• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa ứng xử trong Showbiz Việt: Từ “cái tôi” đến… “cái tồi”!

Thời sự 01/06/2017 07:52

(Tổ Quốc) - Cái tôi, văn hóa ứng xử của “sao” Việt trong showbiz đang là vấn đề được dư luận quan tâm sau nhiều vụ lùm xùm trong thời gian gần đây. Những hành động, những phát ngôn phản cảm… dù vô tình hay hữu ý cũng làm “hình ảnh” của họ trở nên méo mó và giảm đi rất nhiều giá trị.

 Nghệ sĩ Trung Dân tức giận vì Hương Giang Idol xúc phạm trên truyền hình (ảnh internet)

Gần đây showbiz Việt liên tục “dậy sóng” do các phát ngôn của một số nghệ sĩ trẻ đối với bậc “tiền bối” cùng nghề trên truyền hình, trên báo chí và đặc biệt là trên mạng xã hội. Đó là văn hóa ứng xử không thể tồi hơn và cũng không thể biện minh đối với những người làm và hoạt động trong môi trường nghệ thuật.

 Khoan hãy bàn đến chuyện ai đúng, ai sai nhưng việc xúc phạm, chửi bới, lăng mạ coi thường người khác trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách công khai và nặng nề là  không thể chấp nhận được.

Từ “cái tôi” quá lớn

Cách đây ít lâu dư luận “ngỡ ngàng” khi Hương Giang Idol “nhả miếng” nghệ sĩ Trung Dân trong chương trình gameshow Siêu sao đoán chữ. Sự việc đã tốn không ít giấy mực của báo giới và làm cho người hâm mộ không ít hoang mang về văn hóa ứng xử của sao Việt. Điều đáng nói là nếu Hương Giang Idol kịp thời xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân ngay sau khi “lỡ lời” thì sự việc sẽ không ồn ào như vậy.

Song! Có lẽ, vì “cái tôi” quá lớn của mình cô vẫn bảo lưu ý kiến của mình, chỉ khi bị dư luận và công chúng chỉ trích mới đăng đàn xin lỗi.  Tuy nhiên, những lời xin lỗi, dù thật lòng hay khiên cưỡng thì giá trị của nó cũng không còn… nguyên nghĩa.

Hay câu chuyện đang nóng trên các trang báo trong vài ngày qua khi cựu người mẫu, ca sĩ Trang Trần (cùng ca sĩ Pha Lê) “hốt nước vào mặt” nghệ sĩ Xuân Hương trên Facebook chỉ vì lời bình “vô văn hóa quá”. Cách hành xử của Trang Trần có thể coi là thiếu suy nghĩ và ngông cuồng, dù nghệ sĩ Xuân Hương đã lên tiếng khẳng định trang Facebook trên đã mạo danh chị.

Cũng cần phải nói thêm về sự việc danh hài, MC Trấn Thành bị một Đài truyền hình “cấm sóng” vì diễn hài nhảm, hài tục cách đây vài tháng. Thay vì rút kinh nghiệm và sửa đổi, danh hài này còn hùng hồn tuyên bố: “ Nếu khán giả không thích thì có thể tắt ti vi…”. Đây cũng là một hành động coi thường khán giả không thể biện minh.

Vẫn biết những người nghệ sĩ kia coi trọng “cái tôi” của mình nhưng việc coi trọng “cái tôi” của mình đến mức cực đoan và ngông cuồng dẫn tới việc xúc phạm những bậc tiền bối hoặc coi thường khán giả như vậy xứng đáng bị lên án, chỉ trích. Bởi vậy, tiền nhân có câu: “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” vẫn còn nguyên giá trị.

 Danh hài Trấn Thành từng bị Đài TH Vĩnh Long “cấm sóng” vì có hành động coi thường khán giả (ảnh internet)

 Cho đến  “cái tồi” không nhỏ

Trước hết cái tôi là gì? Cái tôi là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội, được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài như môi trường sống và sự giáo dục. Bởi vậy, cái tôi mang tính khách quan. Hay nói cách khác, cái tôi chính là cái riêng được cá thể hóa của mỗi con người trong một cái chung tổng thể của toàn xã hội.

Đối với giới văn nghệ sĩ, những người được coi là có cái tôi rất lớn bởi chính cái tôi ở một mức độ nào đó đã làm nên “thương hiệu” của  họ trong nghệ thuật. Nhưng chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ khái niệm “cái tôi cá tính” và cái tôi bảo thủ. Giá trị bền vững của người nghệ sĩ chính là cá tính sáng tạo, là cá tính nghệ thuật, là tài năng của mình chứ không phải bằng những “chiêu trò”, những scandal… để đánh bóng tên tuổi hay gây sự chú ý đối với dư luận và công chúng.

Khi cái tôi của người nghệ sĩ đứng lên trên tất cả các giá trị văn hóa, giá trị đạo đức thì nó đã trở thành “cái  tồi”  theo đúng nghĩa đen của từ này. Và trong giới văn nghệ sĩ, ranh giới giữa nổi tiếng và tai tiếng dường như rất mong manh.

Những hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật xưa nay vẫn được coi là những người của công chúng, có sức lan tỏa và ảnh hưởng trong xã hội. Nhưng những hành động, những phát ngôn ngông cuồng, phản cảm, vô văn hóa  của họ vô tình đã làm đau lòng người khác. Hình ảnh của họ trong mắt công chúng từ đó cũng trở thành méo mó và giảm đi rất nhiều giá trị.

Thiết nghĩ, bên cạnh tài năng, nền tảng văn hóa nói chung và văn hóa ứng xử  nói riêng  của người nghệ sĩ chính là thước đo quan trọng vị trí của họ trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.

Phạm Sinh

NỔI BẬT TRANG CHỦ