(Tổ Quốc) - Theo trang Nikkei Asia, đại diện những tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Huyndai và Naver mới đây đều nằm trong đoàn tháp tùng chuyến thăm Saudi Arabia và Qatar của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Trong thời gian gần đây, Hàn Quốc đang tăng cường quan hệ kinh tế và hoạt động kinh doanh ở Trung Đông, ký kết các thỏa thuận sản xuất xe điện, phát triển kỹ thuật số, năng lượng, cơ sở hạ tầng và đóng tàu khi nước này tìm kiếm cơ hội mới ở khu vực mà Hàn Quốc đang phụ thuộc nhiều vào dầu khí.
Trong chính sách mới của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, sau chuyến thăm tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào tháng 1/2023, chuyến công tác tới Saudi Arabia và Qatar trong tuần này của ông Yoon Suk Yeol được đánh giá là thúc đẩy tiềm năng phát triển ở khu vực rộng lớn hơn.
Chính phủ Hàn Quốc thông báo các công ty Hàn Quốc và Saudi Arabia đã ký 46 thỏa thuận tại một diễn đàn đầu tư ở Riyadh - sự kiện được tổ chức bên lề chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon tới vương quốc sa mạc. Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc cũng ghi nhận có 135 lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia diễn đàn lần này.
Các thỏa thuận bao gồm hợp đồng trị giá 500 triệu USD giữa Hyundai Motor và Quỹ đầu tư công (PIF) cũng đã được ký kết. Gã khổng lồ ô tô và PIF quyết định thành lập liên doanh xây dựng một nhà máy ở Saudi Arabia để sản xuất 50.000 xe, bao gồm cả động cơ đốt trong và điện hàng năm kể từ năm 2026. Kế hoạch này đánh dấu dây chuyền lắp ráp đầu tiên của hãng ô tô toàn cầu ở Trung Đông .
"Hyundai Motor quyết định xây dựng một nhà máy xe điện, tượng trưng cho một kỷ nguyên mới trong đó Hàn Quốc và Ả Rập Saudi cùng nhau phát triển công nghệ và sản xuất sản phẩm. Tôi hy vọng Hàn Quốc và Saudi Arabia có thể đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi trong tương lai", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại Đại học King Saudi.
Rất nhiều các thỏa thuận được ký giữa Hàn Quốc và Saudi Arabia
"Gã khổng lồ" internet của Hàn Quốc Naver đã ký thỏa thuận trị giá 100 triệu USD với Chính phủ Saudi để thiết lập nền tảng kỹ thuật số cho 5 thành phố của vương quốc, bao gồm cả thủ đô Riyadh trong dự án quy mô lớn đầu tiên ở Trung Đông.
Hàn Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn trong những năm gần đây và mặc dù không có thỏa thuận nào liên quan đến quân sự được công bố nhưng văn phòng của Tổng thống Yoon cho biết hai nước đang hoàn tất hợp tác công nghiệp quy mô lớn về vũ khí phòng thủ tên lửa và pháo binh. Hai bên mô tả quy mô và số tiền của thỏa thuận lần này là "khá lớn" nhưng từ chối nêu chi tiết.
Tại Qatar, công ty đóng tàu HD Korea Shipbuilding & Offshore Engineering đã nhận được đơn đặt hàng trị giá 3,9 tỷ USD từ QatarEnergy thuộc sở hữu nhà nước cho 17 tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay trong ngành đóng tàu của nước này. Các tàu này sẽ được sản xuất tại cảng lớn Ulsan của Hàn Quốc bởi HD Hyundai Heavy Industries, một đơn vị đóng tàu của HD KSOE và dự kiến sẽ bàn giao cho vùng Vịnh vào năm 2029.
Chuyến thăm của Tổng thống Yoon diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông đang gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia Hàn Quốc cũng cho rằng Saudi Arabia - một cường quốc ở Trung Đông - và hầu hết các quốc gia khác trong khu vực hiện đang chú trọng phát triển kinh tế hơn là chính trị, điều đang tạo cơ hội cho các công ty Hàn Quốc.
Ông Jang Ji-hyang, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho rằng khu vực này có vẻ bối rối vì căng thẳng leo thang gần đây tại khu vực nhưng Saudi Arabia, UAE và các quốc gia khác vẫn đang tập trung vào phát triển kinh tế. Trung Đông hoan nghênh đầu tư của Hàn Quốc vì điều đó là lợi ích chính của họ.
Chẳng hạn như, theo ông Jang, Saudi Arabia đang thúc đẩy dự án Neom - một dự án phát triển đô thị tương lai trị giá 500 tỷ USD nhằm xây dựng một siêu đô thị thông minh ở phía tây bắc đất nước và cũng cho biết UAE đã gửi một tàu quỹ đạo lên sao Hỏa.
Những tham vọng như vậy được cho là rất phù hợp với Hàn Quốc, quốc gia vượt trội về xây dựng, công nghệ và có chương trình không gian riêng. Năm ngoái, Hàn Quốc đã phóng thành công tàu quỹ đạo Mặt Trăng đầu tiên mang tên Danuri. Nước này đặt mục tiêu đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng bằng tên lửa nội địa vào năm 2031.
Các công ty Hàn Quốc không còn xa lạ ở Trung Đông. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tăng cường hoạt động ở khu vực này. Trong khi đó, các quốc gia như Saudi Arabia và Qatar chuyên cung cấp dầu và LNG cho Hàn Quốc, một quốc gia nghèo tài nguyên phụ thuộc vào những mặt hàng đó để thúc đẩy nền kinh tế công nghiệp công nghệ cao.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, thương mại với Saudi Arabia đạt 46,5 tỷ USD vào năm 2022. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang vương quốc này tăng 46,3% so với cùng kỳ lên 4,9 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng 71,6% lên 41,6 tỷ USD dẫn đến thâm hụt đáng kể. Đối với khu vực Trung Đông, tổng thương mại đạt 126,9 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 57,1% và đánh dấu mức thâm hụt 91,9 tỷ USD.
Tăng cường chính sách Trung Đông
Các chuyên gia nói rằng sự tăng cường chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Yoon diễn ra khi ảnh hưởng năng lượng của Saudi Arabia đã tăng lên đáng kể từ thời điểm căng thẳng leo thang giữa Ukraine và Nga.
Cũng trong tuần này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc đã ký hợp đồng 5 năm cho phép Saudi Aramco lưu trữ 5,3 triệu thùng dầu thô ở Ulsan.
Ông Ryou Kwang-ho, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc cho biết vương quốc này có kế hoạch đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh ngoài dầu mỏ, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho Hàn Quốc.
Đầu tháng này, Hàn Quốc cũng đạt được thỏa thuận thương mại tự do với UAE tại Seoul. UAE sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ô tô Hàn Quốc trong 10 năm trong khi Seoul sẽ xóa bỏ thuế đối với dầu thô từ UAE trong thời gian đó.
Saudi Arabia tỏ ra hài lòng với hàng loạt thỏa thuận và nhấn mạnh việc hợp tác với Hàn Quốc có thể giúp thúc đẩy tham vọng của quốc gia Trung Đông này.
"Hợp tác với Hyundai là một cột mốc quan trọng khác đối với PIF trong việc tạo điều kiện và thúc đẩy thành công sự phát triển của hệ sinh thái ô tô của Saudi Arabia – một trong 13 lĩnh vực ưu tiên của chúng tôi", ông Yazeed Al-Humied, Phó thống đốc kiêm người đứng đầu bộ phận đầu tư Trung Đông và Bắc Phi tại PIF nói.
Vào tháng 11 năm ngoái, Thái tử Saudi Arabia cũng đã có chuyến thăm đến Seoul thực hiện ký kết hợp đồng và thỏa thuận sơ bộ với Samsung, Hyundai và các tập đoàn khác nhằm đầu tư vào vương quốc, bao gồm cả dự án Neom.
"Rủi ro địa chính trị vẫn còn ở Trung Đông. Tuy nhiên, hợp tác với Saudi Arabia có thể là bước đột phá cho nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tăng trưởng thấp do tiềm năng mở rộng yếu", trang Maeil Business News Korea bình luận./.