(Tổ Quốc) - "Ngày thứ Hai đen tối" của Iran chính thức bắt đầu, khi các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ có hiệu lực vào ngày 5/11.
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ lên Iran chính thức có hiệu lực vào ngày 5/11 (ảnh: Sputnik)
Hôm thứ Hai (5/11), các lệnh trừng phạt mới của Mỹ lên Cộng hòa Hồi giáo Iran bắt đầu chính thức có hiệu lực. Hãng tin Nga Sputnik dẫn lời ông Seyyed Saeed Mirtorabi Hosseini - một nhà phân tích người Iran chuyên về lĩnh vực dầu mỏ và khí gas, đến từ Đại học Kharazmi nhận định, nước Mỹ sẽ không thể đạt được các mục tiêu của mình, và dừng hoàn toàn việc xuất khẩu dầu của Iran. Nguyên nhân chính được ông Mirtorabi đưa ra là, các nhà nhập khẩu dầu chủ chốt của Iran đã tuyên bố, họ sẽ tiếp tục hợp tác với Cộng hòa Hồi giáo.
"Đề cập tới dầu mỏ, nước Mỹ đã bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên, tổ chức thảo luận với một số nhà nhập khẩu dầu của Iran và cố gắng khiến các nước này hoặc là cắt giảm hoặc dừng hoàn toàn mua dầu từ Iran. Tuy nhiên, thực tế là Mỹ sẽ không thể giảm mức bán dầu của Iran xuống con số không, bởi vì Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu đã nói rõ rằng, họ sẽ không ngừng hoạt động nhập khẩu dầu từ Iran. Trung Quốc không giảm giá trị các hợp đồng mua, chỉ có Nhật Bản đã thu hẹp mức nhập khẩu dầu mỏ của Iran, nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn đưa ra quyết định cuối cùng", ông Mirtorabi nói.
Tehran đã có kinh nghiệm từ trước, và có thể bán được một số lượng dầu lớn theo các cách không chính thức.
Seyyed Saeed Mirtorabi Hosseini
Chuyên gia về dầu mỏ và khí gas cũng tin tưởng, nếu sự sụt giảm trong sản lượng dầu xuất khẩu của Iran là 1 triệu thùng/ngày, thì mức giảm cũng sẽ được bù đắp bởi những hợp đồng xuất khẩu không chính thức của chính phủ Iran.
"Có thể giá trị mua dầu của Iran sẽ giảm từ 1 – 1,5 triệu thùng/ngày. Điều này có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế, cũng như tạo ra các áp lực tâm lý lên Iran," ông chỉ ra. "Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, chính phủ Iran đã tuyên bố, họ sẽ tiếp tục bán dầu theo nhiều cách khác nhau. Tất nhiên Iran không cần phải công khai các kế hoạch của mình. Tehran đã có kinh nghiệm từ trước [khi Iran còn đang chịu trừng phạt quốc tế trước năm 2015 – pv], và có thể bán được một số lượng dầu lớn theo các cách không chính thức".
Theo ông Mirtorabi, khó có thể đưa ra các ước tính tài chính cụ thể. Mặc dù vậy, ông đánh giá các lệnh trừng phạt mới của Mỹ không khắc nghiệt như những gì nó thể hiện ở bề ngoài.
Lệnh trừng phạt mới mang tính biểu tượng nhiều hơn?
Trong khi đó, Tiến sỹ Peyman Molavi từ Hiệp hội kinh tế Iran lưu ý, một số lệnh trừng phạt đã được công bố; do đó, lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ có tính biểu tượng nhiều hơn. Ông cho hay, ngân hàng sẽ là ngành đầu tiên cảm nhận được các tác động tiêu cực đến từ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, trong tương lai, với cơ chế linh hoạt của mình, Iran có thể vượt qua được thách thức này.
"Trong lĩnh vực ngân hàng, chi phí của giao dịch tài chính quốc tế đang tăng cao, và liên hệ với các ngân hàng đang thu hẹp. Việc gia tăng chi phí vận hành tài chính tạo ra một số khó khăn cho các công ty Iran", vị Tiến sỹ giải thích.
Theo ông, mục tiêu của các lệnh trừng phạt là hình thành các áp lực không chỉ lên nền kinh tế mà còn cả dân số. "Khi chúng ta nói về trừng phạt chống lại Nga hay bất kỳ quốc gia nào, không chỉ nền kinh tế mà cả những người dân thường cũng sẽ bị ảnh hưởng," ông Molavi nói. "Người dân sẽ là những người đầu tiên cảm thấy các ảnh hưởng của đầu tư sụt giảm, nội tệ biến động… Chính sách đúng đắn của chính phủ có thể xoa dịu cú sốc và giảm áp lực lên người dân".
Đề cập đến khả năng Liên minh châu Âu hỗ trợ Iran giải quyết các khó khăn, ông Molavi nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt làm gia tăng các nguy cơ liên quan tới đầu tư vào Iran. Nó dẫn tới sự sụt giảm độ tín nhiệm của quốc gia này trên cấp độ quốc tế và nhu cầu hàng hóa – dịch vụ từ Iran cũng sẽ tuột dốc. "Lệnh trừng phạt mới sẽ có một ảnh hưởng tiêu cực lên đầu tư của các dự án nước ngoài. Có những người tại Iran cũng muốn đầu tư. Họ đang đợi để xem, liệu các lệnh trừng phạt sẽ dẫn đất nước đi tới tình trạng nào", chuyên gia kinh tế phân tích.
Ngoài ra, ông Molavi cũng nhận định, nếu Iran có thể vượt qua các lệnh trừng phạt và bán được 1 triệu thùng dầu/ngày, thì cú sốc đối với nền kinh tế của nước này sẽ được giữ ở mức tối thiểu.
Sau khi tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA – hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran), Mỹ cũng đồng thời công bố tái áp dụng trừng phạt lên Iran, và các lệnh trừng phạt mới đặc biệt nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước Hồi giáo. Nói về các lệnh cấm, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Tehran sẽ tiếp tục bán dầu bất chấp việc các trừng phạt từ Mỹ chính thức có hiệu lực vào ngày 5/11.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (ảnh: getty)
Thứ Sáu tuần trước (2/11), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ áp dụng miễn trừ tạm thời cho 8 quốc gia và cho phép họ được tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran sau ngày 5/11. Theo ông Pompeo, hai quốc gia trong danh sách này đã đồng ý sẽ cắt giảm đáng kể số lượng dầu mua của Iran, trong khi hai nước khác đang lên kế hoạch dừng hoàn toàn việc nhập khẩu từ quốc gia Hồi giáo.