(Tổ Quốc)- Báo điện tử Tổ Quốc phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế, về thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa diễn ra tại Hà Nội.
PV: Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội đã kết thúc và không có thỏa thuận chung. Trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Trump đã cho biết trừng phạt là một trở ngại của thỏa thuận chung. Dù vậy, ông Trump cũng nói rằng tầm nhìn về hạt nhân của Triều Tiên và Mỹ đã thu hẹp khoảng cách trong thời gian tới. Vậy ông đánh giá rằng tiến trình trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thời gian tới sẽ diễn ra như thế nào, trong đó có cả yếu tố từ các nước liên quan mật thiết như Trung Quốc, Hàn Quốc hay cả Nhật Bản?
TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế.
TS Nguyễn Ngọc Trường: Trước hết cần nói về nguyên nhân cuộc gặp Thượng đỉnh Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận.
Cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore là "phá băng". Cuộc gặp lần thứ hai này hai bên đi vào thương lượng những vấn đề thực chất. Theo các tin tức có được, phía Mỹ cần đạt được các biện pháp thực chất về phi hạt nhân hóa, dù có thể trước mắt chưa phải giải giáp hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân, mà có thể "đóng băng" chúng. Triều Tiên cho biết sẵn sàng dỡ bỏ cơ sở Yongbyon nhưng yêu cầu Mỹ trước hết dỡ bỏ cấm vận. Ông Trump cho biết, ông không sẵn sàng làm điều này. Tại cuộc họp báo chiều ngày 27/2, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói thêm rằng ngay cả khi Yongbyon bị phá hủy, vẫn có những cơ sở và vũ khí khác, và do đó, Triều Tiên và Mỹ không đạt được thỏa thuận.
Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tại buổi họp báo ở khách sạn Marriott (Ảnh: TTXVN)
Theo giới chuyên gia, đòi hỏi của Triều Tiên đưa ra lần này là quá cao. Nếu Mỹ chấp nhận yêu cầu ấy thì tiến trình đàm phán lại lặp lại những điều từng diễn ra như trước năm 2012, khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền tại Triều Tiên, chỉ hứa hẹn vẫn nhận được hàng tỷ USD viện trợ nhân đạo mà không phải phải thực hiện bất kỳ nhượng bộ thực chất nào. Trước cuộc gặp Hà Nội, ông Trump từng tuyên bố tại Washington không cho điều ấy lặp lại. Tôi cứ có cảm giác, phía Triều Tiên đã thay đổi lập trường vào phút cuối. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ tạo trở ngại cho những cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân trong tương lai.
Một phóng viên báo Nhật Bản tại Hà Nội nói rằng Nhật Bản cảm thấy nhẹ nhõm khi Mỹ không thỏa hiệp dễ dàng chỉ để đổi lấy những hứa hẹn không chắc chắn.
Có thể, lần này hai bên áp dụng các chiến thuật đàm phán ngoại giao để thử thách tính kiên nhẫn và thăm dò khả năng thỏa hiệp của mỗi bên. Vấn đề vốn dĩ còn phức tạp hơn nữa vì có sự dính líu và can dự của nhiều bên. Có lẽ phải đợi khi Tổng thống Trump hoặc Ngoại trưởng Pompeo viết hồi ký sau khi họ rời nhiệm sở thì thế giới mới biết được sự thật về sự can dự của các bên ấy là gì.
PV: Theo thông báo của Nhà Trắng sau thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald J. Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có các cuộc gặp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng ở Hà Nội. Theo ông, triển vọng quan hệ Mỹ - Triều Tiên nói chung và quan hệ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim nói riêng sắp tới sẽ ra sao?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Nhiều người đã quá lạc quan nên đã thất vọng. Nhưng rõ ràng cuộc gặp lần thứ hai này giúp cho hai bên hiểu rõ nhau hơn. Triển vọng quan hệ Mỹ-Triều đã được cải thiện một bước. Ông Trump cho biết, Chủ tịch Kim hứa hẹn sắp tới sẽ không tiến hành các vụ thử hạt nhân. Nhưng nếu không đạt được sự khai thông đột phá thì tình trạng quan hệ vẫn giậm chân tại chỗ như hiện nay. Quan hệ cá nhân cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng lợi ích quốc gia.
Rõ ràng cuộc gặp lần thứ hai này giúp cho hai bên hiểu rõ nhau hơn. Triển vọng quan hệ Mỹ-Triều đã được cải thiện một bước.
TS Nguyễn Ngọc Trường
Có điều, ông Trump chỉ còn chưa đầy hai năm cầm quyền; chỉ vài tháng nữa cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ bắt đầu chuyển động. Cơ hội Hà Nội đã bị bỏ lỡ. Có chăng, năm nay còn một cuộc gặp thượng đỉnh nữa. 2020 là năm bầu cử ở Mỹ, ít cơ hội để ông Trump quan tâm đến những vấn đề có thể làm sao nhãng nỗ lực tái đắc cử của ông. Không phải không có ai đó mong muốn ông Trump gặp khó khăn trong việc tái cử nhiệm kỳ thứ hai. Đặc biệt, nếu ông Kim cho thử lại các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo, tình thế càng phức tạp đối với ông Trump.
PV: Xin ông cho biết Việt Nam – với vai trò là nước chủ nhà của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2- đã thể hiện như thế nào qua sự kiện lần này?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nước chủ nhà. Thể hiện rõ năng lực tổ chức, trật tự, an ninh và hiếu khách. Các quan hệ song phương Mỹ- Việt, Triều- Việt trưởng thành một bước mới.
Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nước chủ nhà. Thể hiện rõ năng lực tổ chức, trật tự, an ninh và hiếu khách.
Quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vốn dĩ là khó khăn và phức tạp. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai này không tổ chức ở Việt Nam mà ở một nước khác thì kết quả đàm phán chắc cũng vậy thôi.
Thành bại trong một cuộc thương lượng cấp cao cũng là thường tình trong quan hệ quốc tế. Nhưng vai trò Việt Nam đã được ghi nhận. Thêm nhiều người trên thế giới biết đến Hà Nội. Hy vọng những cảm nhận tốt đẹp về Hà Nội lần này sẽ đơm hoa kết trái thành những lợi ích thiết thực.
Xin chân thành cảm ơn ông!