• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trước sức ép thị trường, loạt 'ông lớn' châu Á tiếp tục mua dầu Nga

Thế giới 14/06/2022 08:15

(Tổ Quốc) - Ấn Độ và một số 'ông lớn' châu Á vẫn đang là nguồn thu nhập quan trọng đối với dầu thô của Moscow bất chấp áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây.

Các đơn hàng dầu thô từ Ấn Độ và một số nước châu Á đang thúc đẩy doanh thu xuất khẩu của Nga vào thời điểm Washington và các đồng minh đang cố gắng hạn chế các dòng tài chính hỗ trợ cho Moscow.

Số liệu tăng đáng kể từ Ấn Độ, Trung Quốc

Theo công ty về dữ liệu hàng hóa Kpler, Ấn Độ, quốc gia có nhu cầu lớn về dầu để phục vụ 1,4 tỷ dân, đã tiêu thụ gần 60 triệu thùng dầu của Nga vào năm 2022, tăng đáng kể so với 12 triệu thùng của cả năm 2021. Các lô hàng dầu của Nga đến các nước châu Á khác, như Trung Quốc, cũng đã tăng trong những tháng gần đây nhưng ở mức độ thấp hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press, Thủ tướng Sri Lanka cho biết ông cũng có thể bị buộc phải mua thêm dầu từ Nga khi nước này đang ráo riết tìm kiếm nhiên liệu để duy trì hoạt động của đất nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Hôm thứ Bảy tuần trước, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết, trước tiên ông sẽ xem xét các nguồn khác, nhưng sẽ sẵn sàng mua thêm dầu thô từ Moscow. Vào cuối tháng 5, Sri Lanka đã mua lô hàng 99.000 tấn dầu thô của Nga để khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất nước này.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng lên vào cuối tháng Hai, giá dầu toàn cầu đã tăng vọt. Sau khi Mỹ kêu gọi các quốc gia trên thế giới hạn chế mua dầu của Moscow, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và các nước khác đã được Moscow chiết khấu cao hơn, từ 30 đến 35 USD/ thùng. Hiện tại, dầu thô Brent và các loại dầu quốc tế khác đang giao dịch ở mức khoảng 120 USD/ thùng.

Trước sức ép thị trường, loạt ông lớn châu Á tiếp tục mua dầu Nga - Ảnh 1.

Giá năng lượng toàn cầu đã tăng vọt và gây khó khăn cho các nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP.

Tầm quan trọng của Ấn Độ và một số khách hàng châu Á đối với Nga đã tăng lên sau khi Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia, thị trường chính cho năng lượng Nga và cũng là nguồn ngoại tệ lớn của Nga, đã nhất trí dừng hầu hết hoạt động mua dầu của Moscow vào cuối năm nay.

Matt Smith, nhà phân tích hàng đầu tại Kpler chuyên theo dõi dòng chảy dầu của Nga cho biết: "Có vẻ như có một xu hướng mới và đang dần rõ ràng hơn. Khi các chuyến hàng dầu đến châu Âu bị cắt giảm thì dầu được chuyển sang châu Á, nơi Ấn Độ trở thành người mua hàng đầu, tiếp theo là Trung Quốc. Các báo cáo theo dõi tàu chở hàng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một điểm đến quan trọng khác của dầu Nga".

Vào tháng 5, khoảng 30 tàu chở dầu thô của Nga đã đến các bờ biển của Ấn Độ, bốc dỡ khoảng 430.000 thùng mỗi ngày. Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, trung bình chỉ có 60.000 thùng mỗi ngày cập cảng Ấn Độ từ tháng 1 đến tháng 3.

Các nhà máy lọc dầu độc lập và thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng đã tăng cường mua. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2021, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, lấy trung bình 1,6 triệu thùng mỗi ngày, chia đều cho các tuyến đường ống và đường biển.

Vượt lên sức ép từ Mỹ

Trong khi nhập khẩu của Ấn Độ vẫn chỉ bằng khoảng một phần tư con số của Trung Quốc, sự gia tăng mạnh mẽ đơn hàng dầu kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu là một vấn đề căng thẳng tiềm tàng giữa Washington và New Delhi.

Mỹ thừa nhận rằng Ấn Độ cần dầu với giá cả phải chăng, nhưng "chúng tôi mong các đồng minh và đối tác không tăng mua năng lượng của Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết sau cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Ấn Độ vào tháng 4.

Trong khi châu Âu đang tìm các nguồn cung thay thế cho 60% nhu cầu họ mua từ Nga, thì Moscow cũng có các lựa chọn khác.

Ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, đã nhấn mạnh ý định của nước này là sẽ làm những gì có lợi nhất cho đất nước.

"Nếu Ấn Độ mua dầu của Nga là tài trợ cho xung đột…thì hãy nói cho tôi biết, tại sao việc mua khí đốt của Nga không phải là tài trợ cho xung đột?", ông Subrahmanyam Jaishankar nói tại một diễn đàn gần đây ở Slovakia, đề cập đến việc châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga.

Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga đã tăng từ 100.000 thùng/ngày vào tháng 2 lên 370.000 thùng/ngày vào tháng 4 lên 870.000 thùng/ngày vào tháng 5.

Nhập khẩu dầu Nga từ phía Trung Quốc cũng đang gia tăng trong năm nay và duy trì nguồn thu cho chính phủ Nga. Hiện chưa rõ mặt hàng này có thể bị áp đặt trừng phạt ra sao nhằm cắt giảm dòng tiền chảy vào Nga.

Về các biện pháp trừng phạt, "liệu các biện pháp đó có hiệu quả không? Và nếu không, thị trường dầu mỏ đang vận động như thế nào xung quanh các động thái này?", theo nhà phân tích Myllyvirta tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch./.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ