(Tổ Quốc) - Ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA, còn được gọi là thỏa thuận Iran sau khi nói rằng hiệp ước này còn nhiều “thiếu sót”, và cam kết sẽ tái áp đặt trừng phạt chống lại Tehran.
Ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA, còn được gọi là thỏa thuận Iran sau khi nói rằng hiệp ước này còn nhiều “thiếu sót”, và cam kết sẽ tái áp đặt trừng phạt chống lại Tehran.
Trong một bài phát biểu tại một buổi lễ ở Tehran, Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ Iran, tướng Mohammad Ali Jafari đã nói rằng Mỹ đang trở thành một đối tác không đáng tin cậy, theo hãng tin Fars.
Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ Iran, tướng Mohammad Ali Jafari. (Nguồn: AP) |
Ông lưu ý rằng, việc Mỹ đã từ bỏ một thỏa thuận được quốc tế công nhận đã chứng minh cho luận điểm trên. “Hôm nay, chúng ta lại một lần nữa nhận thấy, một nước Mỹ không đáng tin cậy đang được chứng minh. Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để phá vỡ sự kháng cự của Iran và đây không phải là một điều mới. Chúng tôi đã phát hiện nhiều ý định xấu của kẻ thù trong những năm qua, do đó, chúng ta cần dựa vào trên chính mình”.
Đồng thời, Jafari cũng lưu ý rằng, trong khi nước này vẫn duy trì lập trường độc lập của mình, Iran vẫn cho các bên ký kết khác của JCPOA, như Nga, Trung Quốc và EU, một cơ hội để đảm bảo rằng họ sẽ tuân thủ các cam kết của mình.
Trước đó, Jafari từng bày tỏ hoài nghi rằng liệu các nước châu Âu sẽ có thể tiếp tục thực hiện các quy định của JCPOA hay không, vì người châu Âu "không thể đưa ra lựa chọn độc lập với Mỹ".
Gần đây, một số chính trị gia châu Âu hàng đầu đã tuyên bố ý định thúc đẩy một chính sách đối ngoại EU mang tính độc lập hơn, vì họ không còn có thể dựa vào Washington sau động thái mới nhất về vấn đề Iran. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker nói rằng Mỹ đã "mất đi sức sống" và đề nghị EU phải thay thế vai trò một lực lượng lãnh đạo quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 8/ 5 tuyên bố rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), một thỏa thuận quốc tế đạt được vào năm 2015 giữa Iran, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh, Đức và EU . Thỏa thuận này được xây dựng để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran sẽ ảnh hưởng đến mọi công ty nào đang kinh doanh với Tehran. Các công ty châu Âu sẽ gặp nhiều rủi ro vì đã đầu tư mạnh vào Iran và có lẽ họ sẽ không muốn phá vỡ quan hệ với Iran. Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton gần đây đã lưu ý rằng Mỹ không loại trừ biện pháp trừng phạt chống lại các công ty châu Âu. Các quốc gia Châu Âu hiện đang xem xét các lựa chọn khả thi chống lại các lệnh trừng phạt Mỹ có thể đưa ra nhằm vào các công ty của mình.