• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vai trò mới của dân số già trong kỷ nguyên số: 'Cơ hội vàng' cần được khai thác

Thế giới 06/07/2022 11:15

(Tổ Quốc) - Hình ảnh khuôn mẫu về người lớn tuổi cần phải thay đổi khi dân số thế giới tiếp tục già đi. Tiến sĩ Kelvin Tan của Đại học khoa học xã hội Singapore cho biết: Người già sẽ chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động nước này và phân khúc sản phẩm phục vụ người tiêu dùng lớn tuổi cũng sẽ tiếp tục gia tăng.

Đến năm 2030, khoảng 1/4 người Singapore sẽ từ 65 tuổi trở lên và dẫn đến những thách thức về dân số già. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội khi các nhà chính sách và kinh tế đánh giá đúng tình hình, theo đánh giá của trang CNA.

Như Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã nói vào ngày 28/6 khi ông phát động chương trình tập thể dục Forward Singapore: "Chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội".

Một trong những cơ hội như vậy là hướng đến nền kinh tế phục vụ người lớn tuổi bằng cách khai thác thói quen tiêu dùng mới của người già. Tại Nhật Bản, "quần bỉm thấm hút" dành cho người cao tuổi đã bán chạy hơn tã trẻ em kể từ năm 2013. Một báo cáo của Financial Times ước tính điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2025. Các nhà phát triển công nghệ cũng đang bắt đầu phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp những người mắc chứng tiểu không tự chủ.

Trong bối cảnh các yếu tố như đời sống sung túc hơn, giáo dục, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc và công nghệ được cải thiện đang giúp con người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, số năm người dân Singapore được kỳ vọng sống trong tình trạng sức khỏe tốt đã tăng lên 72,6 tuổi đối với nam giới và 75,8 đối với nữ giới.

Vì vậy, cấu trúc xã hội khuôn mẫu rằng một người già yếu phải phụ thuộc hoàn toàn vào thế hệ trẻ để sinh tồn lúc này cũng cần phải thay đổi.

Nền kinh tế phục vụ người cao tuổi kỳ vọng tăng trưởng mạnh

Trước hết, về mặt lao động, những người lao động lớn tuổi dự kiến có thể tiếp tục làm việc thêm nhiều năm nữa. Một số công ty, như Prudential Singapore, đã loại bỏ hoàn toàn tuổi nghỉ hưu để cho phép nhân viên lớn tuổi tiếp tục làm việc.

Và cùng với việc tiếp tục cống hiến, nhu cầu chi tiêu của họ cũng tiếp tục gia tăng. Theo phân tích của Monitor Deloitte, đến năm 2030, thế hệ người cao tuổi của Singapore dự kiến sẽ chi tiêu gần 150 tỷ USD.

Vai trò mới của dân số già trong kỷ nguyên số: 'Cơ hội vàng' cần được khai thác - Ảnh 1.

Người cao tuổi trong xã hội hiện đại vẫn có thể tiếp tục đóng góp và trở thành một động lực phát triển của nền kinh tế. Ảnh: IStock.

Hiện tại, các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe (chẳng hạn như các bệnh mãn tính và không lây nhiễm), bảo hiểm và công nghệ đã nhận ra tiềm năng to lớn của thế hệ này.

Tại Châu Á Thái Bình Dương, nền kinh tế phục vụ người cao tuổi dự kiến đạt 4,6 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng 43% so với năm 2020, theo một nghiên cứu năm 2020 của Aging Asia. Các doanh nghiệp có thể thiết kế các dịch vụ và sản phẩm cho người lớn tuổi, trong đó có chú ý đến sự khác biệt của nhóm tuổi này về trải nghiệm mua sắm, tiếp thị thương hiệu, bao bì, dinh dưỡng và sức khỏe.

Nhân khẩu học của những người lớn tuổi cũng không đồng nhất khi nhiều người cao tuổi vẫn sống cùng gia đình và những người khác thì sống tự chủ, độc lập hay ở viện dưỡng lão. Một mục tiêu quan trọng là đáp ứng nhu cầu và mong muốn của những người lớn tuổi muốn sống tự chủ và giúp họ duy trì khả năng tự sinh tồn.

Ví dụ, sau đại dịch, người tiêu dùng lớn tuổi sẽ muốn có những chuyến du lịch mới và trải nghiệm an toàn hơn. Có thể là những người bạn già đi nghỉ cùng nhau, hoặc cha mẹ già đi du lịch cùng gia đình và do đó các công ty du lịch có thể tìm hiểu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Một số công ty táo bạo thậm chí còn cung cấp các gói dịch vụ "chống lão hóa", bao gồm các liệu trình spa, trị liệu nếp nhăn và trang điểm.

Người cao tuổi đóng nhiều vai trò trong thế giới số

Nhiều tiến bộ công nghệ mới đang được phát triển có thể giúp người cao tuổi sống độc lập và tự chủ. Ví dụ, các sản phẩm trò chơi thông minh như Trò chơi Kinect và ô LED tương tác có thể giúp người lớn tuổi vui vẻ và vẫn duy trì được sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nhiều tiện ích khác cũng có thể được tích hợp vào hệ thống công nghệ chung của một gia đình để vừa hỗ trợ người cao tuổi và vừa giúp các thành viên khác trong gia đình cập nhật được tình hình của họ và cảm thấy yên tâm hơn. Hiện tại, công nghệ trợ lý ảo có thể giúp người lớn tuổi đặt lời nhắc cho các công việc trong ngày và thích nghi với thế giới kỹ thuật số mà chúng ta đang sống. Các loại cảm biến khác nhau cũng có thể giúp kiểm soát ánh sáng, âm thanh hoặc nhiệt độ, tăng cường độ an toàn khi sử dụng thiết bị cũng như phát hiện hành vi bất thường trong trường hợp người sử dụng gặp sự cố.

Tại Nhật Bản, robot xã hội đã được triển khai để hỗ trợ cuộc sống của người lớn tuổi. Paro, một robot trị liệu, đang là một trong những robot phổ biến nhất đối với những người mắc chứng sa sút trí tuệ.

Một robot khác là LOVOT cũng được thiết kế để trở thành một người bạn đồng hành về mặt "tình cảm". LOVOT sử dụng AI để nhận ra và phản ứng với cảm xúc của người dùng và giúp giải tỏa sự cô đơn và trầm cảm.

Các dịch vụ chăm sóc y tế qua điện thoại hay mạng Internet cũng có khả năng phát triển mạnh hơn nữa để người lớn tuổi có thể được chăm sóc sức khỏe từ xa, tiết kiệm thời gian và công sức đến phòng khám và vẫn có thể chăm sóc được các vấn đề sức khỏe thường ngày.

Một giải pháp của công ty Orbit Health tại Đức đang giúp các bệnh nhân Parkinson tận dụng sức mạnh của AI và cảm biến để theo dõi các triệu chứng vận động và phản ứng điều trị của họ để xây dựng phác đồ điều trị tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Như vậy, xã hội cần thay đổi tư duy về cách nhìn nhận những người cao niên trong xã hội. Trải nghiệm của thế hệ người cao tuổi mới sẽ rất khác so với các thế hệ trước. Bên cạnh thói quen chi tiêu và lối sống mới, người cao tuổi hiện đại có nhu cầu riêng đối với các kế hoạch tài chính, việc học tập, nâng cao kiến thức và trải nghiệm đời sống của riêng họ.

Khi họ ngày càng được tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ và lối sống số, những người cao niên có thể đóng một vai trò đặc biệt trong việc đồng thiết kế và đồng sáng tạo công nghệ dành riêng cho lứa tuổi của mình. Người cao tuổi không chỉ là đối tượng được phục vụ mà còn là đối tượng phát triển, cống hiến và tiếp tục mang lại giá trị cho xã hội hiện đại.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ