(Tổ Quốc) - Quan chức ngoại giao Nga cho rằng, sự cô lập của phương Tây với Nga có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga nhận định, việc các nước phương Tây từ chối tăng cường hợp tác với Nga trong vấn đề chống khủng bố, đang tạo ra nguy cơ cho những nỗ lực toàn cầu đối phó với chủ nghĩa cực đoan.
Theo ông Ilya Rogachev, Giám đốc Vụ các thách thức và đe dọa mới, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, sự đổ vỡ trong mối quan hệ của phương tây với Moscow trong những năm gần đây đồng nghĩa với việc, những tiến triển trong hợp tác chống khủng bố đang bị "đóng băng", và ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động trao đổi thông tin liên chính phủ. "Đây là cách ý thức hệ và chính trị đang được sử dụng trong lĩnh vực chống khủng bố. Nó là sai lầm và để lại những hủy hoại trực tiếp tới xã hội, công dân và con người", ông Rogachev cảnh báo. "Hành động này không hề có chút logic nào".
Hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố giữa Moscow với phương Tây đang bị tạm dừng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 (ảnh: getty)
Vai trò của Nga là một trong những lực lượng quân sự chủ chốt tại Syria, đồng thời là đồng minh thân cận nhất của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - đã giúp nước này có thể tiếp cận với một số nhóm khủng bố từng tham gia vào cuộc chiến tại Syria. Một số kẻ "đầu sỏ" gây ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris và Brussels gần đây, đều từng tham gia chiến sự tại Syria.
"Các cơ quan tình báo của chúng tôi nắm được tên của từng người tới Syria vì mục đích chiến tranh", quan chức ngoại giao nói. "Mọi người đều hiểu rằng khủng bố là mối đe dọa toàn cầu và để giải quyết nó cần có những nỗ lực chung".
Các cơ quan tình báo của chúng tôi nắm được tên của từng người tới Syria vì mục đích chiến tranh.
Ilya Rogachev, Giám đốc Vụ các thách thức và đe dọa mới, Bộ Ngoại giao Nga
Những người ủng hộ mối quan hệ tốt hơn giữa Moscow và phương tây thường coi hợp tác quân sự và chống khủng bố - đặc biệt là tại Syria – là một mục tiêu có thể đạt được, đồng thời là khởi điểm tiến tới hợp tác trên những lĩnh vực phức tạp hơn. Tháng 12/2017, những thông tin do Mỹ cung cấp đã giúp chính quyền Nga ngăn chặn thành công một cuộc tấn công khủng bố tại St Petersburg. Các chính phủ nước ngoài vẫn thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Moscow trước và sau khi diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới vào mùa hè năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Rogachev, một loạt các cuộc gặp gỡ giữa Liên minh châu Âu và Nga nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trên đã bị hủy bỏ. Nguyên nhân chính là do mối quan hệ ngày càng leo thang căng thẳng giữa Moscow và Brussels. Vòng tư vấn gần đây nhất giữa EU và Nga về chống khủng bố đã diễn ra từ tận tháng Hai năm 2018. "Tôi muốn nói là mọi thứ đang bị đóng băng", ông Rogachev nhận xét. "Nó không giống với những gì từng diễn bởi vì lý do chính trị. Trong đó, tình hình với Crimea và đông Ukraine thường được trực tiếp viện dẫn".
Mỹ, EU và các nước phương tây khác đã áp dụng trừng phạt với Moscow vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình. Kể từ đó, Nga phải đối mặt với một loạt các cáo buộc khác nhau, từ cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, âm mưu ám sát một cựu điệp viên ngay trên đất Anh bằng chất độc hóa học thần kinh bị cấm, cho tới tìm cách xâm nhập vào dữ liệu của tổ chức kiểm soát vũ khí hóa học quốc tế… Những sự kiện này khiến quan hệ giữa Nga và phương tây trở nên không ngừng xói mòn.
Đây là cách ý thức hệ và chính trị đang được sử dụng trong lĩnh vực chống khủng bố. Nó là sai lầm và để lại những hủy hoại trực tiếp tới xã hội, công dân và con người.
Ilya Rogachev
"Mọi người thường nói chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề phi chính trị và là một chương trình nghị sự thống nhất, đồng thời chống chủ nghĩa khủng bố là một lĩnh vực tốt hơn, có nhiều tiềm năng hơn mà Nga và phương tây có thể đạt được sự thống nhất. Có thật sự như vậy không?", ông Rogachev đặt câu hỏi. "Ở một mức độ nào đó, nhận định này là phi lý. Đây là một lĩnh vực có tính chính trị cực kỳ cao".
Ngài giám đốc nhắc lại lời Thủ tướng Anh Theresa May sau vụ tấn công khủng bố tại cầu London năm 2017 rằng, nước Anh sẽ "làm việc với các chính phủ dân chủ liên minh để đạt được những thỏa thuận quốc tế" nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố. "Nói một cách khác: Nga không là một phần của những điều trên", ông Rogachev giải thích.
Một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu từng tuyên bố, quyết định sáp nhập Crimea năm 2014 "ảnh hưởng nghiêm trọng tới đối thoại và quan hệ chính trị giữa Liên minh châu Âu và Nga. Kết quả là, một số đối thoại chính sách và cơ chế hợp tác đang tồn tại đã bị đóng băng, và các lệnh trừng phạt trực tiếp với mục tiêu thay đổi các hành động của Nga tại Ukraine, đã được thực thi. Trước năm 2014, quan hệ hợp tác và trao đổi với Nga đã diễn ra rất mạnh mẽ trong suốt hơn 25 năm".