• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vi phạm bản quyền trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Văn hoá 19/10/2024 10:12

(Tổ Quốc)- Trong bối cảnh công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 diễn ra, hoạt động lưu trữ và xây dựng trung tâm thư viện tài liệu số là sự tất yếu để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người học, người dạy, người nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức về bản quyền tác giả với các tài liệu số.


Vi phạm bản quyền trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học - Ảnh 1.

Hội thảo của Cục bản quyền tác giả về Bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học diễn ra ngày 18/10/2024 tại Hà Nội.

Vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến trong giáo dục

Tại hội thảo ngày 18/10/2024 do Cục bản quyền tác giả tổ chức về Bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ThS. Trần Quang Trung, Khoa Luật, trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã nêu rõ tình trạng sao chép học liệu trong các trường đại học hiện nay diễn ra khá tùy tiện, trái pháp luật, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà trường. Điều này không chỉ gây phương hại đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tác giả mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, đào tạo bậc đại học.

"Dù chỉ sao chép một phần hay toàn bộ tác phẩm với mục đích học tập vẫn bị xác định là xâm phạm quyền tác giả. Tình trạng photocopy làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác bình thường tác phẩm của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, bởi lẽ giá thành photocopy tác phẩm sẽ rẻ hơn giá mua bản sao tác phẩm hợp pháp. Do đó, chắc chắn nhiều người sẽ lựa chọn hình thức photocopy tác phẩm hơn là mua tác phẩm." – ThS Trần Quang Trung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên (ĐH Luật TP HCM) cũng cho biết, Trung tâm Thông tin – Thư viện, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quyền tác giả, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý thư viện như mã hoá, giới hạn quyền truy cập, thường xuyên kiểm tra, bảo trị hệ thống an ninh… Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những hành vi tấn công, xâm nhập và sao chép trái quy định của người học, cá biệt còn có những trường hợp sử dụng với mục đích trục lợi, kinh doanh. Giám đốc trung tâm cũng nhấn mạnh việc kiểm soát hoàn toàn truy cập không dễ dàng, gần như là "bất khả thi" vì còn phụ thuộc vào ý thức của người học.

Theo ThS Nguyên, các trường đại học chưa chặt chẽ trong ý thức bảo vệ bản quyền. Nhiều trường hợp trường học thậm chí còn "tạo điều kiện" cho sinh viên thực hiện hành vi sao chép như Trường học cung cấp dịch vụ cho thuê mực, giấy, máy, kèm theo các quy định riêng của từng thư viện, người học tự sao chép, trả phí sao chép và tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.

ThS. Phạm Thị Mai, Trung tâm Thông tin thư viện, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng nêu rõ người sử dụng chỉ có thể tự sao chép bằng hình thức chép tay mà không được sử dụng thiết bị sao chép một bản nên nếu Thư viện cho phép người sử dụng sử dụng thiết bị sao chép để sao chép một bản cũng được coi là vi phạm quyền tác giả trong hoạt động thư viện.

Bên cạnh đó, nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ thành công luận văn, luận án của mình, họ tiến hành in sách và phát hành. Song đó, trường đại học, nơi họ được đào tạo lại tự ý đưa luận văn, luận án này lên nền tảng kỹ thuật số và truyền đạt đến người học. Hành vi này ảnh hưởng quyền khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo Tiến sĩ Trần Nguyên Cường, Trưởng khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam, trên thực tế, ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, vẫn còn tình trạng xâm phạm quyền tác giả, như: Sao chép trái phép khóa luận, luận văn, luận án… Những hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đó không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ thể quyền tác giả mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục đại học đó.

Trong thời đại công nghệ số, việc vi phạm bản quyền tác giả được thực hiện dễ dàng, dưới những hình thức tinh vi, khó phát hiện, khó xử lý hơn. Thực tế này dẫn đến việc bảo hộ quyền tác giả trong đó có quyền sao chép tác phẩm ở các cơ sở giáo dục đại học ngày càng trở nên khó khăn. Để bảo đảm quyền tác giả được thực hiện đầy đủ, cần có giải pháp đồng bộ từ việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhận thức của cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ.

Vi phạm bản quyền trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo

Cần sớm xây dựng quy định hướng dẫn trong sao chép tác phẩm

Trước thực trạng trên, TS Phùng Thị Yến, giảng viên Khoa Luật (Trường Đại học Ngoại thương) cho biết, quy định về tiêu chuẩn tham khảo hay trích dẫn các nguồn tài liệu hiện vẫn chưa rõ ràng nên đã tạo kẽ hở cho hành vi gian lận trong nghiên cứu khoa học. “Cần thiết phải xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn chung dành cho các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, có quy chuẩn mẫu về phần trăm tài liệu được tham khảo khi thực hiện hoạt động sáng tạo tác phẩm khoa học, nêu rõ cách thức trích dẫn phù hợp để đảm bảo tính nguyên gốc, sự minh bạch khi đưa ra ý kiến hay tham khảo về nội dung khoa học”, TS Phùng Thị Yến đề xuất.

Song song đó, đại diện Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm, cần sớm xây dựng quy định hướng dẫn thế nào là “sao chép hợp lý một phần tác phẩm” trên cơ sở định tính và định lượng, đánh giá đặc trưng của từng nhóm, bản chất của phần tác phẩm được sao chép, tần suất sao chép, mức độ sao chép… Đồng thời, xác định rõ việc này có làm ảnh hưởng đến việc khai thác tác phẩm của chủ thể quyền, làm giảm sút doanh thu của chủ sở hữu quyền tác giả hay không.

Đề xuất thêm các giải pháp, ThS Phạm Minh Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật (Viện Phim Việt Nam) cho rằng, cần triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ về pháp lý, công nghệ và tuyên truyền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền tác giả; cập nhật, thực thi các luật về quyền tác giả để bảo vệ tác phẩm kỹ thuật số; tổ chức cần hỗ trợ tác giả trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm…

Về giải pháp công nghệ, cần sử dụng phần mềm quản lý kỹ thuật số giúp kiểm soát việc sử dụng và phân phối tác phẩm trên không gian mạng, bảo đảm rằng chỉ những người được cấp quyền mới có thể truy cập hoặc sử dụng tác phẩm. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain (chuỗi khối) có thể được sử dụng để tạo ra các bản ghi không thể thay đổi về quyền tác giả, giúp theo dõi nguồn gốc của nội dung và xác minh quyền sở hữu. Ngoài ra, cần áp dụng chữ ký số và mã hóa, công cụ và phần mềm phát hiện vi phạm bản quyền.

“Cuối cùng là nâng cao nhận thức, giáo dục ở các môi trường. Trong đó, điểm nhấn là giáo dục cộng đồng thông qua các khóa học trực tuyến, hội thảo, tài liệu, tổ chức chiến dịch truyền thông; giáo dục về hậu quả của hành vi vi phạm bản quyền”, ThS Phạm Minh Trường cho hay.

Tại hội thảo, có rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên đưa ra hàng loạt các vướng mắc trong việc thực thi quyền tác giả tại các cơ sở đại học hiện nay, đồng thời cũng đưa ra những đề xuất thiết yếu, chủ yếu kiến nghị của các đại biểu tập trung vào 3 vấn đề sau: Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền tác giả nói chung, quyền tác giả nói riêng, tránh những quy định mập mờ dẫn đến suy diễn mâu thuẫn nhau.

Thứ hai, Trường cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng về vai trò của việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến chuyển đổi số ngành thư viện.

Thứ ba, Trường, Thư viện thực hiện tốt các biện pháp dự phòng để đảm bảo hệ thống máy chủ không bị tấn công; tăng cường bảo vệ các thiết bị, tài khoản cá nhân khi sử dụng tài nguyên thông tin số.

Các văn bản pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đã ban hành bao gồm: Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023; Nghị định số 17/2023/NĐ CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ