định liệu Tổng thống Putin có đưa ra quyết định cuối cùng cho việc tấn công hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Biden dường như muốn nói rõ với Nga "cái giá thực tế" nếu Moscow tiến hành các hành động quân sự", một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên nói.
Khi ông Biden là phó Tổng thống Mỹ vào năm 2014 – thời điểm quân đội Nga tiến vào bán đảo Crimea ở Biển Đen, các nhà quan sát đã cho rằng khoảnh khắc Crimea là một trong những thời khắc đen tối nhất đối với cựu Tổng thống Barack Obama trên trường quốc tế và hiện vẫn "âm ỉ" đến nhiệm kỳ Tổng thống Biden hiện nay.
Việc mở rộng về phía đông của NATO ngay từ đầu đã là tín hiệu gây tranh cãi không chỉ với Moscow mà còn ở Washington.
Một nguyên tắc quan trọng của liên minh NATO là luôn tạo cơ hội cho bất kỳ nước nào muốn gia nhập nếu có đủ điều kiện và không ai có quyền phủ quyết thành viên. Mặc dù có rất ít triển vọng rằng Ukraine sẽ sớm được mời tham gia liên minh nhưng Mỹ và các đồng minh sẽ không loại trừ điều đó. Tại Washington, phe Cộng hòa đang xem thời điểm này là phép thử quan trọng với vai trò lãnh đạo của Tổng thống Biden trên toàn cầu.
Tổng thống Biden hiện đang đối mặt với các chỉ trích từ Đảng Cộng hòa – những người nói rằng ông không đạt được hiệu quả trong việc làm chậm bước tiến của Iran trong vấn đề hạt nhân và rằng chính quyền Tổng thống Biden đang làm quá ít để hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga và Iran.
Mặt khác, Tổng thống Biden đã nói chuyện với lãnh đạo các nước như Anh, Pháp, Đức và Italy để điều phối thông điệp và xây dựng phương án trừng phạt tiềm năng.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo đã kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng và thiết lập ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết xung đột.
Vấn đề Ukraine
Trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có cuộc nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Ông Volodymyr Zelenskyy đã viết trên Twitter, khẳng định ông và ông Blinken đã nhất trí tiếp tục "hành động chung & phối hợp" đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Mỹ và các đồng minh đã "tiếp tục hỗ trợ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi". Tổng thống Biden dự kiến sẽ hội đàm với ông Volodymyr Zelenskyy vào cuối tuần này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết ông Blinken đã nhắc lại sự ủng hộ kiên định của Mỹ đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước sự xâm lược của Nga.
Điện Kremlin đã nói rõ ràng rằng Tổng thống Putin đã lên kế hoạch tìm kiếm sự đảm bảo từ Tổng thống Biden để ngăn chặn việc NATO mở rộng sang Ukraine. Tổng thống Biden và các quan chức đã chỉ ra rằng không có khả năng đạt được sự đảm bảo như vậy và bản thân tổng thống Mỹ "không chấp nhận ranh giới đỏ của bất kỳ ai".
Bà Psaki nhấn mạnh, các quốc gia thành viên sẽ quyết định ai là thành viên của NATO chứ không phải là Nga. Và đó là quy định từ trước đến nay cũng như trong tương lai.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin có thể xem đây là thời điểm để điều chỉnh lại động lực quan hệ giữa Mỹ và Nga.
"Đây là nguyên tắc cơ bản đã thiết lập cách đây 30 năm cho mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Nga yêu cầu sửa đổi những nguyên tắc này và phương Tây khẳng định chưa có căn cứ để nói điều đó. Vì vậy, chưa thể đi đến một thỏa thuận như vậy", ông Fyodor Lukyanov, chuyên gia chính sách ngoại giao của Nga cho biết.
Ngoài Ukraine, còn rất nhiều các vấn đề hóc búa khác cần phải thảo luận, bao gồm cả vấn đề tấn công mạng và nhân quyền. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quan hệ giữa Mỹ và Nga nhìn chung đang rơi vào "trạng thái khá tồi tệ".
Theo AP, cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều không thể hiện kỳ vọng lớn trong hội đàm thượng đỉnh vào ngày 7/12. Cả hai cho biết không mong đợi bất kỳ đột phá nào về Ukraine hoặc các vấn đề khác nhưng hy vọng đây sẽ là động lực cho các triển vọng vào thời gian tới./.