• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vaccine phòng Covid-19:Trung Quốc đặt ưu tiên đối tượng cần tiêm phòng trước hết

Thế giới 15/09/2020 14:07

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đặt ra ưu tiên sử dụng vaccine cho các đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất vì dịch bệnh.

"Không phải bất kỳ người dân Trung Quốc nào đều cần phải dùng đến vaccine phòng Covid-19 trong giai đoạn này", một quan chức y tế đứng đầu Bắc Kinh nói, đồng thời cho hay, Trung Quốc sẽ ưu tiên vaccine dành cho đội ngũ y tế ở tuyến đầu và những người dân trong nhóm rủi ro cao vì dịch bệnh.

Vaccine phòng Covid-19:Trung Quốc đặt ưu tiên đối tượng cần tiêm phòng trước hết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Các nhà hoạch định chính sách cũng bày tỏ tin tưởng về khả năng khống chế virus của Trung Quốc trong cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine và dự báo sẽ có vaccine trong thời gian sớm nhất.

"Kể từ khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc vẫn duy trì chống chọi với các tác động của dịch bệnh", hãng thông tấn nhà nước China News Service trích dẫn lời ông Gao Fu – Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc (CDC) nói tại thượng đỉnh vaccine ở thành phố Thâm Quyến khẳng định.

"Các lập luận về việc tiến hành tiêm chủng toàn dân là một trong các nỗ lực cân bằng giữa rủi ro và lợi ích, trong đó bao gồm cả chi phí và tác dụng phụ. Hiện tại, tôi cho rằng chưa cần thiết phải tiến hành tiêm chủng hàng loạt trong giai đoạn này mặc dù quá trình này có thể thay đổi nếu một giai đoạn bùng phát khác diễn ra", ông Gao cho biết.

Theo hãng CNN, động thái này cho thấy chính sách của Trung Quốc khác với phương Tây, đặc biệt là Australia trong kế hoạch triển khai đợt tiêm chủng toàn dân.

Số lượng các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đã giảm đáng kể so với mùa xuân năm nay. Dịch bệnh đã bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc nhưng nước này đã nhanh chóng sử dụng các biện pháp phong tỏa và tiến hành xét nghiệm hàng loạt.

Ông Gao nói rằng, bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào cũng sẽ đặt ưu tiên cho những người ở tuyến đầu chống dịch, bao gồm các nhân viên y tế, người dân Trung Quốc làm việc ở nước ngoài tại các điểm nóng dịch bệnh và những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như nhà hàng, trường học hoặc khu vực dịch vụ vệ sinh.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã ghi nhận 10 trường hợp xác nhận có triệu chứng mới của bệnh Covid-19, trong đó các trường hợp này đều từ nước ngoài về nước.

Cuộc chạy đua vaccine toàn cầu

Hiện tại, Trung Quốc liên tục là một trong số các quốc gia đi đầu trong cuộc chạy đua phát triển vaccine phòng bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của ngành công nghiệp vaccine Trung Quốc trong giai đoạn 2018-2020, Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và tiêu thụ vaccine lớn nhất thế giới, có khả năng cung cấp hơn một tỷ liều vaccine hàng năm từ 40 nhà sản xuất trong nước.

Trong số hơn 30 vaccine COVID-19 đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người thì có tới 9 loại vaccine đến từ Trung Quốc. Và 4 trong số 9 ứng viên vaccine của Trung Quốc hiện trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Chỉ trong tuần trước, Đại học Hong Kong đã thông báo rằng thử nghiệm lâm sàng của vaccine Covid-19 dạng xịt mũi do Khoa Vi sinh của trường và các viện nghiên cứu ở Đại lục đồng phát triển đã được phê duyệt.

Trung Quốc đã sẵn sàng đưa ra một số loại vaccine trước khi chứng minh tính hiệu quả đầy đủ. Vào cuối tháng Sáu, Bắc Kinh đã phê duyệt loại vaccine thử nghiệm sử dụng trong quân đội. Từ tháng Bảy trở đi, nước này đã sử dụng loại vaccine thử nghiệm khác trên người dành cho các đối tượng có công việc chịu rủi ro cao, bao gồm các chuyên gia y tế và quân nhân biên phòng. Hiện chưa có loại vaccine nào hoàn thành ở giai đoạn 3.

Các quốc gia khác cũng đang trong cuộc chạy đua phát triển vaccine. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết chính phủ nước này đang xem xét cấp phép khẩn cấp cho các ứng viên vaccine phòng Covid-19 trước khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba.

Ông Gao nói rằng ông đã thực hiện tiêm vaccine thử nghiệm trong tháng Bảy – động thái này nhằm nâng cao niềm tin của công chúng vào vaccine, tờ Global Times trích dẫn. Các chuyên gia cũng khẳng định, công tác tiêm phòng là chìa khóa cho các quốc gia nhằm phòng ngừa bệnh Covid-19, tránh mức độ lây lan trên diện rộng.

"Khả năng miễn dịch được đánh giá là rất thấp. Và ở nhiều nơi trên thế giới, các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực tiêm chủng vaccine phòng bệnh", ông Ivan Hung – chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Hong Kong cho biết vào cuối tháng Tám.

Tuy nhiên, ông Gao cũng nhấn mạnh rằng việc phát triển vaccine vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu các rủi ro thường gặp phải trong tác dụng phụ.

"Vì chưa từng có vaccine phòng Covid-19 phát triển trước đây nên đây là nghiên cứu đầu tiên trong khoa học. Hiện tượng ADE ( hay còn gọi là hiện tượng tăng cường bệnh lý phụ thuộc kháng thể) là các phản ứng chúng ta phải đối mặt trong nghiên cứu vaccine, ông Gao khẳng định.

ADE là hiện tượng khi kháng thể tạo điều kiện cho virus thâm nhập vào tế bào và nhân lên khiến cho quá trình điều trị bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

"Nghiên cứu khoa học là một quá trình nghiêm túc và các nhà khoa học vẫn cần phải có thêm thời gian nghiên cứu chuyên sâu hơn", ông Gao lên tiếng.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ