• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trước hạn cuối vỡ nợ, chính trường Mỹ chưa có giải pháp chốt

Thế giới 23/05/2023 15:06

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy chưa thể đạt được thỏa thuận vào thứ Hai (22/5) về việc tăng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD trong bối cảnh chỉ còn 10 ngày để tìm ra giải pháp tránh vỡ nợ, theo Reuters.

Tổng thống của đảng Dân chủ và một thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ chưa thể giải quyết được những bất đồng để đi đến nhất trí về trần nợ mới. Trong khi ông McCarthy gây áp lực buộc Nhà Trắng phải đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang – điều ông Biden coi là một biện pháp "cực đoan", thì Tổng thống cũng đề nghị áp đặt thuế mới đối với những người giàu có – điều đảng Cộng hòa hoàn toàn phản đối.

Sức ép đàm phán gấp trước hạn cuối vỡ nợ

Dù cuộc gặp tối thứ Hai kết thúc và chưa đạt được thỏa thuận nhưng hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh vỡ nợ và lưỡng đảng cần phải nhất trí được với nhau. Do đó, hai nhà lãnh đạo ra tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục đối thoại trong những ngày tới.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết các nhà đàm phán của Nhà Trắng đã trở lại ngay Quốc hội vào tối thứ Hai để tiếp tục đàm phán.

"Chúng tôi nhắc lại một lần nữa rằng vỡ nợ là điều không thể để xảy ra và cách duy nhất để tiến lên phía trước là thiện chí hướng tới một thỏa thuận lưỡng đảng," ông Biden nói trong một tuyên bố sau cuộc họp và cũng cho rằng cuộc đối thoại đã diễn ra "hiệu quả".

Trước hạn cuối vỡ nợ, chính trường Mỹ chưa có giải pháp chốt - Ảnh 1.

Ông McCarthy và ông Biden đều nhất trí phải đi đến thỏa thuận gấp rút. Ảnh: AP.

Ông McCarthy cũng thông tin với các phóng viên sau hơn một giờ đối thoại với ông Biden rằng các nhà đàm phán "sẽ gặp nhau, làm việc xuyên đêm" để cố gắng tìm ra tiếng nói chung.

"Tôi tin rằng chúng tôi vẫn có thể đạt được sự nhất trí," ông McCarthy nói. Dù vậy, ông cho biết không sẵn sàng xem xét kế hoạch cắt giảm thâm hụt của ông Biden bằng cách tăng thuế đối với những người giàu có và đóng các lỗ hổng thuế đối với ngành dầu mỏ và dược phẩm. Thay vào đó, ông vẫn tập trung vào việc giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang năm 2024.

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thời gian đến ngày 1/6 để tăng trần nợ của chính phủ hoặc gây ra tình trạng vỡ nợ chưa từng có - điều được các nhà kinh tế cảnh báo có thể dẫn đến suy thoái.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm thứ Hai đã đưa ra một lời nhắc nhở nghiêm túc về thời gian còn lại rất ít, nói rằng ngày vỡ nợ ước tính sớm nhất là ngày 1/6 và "rất có khả năng" là Bộ Tài chính sẽ không thể thanh toán tất cả các khoản của chính phủ vào đầu tháng 6 nếu trần nợ không được nâng lên.

Đại diện Đảng Cộng hòa Patrick McHenry, người đang tham gia cuộc họp tại Nhà Trắng, đã bác bỏ mọi thỏa thuận ngân sách từng phần để nâng trần nợ. "Sẽ không ai đồng ý với bất cứ điều gì cho đến khi chúng tôi có một thỏa thuận cuối cùng," ông nói.

Bất kỳ thỏa thuận nào để tăng trần nợ đều phải thông qua cả hai viện của Quốc hội, và do đó phụ thuộc vào sự hỗ trợ của lưỡng đảng. Đảng Cộng hòa của ông McCarthy đang kiểm soát Hạ viện với đa số ghế 222-213, trong khi Đảng Dân chủ của ông Biden nắm giữ Thượng viện với đa số ghế 51-49.

Thất bại trong việc nâng trần nợ sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển thị trường tài chính và đẩy lãi suất lên cao hơn đối với mọi thứ, từ thanh toán xe hơi đến thẻ tín dụng.

Thị trường Mỹ vào thứ Hai đã trở nên căng thẳng khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin cập nhật về các cuộc đàm phán.

Sau khi ông Biden và ông McCarthy đạt được thỏa thuận, sẽ mất vài ngày để đưa luật mới thông qua Quốc hội. Nhà lãnh đạo Cộng hòa cũng nói rằng cần phải đạt được thỏa thuận trong tuần này để Quốc hội thông qua và để ông Biden ký thành luật kịp thời tránh vỡ nợ.

Bất đồng về mục tiêu cắt giảm chi tiêu

Theo Reuters, mục tiêu của Đảng Cộng hòa là cắt giảm chi tiêu về một số nội dung, gia tăng thêm yêu cầu về công việc mới đối với một số chương trình dành cho người Mỹ có thu nhập thấp và thu hồi khoản viện trợ COVID-19 đã được Quốc hội phê duyệt nhưng chưa được chi để đổi lấy việc tăng trần nợ.

Còn Đảng Dân chủ muốn giữ mức chi tiêu ổn định trong năm nay, trong khi đảng Cộng hòa muốn quay lại mức năm 2022. Một kế hoạch được Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm giữ thông qua vào tháng trước sẽ cắt giảm 8% chi tiêu của chính phủ vào năm tới.

Ông Biden, người muốn đưa kinh tế trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự trong nước của mình và đang tìm cách tái tranh cử, cho biết ông sẽ xem xét cắt giảm chi tiêu cùng với điều chỉnh thuế nhưng đề nghị mới nhất của Đảng Cộng hòa là "không thể chấp nhận được".

Cả hai bên cũng phải cân nhắc bất kỳ sự nhượng bộ nào trước áp lực từ các phe phái theo đường lối cứng rắn trong chính đảng của họ.

Một số thành viên cực hữu của nhóm có lập trường Cộng hòa cứng rắn House Freedom Caucus đã kêu gọi ngừng đàm phán, yêu cầu Thượng viện thông qua luật do Hạ viện thông qua – văn bản từng bị Đảng Dân chủ bác bỏ.

Ông McCarthy, người đã nhượng bộ nhiều với những người theo đường lối cứng rắn cánh hữu để đảm bảo vị trí Chủ tịch Hạ viện, có nguy cơ bị các thành viên trong đảng loại khỏi vị trí nếu họ không thích thỏa thuận mới mà ông đàm phán.

Còn cựu Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các đảng viên Cộng hòa để cho kịch bản vỡ nợ xảy ra nếu họ không đạt được tất cả các mục tiêu của mình, đồng thời coi nhẹ mọi hậu quả kinh tế.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ