• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trường học đóng cửa suốt 2,5 năm vì Covid-19: Philippines chịu nhiều hệ lụy

Thế giới 12/08/2022 20:11

(Tổ Quốc) - Vào ngày 22/8, các trường học ở Philippines sẽ mở cửa trở lại cho học sinh sau hai năm rưỡi - một trong những khoảng thời gian lâu nhất trên thế giới mà các trường học phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19 - trang cho biết straitstimes.

Trong khi gây ảnh hưởng đến tiền đồ của rất nhiều trẻ em, việc học hành bị gián đoạn trong thời gian kéo dài như vậy cũng để lại những vết sẹo lâu dài cho một nền kinh tế vốn phụ thuộc vào việc gửi lao động có tay nghề cao ra nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng việc đóng cửa trường học kéo dài cũng làm giảm đi tỷ lệ người biết chữ, hạ thấp các tiêu chuẩn cơ bản về biết chữ và có thể sẽ làm giảm năng suất và thu nhập của trẻ em khi chúng gia nhập lực lượng lao động.

Khoảng 10% người Philippines làm việc ở nước ngoài và nền kinh tế nước này cũng phụ thuộc vào nguồn kiều hối do các y tá, giáo viên và kỹ sư ở nước ngoài gửi về cùng những người lao động ở các ngành nghề khác.

Một lượng sinh viên tốt nghiệp ổn định cũng là yếu tố cần thiết thúc đẩy Philippines trở thành trung tâm gia công phần mềm cho các tập đoàn quốc tế và tăng số lượng việc làm tốt ở trong nước.

"Tác động (từ việc đóng cửa trường học) là rất lớn,"- nhà kinh tế trưởng của Philippines Arsenio Balisacan cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Chất lượng sinh viên tốt nghiệp của chúng tôi có ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động".

Tại sao phải đóng cửa quá lâu?

Trong khi việc đóng cửa trường học kéo dài đã gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia - đặc biệt là những quốc gia nghèo hơn, thì vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Philippines, nơi tình trạng đóng cửa trường học thuộc top dài nhất trên thế giới, theo dữ liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Ngay cả lúc này, việc thực hiện giảng dạy trực tiếp hoàn toàn vẫn chưa được lên kế hoạch cho đến tháng 11 năm nay.

Trường học đóng cửa suốt 2,5 năm vì Covid-19: Philippines chịu nhiều hệ lụy - Ảnh 1.

Trẻ em tham gia dọn dẹp lớp học ngày 5/8 để chuẩn bị cho việc mở cửa lại trường học ở Manila. Ảnh: AFP.

Một lý do cho sự chậm trễ trong việc mở cửa trở lại là cơ cấu xã hội của nước này. Các hộ gia đình chủ yếu là các gia đình lớn, vì vậy nhiều trẻ em sống với ông bà, những người dễ bị nhiễm virus do tuổi già, hoặc với những người thân khác có thể có tình trạng sức khỏe dễ nhiễm bệnh.

Làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi về đại dịch là vấn đề hậu cần ở các ngôi trường nghèo, bao gồm cả tình trạng quá tải học sinh.

Trước khi dịch bệnh xảy ra, lớp học ở các trường công thường có hơn 60 học sinh. Đến sách giáo khoa cũng cần chia sẻ với nhau và vì thế việc yêu cầu chúng giữ khoảng cách dường như là xa vời.

Vì vậy, trong khi các bậc cha mẹ thất vọng trước quá trình học hành chậm chạp của con mình thì nỗi lo ngại về virus đã khiến chính phủ chưa thể nối lại việc học sớm.

Cô Cristina Martinez, 31 tuổi, một người bán rau ở thị trấn ven biển Hagonoy và là mẹ của 4 đứa con, nói rằng đứa con 10 tuổi của cô "khó có thể đọc nổi các câu", đặc biệt là bằng tiếng Anh, ngôn ngữ được sử dụng trong sách giáo khoa khoa học và toán học.

"Tình hình thật khó khăn cho chúng tôi, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi không thể làm được gì nhiều", cô nói.

Còn ông Balisacan cũng nhận định, để bù đắp cho hơn hai năm học tập không đầy đủ, cần phải có một chương trình bao gồm các lớp phụ trợ cho học sinh nhỏ tuổi và đào tạo cho sinh viên đại học để ngăn ngừa tổn thất không thể thay đổi được về nguồn nhân lực.

Hệ lụy đối với kinh tế

Ông Nicholas Mapa, một nhà kinh tế tại ING Groep ở Manila, cho biết một hệ thống giáo dục thất bại có nghĩa là lực lượng lao động trong tương lai của quốc gia đó bị hạn chế về trình độ và kỹ năng.

Để thế hệ tiếp theo của người Philippines tiếp cận được những công việc chất lượng tốt thì thành công trong giáo dục là điều rất quan trọng. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đang muốn duy trì cam kết đưa tỷ lệ nghèo đói từ mức 23,7% của nửa đầu năm 2021 xuống 9% vào cuối nhiệm kỳ vào năm 2028.

Ông Nicholas Mapa nói: "Vấn đề giáo dục hiện tại là một trong những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế".

Quan chức phụ trách vấn đề lao động di cư Susan Ople cũng cho biết nếu không có nền giáo dục tốt, những người Philippines ở nước ngoài sẽ chỉ tìm kiếm công việc trong các nghề dễ bị tổn thương như dọn dẹp và giúp việc gia đình. Những công việc này thường có lương và điều kiện làm việc kém.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Marcos cho biết việc đầu tư nhiều tiền hơn vào giáo dục và những cải cách như sửa đổi chương trình giảng dạy là ưu tiên hàng đầu.

Theo dữ liệu của cơ quan phát triển, giáo viên đầu vào cấp tiểu học và trung học công lập Philippines nhận mức lương hàng tháng chỉ hơn 400 USD và chi tiêu giáo dục tiểu học cho mỗi trẻ em ở nước này thấp hơn 30% so với mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp.

Ông Marcos nói: "Khi chúng ta có một hệ thống giáo dục đủ tốt để chuẩn bị cho các thế hệ sắp tới có thể có nhiều công việc hơn và tốt hơn thì lúc đó có hy vọng cho một tương lai tích cực hơn".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ