• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trước thềm thượng đỉnh, tìm ra yếu tố liên kết thế lực QUAD

Thế giới 23/05/2022 16:03

(Tổ Quốc) - Từ khi bắt đầu được thành lập vào cuối năm 2017, nhóm Bộ tứ QUAD, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, vẫn đang từ từ định hình dần hoạt động và gia tăng được ảnh hưởng.

Được quy tụ xoay quanh mục tiêu thúc đẩy một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", bốn quốc gia này đã tổ chức hai cuộc tập trận hải quân kể từ năm 2020. Các nhà lãnh đạo của họ cũng đã ba lần nhóm họp kể từ năm ngoái, bao gồm một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tại Nhà Trắng.

Vào ngày thứ Ba, bốn nhà lãnh đạo này sẽ gặp mặt trực tiếp một lần nữa tại Tokyo. Hội nghị thượng đỉnh của họ sẽ là điểm nhấn trong chuyến công du đầu tiên của ông Joe Biden tới châu Á với tư cách là Tổng thống Mỹ.

Trung Quốc, từ thời điểm ban đầu cho rằng QUAD sẽ không hiệu quả, đến nay đang dần cảm nhận được sức ảnh hưởng của tổ chức này. Bắc Kinh hiện cho rằng QUAD là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm liên kết các đồng minh chiến lược và quân sự để bao vây Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã chỉ trích nhóm này là "NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", cáo buộc rằng QUAD đang "gây ra sự cạnh tranh địa chính trị."

"Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đưa ra, nhân danh" tự do và cởi mở ", thực sự chỉ quan tâm đến việc hình thành các liên kết", ông Vương Nghị cho biết hôm Chủ nhật khi Tổng thống Biden kết thúc chuyến đi đến Seoul và đến Tokyo.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng QUAD không phải là NATO phiên bản châu Á và cũng không mong muốn trở thành một khối. Thay vào đó, họ nói rằng tính linh hoạt của liên kết này cho phép các nước thành viên xây dựng nhiều quan hệ đối tác hơn và mở rộng các lĩnh vực hợp tác - bao gồm cả về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mới (IPEF) mà ông Biden dự kiến sẽ khởi động ở Tokyo.

Trước thềm thượng đỉnh, tìm ra yếu tố liên kết thế lực QUAD - Ảnh 1.

Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm QUAD tại Mỹ tháng 9 năm 2021. Ảnh: Getty.

"Nhóm QUAD đang cố gắng nhấn mạnh rằng họ có một chương trình nghị sự tích cực, đó là cung cấp những gì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cần - thay vì trở thành một thực thể chống Trung Quốc", Kristi Govella, Phó giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Đức cho biết.

Động lực đằng sau QUAD

Trong thập kỷ qua, cán cân địa chính trị và chiến lược trong khu vực đã thay đổi mạnh mẽ. Dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã từ bỏ câu thần chú hàng thập kỷ của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là che giấu sức mạnh để phát triển. Thay vào đó, họ đã theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.

Từ khoảng năm 2013, Trung Quốc bắt đầu xây dựng - và ngày càng quân sự hóa - các đảo nhân tạo trên khắp vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đã tăng cường lực lượng quân sự nhằm đối trọng với Nhật Bản, điều các tàu tuần duyên của Trung Quốc đến vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp (được gọi là quần đảo Điếu Ngư ở Trung Quốc) và điều máy bay chiến đấu vào vùng trời nói trên.

Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, Trung Quốc đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Australia sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19. Và dọc theo biên giới Himalaya tranh chấp với Ấn Độ, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ, gây ra nhiều thương vong nghiêm trọng.

Căng thẳng đã đẩy các quốc gia này tiến gần hơn đến quỹ đạo của Washington. Và dưới thời ông Biden, sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã trở thành một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của những nước này.

Yuki Tatsumi, đồng giám đốc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, cho biết: "Động lực lớn nhất cho sự hồi sinh của QUAD là sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc.

"Hành vi của họ không chỉ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông mà còn ở cả khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Điều này khiến các nước thuộc QUAD xích lại gần nhau hơn về vấn đề Trung Quốc", chuyên gia Yuki cho hay.

Đáp lại, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích QUAD về việc "phá vỡ hòa bình và ổn định của khu vực".

Vào tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng cho biết: "Việc xây dựng các liên kết và nhóm nhỏ khép kín và độc quyền cũng nguy hiểm như chiến lược mở rộng về phía đông của NATO ở châu Âu".

Ông Le Yucheng nói: "Nếu những định chế như vậy được phép tiếp tục mà không bị kiểm soát, nó sẽ mang lại những hậu quả không thể tưởng tượng được, và cuối cùng đẩy châu Á - Thái Bình Dương vào bờ vực thẳm".

QUAD chuyển hướng tập trung

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong những năm gần đây, QUAD đã chuyển hướng từ việc tập trung công khai vào các vấn đề an ninh sang nhiều lĩnh vực hợp tác hơn, nhằm cố gắng giải quyết tốt hơn các nhu cầu của khu vực.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của họ vào tháng 3 năm ngoái, các nhà lãnh đạo QUAD đã cam kết cung cấp một tỷ vắc xin Covid-19 trên khắp châu Á vào cuối năm 2022. QUAD cũng đã thành lập các nhóm làm việc về biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Việc IPEF được Mỹ công bố trong chuyến thăm tới Tokyo cũng có thể tạo động lực cho sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các nước trong nhóm QUAD, chẳng hạn như về cơ sở hạ tầng và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Dù vậy, QUAD sẽ cần phải chứng minh rằng họ có thể thực hiện những lời hứa của mình. Những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đã gặp khó khăn và Mỹ sẽ cần thuyết phục các đồng minh, đối tác tiềm năng rằng họ sẽ tiếp tục cam kết với khu vực dù ông Biden có hết nhiệm kỳ.

Susannah Patton, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Lowy ở Sydney, cho biết QUAD đã vượt quá kỳ vọng của nhiều nhà phân tích. Bà nói: "Nhóm QUAD là một phương tiện để (các thành viên) đưa ra tầm nhìn của họ về khu vực và báo hiệu với Bắc Kinh rằng nước này sẽ không có mọi thứ theo cách riêng của mình. Trong tương lai, nó phát triển như thế nào phần lớn sẽ phụ thuộc vào hành vi của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục thể hiện sức ép của mình, QUAD sẽ đáp trả".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ