(Tổ Quốc) - Như vậy, cho đến nay Việt Nam ta đã có bốn danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh.
Ngày 7/11/2019, tại Paris - thủ đô nước Pháp, Đại hội đồng UNESCO khóa 40 đã biểu quyết: "Tổ chức lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An - Nhà sư phạm Việt Nam (1292-1370). Hồ sơ Chu Văn An được các quốc gia Ấn Độ, vương quốc Thái Lan, Hàn Quốc ủng hộ.
Ngày 9/4/2020, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản về việc tổ chức lễ tưởng niệm 650 năm ngày mất của Nhà giáo Chu Văn An tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào tháng 11 năm 2020.
Như vậy, cho đến nay Việt Nam ta đã có bốn danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh:
- Nguyễn Trãi, được vinh danh tháng 10/1978, kỷ niệm 600 năm ngày sinh
- Hồ Chí Minh, được vinh danh tháng 11/1987, kỷ niệm 100 năm ngày sinh
- Nguyễn Du, được vinh danh tháng 10/2013, kỷ niệm 250 năm ngày sinh
- Chu Văn An, được vinh danh tháng 11/2019, kỷ niệm 650 năm ngày mất.
1. Chu Văn An - Nhà giáo Việt Nam
Chu Văn An (1292-1370), còn có tên gọi là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn (người tiều phu ở ẩn), người ấp Văn Xá, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), Hà Nội.
Thuở nhỏ, Chu Văn An chăm học và học rất giỏi. Sau khi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ thời Trần), ông không ra làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà. Đây là trường tư thục đầu tiên của nước ta, sau này theo gương ông, nhiều người đã mở trường dạy học, làm cho các làng quê Việt Nam đều có các trường, lớp học do dân đóng góp để con em mình có học vấn, để học làm người tử tế, có ích cho xã hội. Việc này có ý nghĩa như là phổ cập giáo dục cho cộng đồng, từ đây đào tạo được một tầng lớp trí thức mới, xuất phát từ nhân dân lao động, không phải là quý tộc hoặc hoàng tộc.
Thầy Chu Văn An mở trường ở làng Huỳnh Cung, bất cứ ai đến học ông cũng nhận, không phân biệt kẻ giàu, người nghèo, cũng không câu nệ tuổi tác già hay trẻ. Tùy theo trình độ học trò, ông phân chia lớp mà ngày nay chúng ta gọi là các lớp từ vỡ lòng đến tiểu học, trung học và cả đại học.
Thầy Chu Văn An tự soạn lấy giáo trình, đó là bộ sách "Tứ thư thuyết ước" mười quyển. Sách giáo trình này đã diễn dịch và giải thích cụ thể một cách rất khái quát và dễ hiểu những nội dung của Nho học trong bộ sách "Tứ thư" của Chu Hy đời Tống, gồm 4 cuốn: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử, ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử.
"Tứ thư thuyết ước" là bộ giáo trình cơ bản. Chu Văn An căn cứ vào trình độ của từng lớp học, thậm chí của từng học trò để giảng dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, và sau khi học xong là có thể vận dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày của mình.
2. Quan điểm giáo dục của Chu Văn An là VÌ CON NGƯỜI
Ông quan niệm rằng, con người khi mới sinh ra ai cũng như ai, "nhân chi sơ tính bản thiện". Sau nhờ giáo dục của gia đình, của xã hội và của trường học mà sự phát triển về trí tuệ và nhân cách, phong cách khác nhau. Vì vậy, con người có quyền được học, và ai cũng có khả năng học. Do đó, trường học phải đón nhận tất cả các học trò, không phân biệt giàu hay nghèo, sang hay hèn, không phân biệt tuổi tác và giai tầng xã hội.
Người thầy phải dạy cho trò biết phát huy những cái tốt đẹp, những điểm mạnh của mình, không nghĩ và làm việc xấu, việc ác, luôn luôn nghĩ và làm việc tốt, việc thiện. Dần dần hoàn thiện đạo đức của mình.
Quan điểm giáo dục của Chu Văn An là vì con người. Ảnh: Internet
- Mọi sự vật và hiện tượng trên đời đều có nguyên nhân, có sinh ra, có phát triển và có kết thúc. Phải biết như vậy để có phong cách ứng xử đúng, biết cách xử thế mọi tình huống trong cuộc sống.
- Ý nghĩ và hành động của người có học là phải khoan hòa, khiêm tốn; có các đức tính trong ngũ thường, là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
- Trong giảng dạy phải lấy học trò làm trung tâm, khi truyền thụ kiến thức phải hiểu học trò, phải căn cứ vào khả năng, năng khiếu của từng học trò và tâm sinh lý của họ khi ngồi lớp để làm cho học trò có thể thấm nhuần những lời giảng của thầy.
- Dạy học là tạo cho học trò có khả năng tư duy độc lập, phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Những quan điểm về giáo dục "vì con người" của Nhà giáo Chu Văn An cách đây đã hơn 700 năm, ngày nay nó vẫn đúng, không những ở Việt Nam mà còn đúng với bất cứ nơi nào, bất cứ nền giáo dục nào, bất cứ chế độ chính trị nào trên thế giới.
Với những nội dung trong quan điểm giáo dục rất mới và rất đúng đó, cho nên trường Hoàng Cung của Chu Văn An ngày càng đông học trò. Có những người học ở trường Hoàng Cung của ông, khi đi thi Quốc gia đã đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), đó là Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh. Hai ông ra làm quan, được thăng đến chức Hành Khiển (tương đương với Bộ trưởng ngày nay).
Vì những thành tựu đó, nên nhà vua Trần Minh Tông (1314-1329) đã mời thầy Chu Văn An làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, lúc đó ông mới 32 tuổi.
3. Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam
Năm Canh Tuất, tháng 8 (1070), vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu ở cửa nam Hoàng thành Thăng Long.
Năm 1076, Lý Nhân Tông chọn người trong số quan viên, chức sắc tại triều cho vào học, từ đó nhà học rong khu Văn Miếu được gọi là Quốc Tử Giám - Trường đại học của Việt Nam.
Năm 1253, vua Trần Thánh Tông cho đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện, lấy đây là nơi giảng dạy cho con em vua, quan và những người học giỏi trong cả nước, còn được gọi là Thái Học viện.
Khi Chu Văn An vào làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, thời gian đầu ông dạy cho bảy thái tử, trong đó có bốn người được làm vua nhà Trần
- Hiến tông Hoàng đế (1329-1341), hiệu là Khai Hậu,
- Dụ tông Hoàng đế (1341-1369), hiệu là Thiệu Phong - Đại Tự,
- Nghệ tông Hoàng đế (1370-1372), hiệu là Thiệu Khánh,
- Duệ tông Hoàng đế (1372-1377), hiệu là Long Khánh.
Còn những quan viên, chức sắc và những người học giỏi trong cả nước được đến học thì ông không chỉ dạy những nội dung trong Tứ thư thuyết ước, mà ông coi trọng truyền thụ quan điểm giáo dục vì con người và đạo đức, phong cách của nhà nho cho học trò.
Những người thi đỗ ra làm quan thì một lòng vì nước, vì dân. Những người về quê làm thầy đồ thì vì học trò của mình.
Quan điểm giáo dục vì con người của ông được tiếp tục thực hiện giáo trình Tứ thứ tư thuyết ước 10 tập của ông được nhà Lê và các đời sau coi là tài liệu quý, nên đã tiếp tục giảng dạy trong các trường học.
Đến đời Lê - Trịnh, Tứ thư thuyết ước đã bị nhà Minh thu hết mang về Tàu.
Lê Quý Đôn (1726-1784), đã biên soạn bộ "Tứ thư ước giải". Khi giặc nhà Thanh sang, chúng lại cướp mang về nước.
Nguyễn Văn siêu (1799-1872) lại tiếp tục biên soạn bộ "Tứ thư trích giảng".
Ba bộ giáo trình này đã đào tạo nên hàng ngàn tiến sĩ của Việt Nam. Từ triều Lê, mỗi khoa thi, nhà Thái học lại treo bảng ghi tên những người đỗ Tiến sỹ. Các vị Tân khoa được dự lễ Bái yết ở Văn Miếu và dự "tiệc yến" do triều đình tổ chức.
Đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Tấm bia đầu tiên khắc tên Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442). Tấm bia sau cùng dựng 1780, khắc tên các vị Tiến sĩ thi năm Kỷ Hợi (1779).
Tính ra từ 1442 đến 1779 là 37 năm. Nếu tính đủ phải có 117 khoa thi - Nghĩa là phải có 117 tấm bia.
Hiện nay ở Văn Miếu Quốc Tử Giám chỉ có 82 tấm bia (vì bị chiến tranh tàn phá liên miên. Năm 1976 đã tìm thấy một con rùa đế bia). Mỗi tấm bia không những để tôn vinh đạo học và các Tiến sĩ mà còn là một một công trình nghệ thuật. Ta thấy ở đây một tác phẩm điêu khắc công phu, những thư pháp rồng bay phượng múa, thể hiện văn bia với nội dung sâu sắc.
Văn bia do Hàn lâm viện thừa chỉ Thân Nhân Trung soạn năm 1484, được coi như Tuyên ngôn của nền giáo dục nước Việt Nam:
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các vị thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên".
4. Một số nguyên thủ Quốc gia nhận xét khi đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám
- Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton: "Việc đi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám là tuyệt vời nhất, và những thành tựu lịch sử và văn hóa mà nhân dân Việt Nam đã giành được biểu hiện nơi đây, tỏa sáng mọi thời đại".
- Năm 2001, Tổng thống Singapore S.R Nathan: "Được đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, một trường Đại học đáng kính của lịch sử giáo dục của dân tộc Việt Nam, tôi hết sức khâm phục nền giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam".
- Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Văn hóa Việt Nam là một trong những nền văn hóa cổ kính và có truyền thống nhất trên thế giới. Trên cơ sở phát huy truyền thống phong phú đó, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giải quyết mọi vấn đề của đất nước mình với sự khâm phục của thế giới".
Còn nhiều nguyên thủ khác như: Tổng thống Pháp F.miterrand; Chủ tịch Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc Giang Trạch Dân; Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk cũng đến thăm và viết cảm nghĩ. Do sợ dài dòng nên xin tạm dừng ở đây.
Họ khen trường đại học của ta, đều có nguyên nhân.
Khi nghiên cứu các trường đại học trên thế giới thì trường đại học đầu tiên trên thế giới là trường Poloma ở Italia được thành lập thế kỷ 11.
Năm 1200, thành lập trường đại học Paris ở Pháp.
Năm 1209 Đại học Oxford ở Anh và Bồ Đào Nha.
Sau đó mới đến các trường: Salamanca ở Tây Ban Nha và trường Carakop ở Ba Lan.
Đến thế kỷ 14, ở châu Âu đã có 40 trường đại học.
Năm 2001, Tổng thống Singapore S.R Nathan cho biết: "Được đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, một trường Đại học đáng kính của lịch sử giáo dục của dân tộc Việt Nam, tôi hết sức khâm phục nền giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam". Ảnh: Internet
Như vậy trường Quốc Tử Giám của Việt Nam và trường Poloma ở Italia là hai trường đại học ra đời sớm nhất, đều là thế kỷ thứ 11. Khi chọn Tiến sĩ ở Việt Nam, ta còn chọn ra ba người giỏi nhất, được vinh danh là Trạng Nguyên - Bảng Nhãn - Thám Hoa.
Việt Nam ta còn có hai Trạng Nguyên được vinh danh là "Lưỡng Quốc Trạng Nguyên" đó là Mạc Đĩnh Chi (1280-1350), được vua Nhà Nguyên phong; Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719), được vua nhà Thanh phong. Khi hai ông này đi sứ, ứng xử và đối đáp thần tình trên nước họ.
Tiến sĩ của các nước được ghi trên sổ vàng, còn Tiến sĩ của Việt Nam được ghi danh trên bia đá, ngàn năm vẫn còn đó.
Nhà Trần, sau những chiến công oai hùng, ba lần đánh bại quân Nguyên Mông - một đế chế mạnh thời đó, đất nước thịnh trị được hơn 100 năm, nhà Trần đã mở mang việc học và thi để đào tạo nhân tài; Quan văn thì có Quốc học viện được thầy giỏi là Chu Văn An làm Tư nghiệp. Quan võ thì có Giảng võ đường nên có tướng mạnh. Lại sớm chăm lo việc viết sử, cho nên ta mới có Bộ "Đại Việt sử Ký" gồm 30 tập do Lê Văn Hưu soạn.
Đến đời Lê Dụ Tông (1341-1369). Sau khi Thượng hoàng Minh Tông qua đời, các trung thần tài ba như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn đã mất, vua thì chơi bời, lười chính sự, các quan thì tham nhũng, cướp bóc, ức hiếp nhân dân, nên để mất lòng dân, triều đình đổ nát, nhân dân cực khổ trăm bề. "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", trộm cướp nổi lên như ong. Chu Văn An dâng "Sớ thất trảm", xin chém 7 tên nịnh thần tham nhũng, hiếp đáp nhân dân. 7 tên gian thần đó là:
- Mai Thọ Đức (Hoạn quan chi hậu cục)
- Trâu Canh (Ngự y - người Hán bị bắt thời đánh quân Nguyên)
- Bùi Khoan (Chánh chương Phụng y)
- Nguyễn Thanh Lương (Hành khiển tả y Lang Trung)
- Tâm Đức Ngưu (Hành khiển hữu y, Hữu Bộc Xạ)
- Đoàn Nhữ Cầu (Đồng Binh chương sự)
- Văn Hiến Hầu (Can tội gây bè đảng, chia rẽ các đại thần, vu cho Quốc Trượng (bố vợ vua) làm phản để mưu giết oan Trần Quốc Chẩn là bố Hoàng hậu Lê Thánh, vợ vua Minh Tông).
Người đời sau đánh giá về "Thất trảm sớ":
- Ngô Sĩ Liên (Đại Việt sử ký toàn thư): "Người sau nghìn năm nghe phong thái của ông há kẻ điêu ngoa không thành liêm chính, kẻ hèn nhát không tự lập sao".
- Cao Bá Quát: "Cô trung sấm sét không sờn chí
Thất trảm yêu ma phải rợn lòng".
Khi "Thất trảm sớ" dâng lên, vua không nghe, Chu Văn An liền treo Ấn từ quan, về núi Phượng Hoàng ở ẩn. Ông tiếp tục dạy học, nghiên cứu thuốc nam chữa bệnh cho dân quanh vùng và làm thơ. Thơ ông chủ yếu ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và tâm sự của người ở ẩn, ông có hai tập "Quốc Ngữ thi tập" và "Tiều ẩn thi tập".
Khi ông qua đời (18/01/1370), được vua Trần tôn vinh là "Vạn thế sư biểu" (Người thầy mẫu mực của muôn đời) và cho đặt tượng ở thờ ở Văn Miếu cùng nơi thờ Khổng Tử.
Trên đền thờ Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng đã khắc bốn chữ VẠN THẾ SƯ BIỂU rất to.
Năm 2019, Nghị quyết của UNESCO về Chu Văn An ghi rõ:
Tổ chức lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An, nhà sư phạm (1292-1370) Việt Nam (với sự ủng hộ của Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan).
Thật là một vinh dự lớn cho ngành giáo dục và cho dân tộc Việt Nam./.