• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu gì từ thượng đỉnh Mỹ - Nga giữa leo thang về vấn đề Ukraine?

Thế giới 06/12/2021 14:08

(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm trực tuyến vào ngày 7/12 gữa nhiều căng thẳng về vấn đề Ukraine.

Hội đàm trực tuyến Mỹ - Nga

Nhà Trắng và Điện Kremlin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hội đàm trực tuyến vào ngày mai (7/12) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước xung quanh việc Nga xây dựng căn cứ quân đội gần biên giới Ukraine.

Tín hiệu hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Nga giữa căng thẳng leo thang về vấn đề Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Trong tuyên bố vào ngày 4/12, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin sẽ hội đàm trực tuyến xung quanh các chủ đề về quan hệ giữa Mỹ và Nga, "bao gồm ổn định chiến lược, không gian mạng và vấn đề khu vực".

Bà Psaki khẳng định chính quyền Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh châu Âu về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Bà Psaki cũng ám chỉ đến việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 hay vấn đề khu vực Biển Đen do Ukraine kiểm soát từ năm 1954.

"Chúng tôi biết những gì Moscow đã triển khai và hành động của Nga gần đây", bà Psaki nhấn mạnh.

Quan hệ giữa Mỹ và Nga đang trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm chính quyền. Chính quyền Mỹ đã áp đặt các trừng phạt với Nga xoay quanh sự liên quan của Moscow trong bầu cử Mỹ hay các hoạt động mạng chống lại công ty Mỹ.

Khi ông Putin và ông Biden gặp gỡ tại Geneva vào tháng Sáu, Tổng thống Biden đã cảnh báo, nếu Nga vượt qua lằn ranh đỏ nhất định thì chính quyền Wahsington chắc chắn sẽ đáp trả và hậu quả "chắc chắn sẽ rất tàn khốc".

"Tổng thống Biden đã bày tỏ lo lắng về hoạt động quân sự của Nga ở gần biên giới Ukraine và tái khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết khi nhắc đến kế hoạch của Moscow gần đây.

Theo hãng AP, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia cuộc điện đàm và phản ứng của Moscow sẽ là phản đối ý định kết nạp Ukraine vào liên minh quân sự NATO.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO tạo điều kiện để Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này sau khi Nga tăng cường lực lượng gần biên giới 2 nước.

"Gia nhập NATO là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh ở Donbass", ông Zelensky nói với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc điện đàm, đồng thời kêu gọi các thành viên NATO nên tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đen.

"Căng thẳng lằn ranh đỏ"

Cuộc hội đàm cuối cùng giữa hai tổng thống Nga - Mỹ diễn ra từ tháng 7/2021 khi Tổng thống Biden lên tiếng yêu cầu Tổng thống Putin kiềm chế các cuộc tấn công mạng vào Mỹ. Ông Biden cũng nhấn mạnh Washington sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ các hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công như vậy.

Các cuộc tấn công mã độc đã diễn biến rất phức tạp kể từ thời điểm đó mặc dù cuộc tấn công "gây tiếng vang nhất" có lẽ là từ tháng 5, dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt nhiều ngày ở các vùng của Mỹ.

Tổng thống Nga Putin đã nói rất rõ lằn ranh đỏ với Mỹ và NATO là không mở rộng về phía Đông và không đưa vũ khí tấn công đến Ukraine. Gần đây, việc NATO tiến sát biên giới Nga hay Moscow đưa quân đến sát biên giới Ukraine đang gây ra nhiều căng thẳng.

Theo hãng AP, Nga liên tục tỏ ra cứng rắn, nhấn mạnh Ukraine sẽ không thể gia nhập liên minh quân sự NATO. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhận định, Ukraine có thể sẽ bị chia rẽ nếu gia nhập NATO bởi người dân ở miền đông Ukraine không chấp nhận trở thành một phần trong liên minh quân sự phương Tây này.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong tuần trước rằng Nga không có tiếng nói trong các kế hoạch mở rộng của liên minh này hay các nước khác. Đa số các quan chức ngoại giao của Mỹ và NATO cũng khẳng định bất kỳ yêu cầu nào về vấn đề này của Nga với Mỹ đều được cho là "không liên quan".

Các quan chức tình báo Mỹ khẳng định Nga đã điều khoảng 70.000 quân tới gần biên giới Ukraine và sẽ có kế hoạch mới vào đầu năm tới.

Theo các quan chức và cựu ngoại giao Mỹ, hiện tại quân đội Ukraine đang được trang bị và chuẩn bị tốt hơn so với trước đây. Mặt khác, các trừng phạt của phương Tây cũng đã có hiệu quả làm suy giảm kinh tế Nga.

"Những gì tôi đang làm là tập hợp những gì tôi tin tưởng, bao gồm các sáng kiến ý nghĩa và toàn diện nhất", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Các quan chức Ukraine cũng khẳng định Nga có thể có động thái mới. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov lên tiếng việc quân đội Nga hiện diện gần Ukraine được xem như một cảnh báo leo thang quy mô lớn trong thời gian tới. Trước vấn đề này, một nguồn tin thân cận giấu tên cho biết, Tổng thống Biden có kế hoạch gặp gỡ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần tới.

"Tôi không chấp nhận bất kỳ lằn ranh đỏ nào", hãng AP đã dẫn lời Tổng thống Biden về câu trả lời câu hỏi với phóng viên trước khi rời đi./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ