(Tổ Quốc) - Làm thế nào để nông nghiệp bền vững trong bình thường mới và ai sẽ được hưởng lợi? Đây là câu hỏi được nhiều nhà khoa học hàng đầu thảo luận và giải đáp.
Ngày 19/12, trong chuỗi sự kiện thuộc tuần lễ Khoa học công nghệ do Quỹ VinFuture tổ chức, chương trình tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" với chủ đề Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới đã được tổ chức.
Phiên thảo luận có sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới như GS Ermias Kebreab, Phó Trưởng khoa Phụ trách Hợp tác Toàn cầu của khoa Khoa học Nông nghiệp và Môi trường thuộc ĐH California, Davis, thành viên HĐ Sơ khảo VinFuture;
GS Pamela Ronald tại Khoa Bệnh học Thực vật và Trung tâm Bộ gen, Giám đốc của Viện nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp, ĐH California, Davis;
GS Josse De Baerdemaeker, nguyên Chủ tịch của EurAgEng, Hiệp hội Nông nghiệp Kỹ thuật châu Âu; GS Claudia Wagner-Riddle - Giáo sư khoa Khoa học Môi trường, Đại học Guelph, Canada;
TS Van Schepler-Luu – Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và Tính kháng của cây ký chủ tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI).
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, gần một nửa dân số ở các nước đang phát triển dựa vào nông nghiệp để kiếm sống và có 75% người nghèo trên thế giới sống ở các vùng nông thôn.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhưng sản xuất sông nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Vậy, đâu giải pháp nào cho nông nghiệp có thể cân bằng và phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp cũng như đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu?
Thực tế, yếu tố quan trọng để làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng, cũng như thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Duy nhấn mạnh: "Thách thức này đòi hỏi các quốc gia phải có hướng đi mới, giải pháp mới đột phá và chỉ có khoa học - công nghệ mới giải quyết được".
GS Ermias Kebreab tại Khoa học Động vật tại ĐH California, Davis, Thành viên HĐ Sơ khảo VinFuture, cho biết, theo Thỏa thuận Paris, nếu không hạn chế 1,5 độ tới năm 2050 thì chúng ta phải đối mặt với hệ lụy tiêu cực như mưa lũ thất thường, cháy rừng, nước biển dâng... Trận lụt kinh hoàng tại Pakistan là một minh chứng cho thấy nhiều nguồn gây gại mới cho nông nghiệp. Do đó, chúng ta cần thích ứng và có một số cách để xây dựng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng ý với GS Ermias Kebreab, GS Pamela Ronald tại Khoa Bệnh học Thực vật & Trung tâm Bộ Gen tại Đại học California, Davis, chia sẻ, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều thách thức trên toàn cầu, đặc biệt là về ngập úng. Ở Nam Á và Đông Nam Á theo dự đoán, ngập úng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nhữngngười nông dân, gây thất thoát 4 triệu tấn lúa, dẫn tới ảnh hưởng an ninh lương thực.
Ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp: "Chúng ta cần vắc xin"
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong đó, đưa gene chịu ngập vào giống lúa được coi là một trong những giải pháp ưu việt.
GS Pamela Ronald chia sẻ, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã tìm cách tạo ra các giống lúa chịu ngập tốt trong khoảng gian 2 tuần, trong khi các giống lúa khác chỉ chịu 3 ngày. Theo đó, giống lúa có gen Sub1 vừa chịu được ngập, vừa phát triển tốt và cho sản lượng tốt hơn.
"Nếu không có công nghệ thì không cô lập và mang được các bộ gen tốt vào giống lúa mới", GS Pamela nhấn mạnh.
Cũng phân tích về chủ đề này, TS Van Schepler-Luu – Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và Tính kháng của cây ký chủ tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), các dịch bệnh hàng làm giảm 30% năng suất cây trồng hàng năm. Ngoài ra, thuốc trừ sâu cũng làm ảnh hưởng tới cuộc sống và môi trường. Đặc biệt, biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng tới dịch bệnh trong nông nghiệp và gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu.
Do đó, chúng ta rất cần mô hình dự báo toàn cầu, để biết và dự báo khả năng bùng nổ dịch bệnh. Với mạng lưới toàn cầu, các chuyên gia có thể xác định được xu hướng dịch bệnh và nhanh chóng xác định được giống lúa có thể kháng bệnh tật.
Bằng việc xây dựng những quy chế cho phép cây trồng biến đổi gen, chúng ta sẽ dễ dàng sử dụng các loại cây có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt này. Tuy nhiên, theo TS Van Schepler-Luu, việc này sẽ tốn thời gian vì liên quan chuyển giao công nghệ, sự chấp nhận. Vì vậy, ban đầu chúng ta có thể chuyển giao mô hình nhỏ, các hộ gia đình, và sau đó mới mở rộng hơn.
GS Pamela nhận định rằng, trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng không khác gì vắc xin. Đó là chúng ta cần tìm ra biến đổi gen mới, giống mới để thích nghi với thời tiết. Hiện có nhiều nước cho phép biến đổi gen trong cây trồng nhưng một số nước khác vẫn còn chần chừ. Rõ ràng trong đại dịch Covid-19, hồi mới có vắc xin thì nhiều người ngần ngại, nhưng sau đó thực tế đã chứng minh đây là "chìa khóa" thành công.
Ngoài việc biến đổi gen mới cho cây trồng, theo GS Josse De Baerdemaeker, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, để áp dụng AI trong nông nghiệp cần dữ liệu chất lượng, bởi dữ liệu yếu thì không hiệu quả. Bên cạnh đó, cảm biến cũng đòi hỏi thu thập dữ liệu chính xác. Thực tế, có một số cảm biến được khai thác từ vệ tinh, thiết bị bay không người lái hay gắn trên đồng ruộng. Vậy, chúng ta phải xác định chỉ số chung để có chất lượng dữ liệu chính xác.
Ai là người được hưởng lợi từ công nghệ?
Các nhà khoa học đều có chung câu trả lời, đó là người nông dân. Theo GS Pamela, đơn cử như việc ứng dụng giống lúa có gen chống ngập ở Đông Ấn Độ đã cho thấy kết quả bất ngờ. Có nhiều vùng đất thâp ở Ấn Độ thường xuyên bị ngập là nơi sinh sống của người nghèo, dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, sau khi trồng giống lúa có gen Sub1, sản lượng thu hoạch cao hơn 45% và mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
"Nông nghiệp càng phát triển thì càng ít người dân nghèo đói", GS Pamela nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo GS Claudia Wagner-Riddle, có một số điểm cần phải lưu ý. Người nông dân hay tư duy là trước nay vẫn làm thế, thay đổi làm gì. Vậy, chúng ta cần quay lại việc nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ, các mô hình khác nhau cho mọi người. Chẳng hạn, việc đầu tư vào bẫy carbon giúp cải thiện năng suất trong dài hạn, đồng thời giữ nước tốt và mang lại sản lượng tốt hơn.
Do đó, các chuyên gia cần đưa ra ví dụ cho người nông dân, so sánh các hộ khác nhau, mô hình thành công, cần có người làm thành công tới chia sẻ. Bởi nếu chúng ta chỉ nói suông thì họ sẽ không tin.
Vào 20h tối hôm nay (20/12), lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh - sẽ được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global.