(Tổ Quốc) - Theo Báo cáo minh bạch về bản quyền của YouTube, họ đã nhận được hàng triệu yêu cầu đề nghị gỡ các video vi phạm bản quyền
YouTube đã xuất bản Báo cáo minh bạch bản quyền đầu tiên để làm sáng tỏ những nỗ lực thực thi bản quyền trên nền tảng của mình.
Dựa trên dữ liệu của nửa đầu năm 2021, nền tảng video trực tuyến hàng đầu thế giới YouTube đã đánh giá ba công cụ chính tạo nên bộ quản lý bản quyền của mình: biểu mẫu web, tất cả mọi người đều có quyền truy cập; Công cụ đối sánh bản quyền, hỗ trợ người dùng tìm các nội dung được đăng tải lại và gửi yêu cầu gỡ xuống thường xuyên; và hệ thống Content ID hỗ trợ các chủ sở hữu bản quyền, như hãng phim và hãng nhạc, những người gặp phải tình trạng bị đăng tải tài liệu nhiều lần.
Thực trạng tỷ lệ vi phạm bản quyền trên YouTube
YouTube cho biết trong khoảng thời gian sáu tháng đầu năm nay, phần lớn các yêu cầu xóa và xác nhận quyền sở hữu đến từ hệ thống phát hiện tự động bằng các công cụ Đối sánh bản quyền và Content ID của họ. Hơn 1,6 triệu yêu cầu xóa đã được thực hiện bằng Công cụ đối sánh bản quyền, trong khi hơn 722 triệu yêu cầu xác nhận quyền sở hữu được thực hiện thông qua Content ID, chiếm hơn 99% tất cả các hành động liên quan tới vi phạm bản quyền trên YouTube.
YouTube, nền tảng video do Google sở hữu, cũng đo lường tần suất các nhà phát triển nội dung phản đối việc xóa video và các tranh chấp nhầm lẫn trên hệ thống Content ID, đồng thời đưa ra số lượng các tranh chấp phát sinh trên Content ID. Theo đó, trong nửa đầu năm 2021, chưa đầy 1% các xác nhận quyền sở hữu qua Content ID bị lôi vào các vụ tranh chấp và hơn 60% phán quyết trong các vụ tranh chấp này nghiêng về phía có lợi cho người tải dữ liệu lên.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng hơn 8% video được yêu cầu xóa thông qua biểu mẫu web công khai trong nửa đầu năm là đối tượng của các yêu cầu xóa vì vi phạm bản quyền. Những yêu cầu này cũng bị nhóm phân tích của YouTube đánh giá là có khả năng tuyên bố sai quyền sở hữu bản quyền.
Báo cáo cho biết: "Tỷ lệ tuyên bố sai này cao hơn 30 lần so với các công cụ khác có quyền truy cập hạn chế, như Công cụ đối sánh bản quyền và Biểu mẫu web doanh nghiệp, những nơi chỉ có 0,2% hoặc thấp hơn bản quyền bị xác nhận sai".
Trong báo cáo, YouTube cũng làm rõ tỷ lệ yêu cầu xóa video do vi phạm bản quyền trên từng công cụ. Đối với biểu mẫu web, tỷ lệ này là 5,2%, tiếp theo là biểu mẫu web doanh nghiệp với tỷ lệ 1,9% và 1,3% đối với công cụ đối sánh bản quyền.
Vấn đề bản quyền trên nền tảng số
YouTube cho biết, báo cáo minh bạch về bản quyền của YouTube sẽ được xuất bản định kỳ 6 tháng trong năm, đồng thời tuyên bố rằng những phát hiện này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cách các công cụ của nền tảng này hoạt động trên quy mô lớn.
"Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng YouTube vẫn là một cộng đồng sôi động với các hệ thống mạnh mẽ để cho phép chủ sở hữu bản quyền quản lý nội dung của họ trên YouTube và chúng tôi mong đợi bản cập nhật tiếp theo của Báo cáo minh bạch bản quyền", công ty viết trong một bài đăng trên blog.
Đây là bản Báo cáo minh bạch đầu tiên được phát hành sau ba năm kể từ khi các quy tắc về bản quyền internet được điều chỉnh ở nhiều nơi trên thế giới. Vào đầu năm 2019, 384 chính trị gia châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ 'Chỉ thị về bản quyền trong thị trường kỹ thuật số'. Nghị viện châu Âu vào thời điểm đó cho biết chỉ thị này nhằm đảm bảo rằng luật bản quyền cũng được áp dụng cho internet. Văn bản này cũng xác nhận rằng YouTube, Facebook và Google News sẽ là một số cái tên bị "ảnh hưởng trực tiếp nhất" bởi những điều chỉnh này.
Châu Âu cũng cho rằng những điều chỉnh của họ nhằm mục đích giúp các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và tác giả kịch bản, cũng như các nhà xuất bản tin tức đàm phán các thỏa thuận tốt hơn để giao dịch các tác phẩm của họ trên nền tảng internet. Luật pháp sẽ buộc các nền tảng internet chịu trách nhiệm trực tiếp đối với nội dung được tải lên các trang web của họ.