• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao nhiều người thích sống ở Bắc Cực lạnh lẽo?

Khám phá 29/09/2022 15:55

(Tổ Quốc) - Là khu vực khắc nghiệt nhất trên thế giới, lạnh lẽo và hoang vu, nhưng Bắc Cực vẫn thu hút nhiều người đến đây sinh sống vì những lý do thú vị.

Ai sống ở Bắc Cực?

Không giống như các vùng hoang mạc ở phía nam, hoang mạc Bắc Cực không có cát, thay vào đó là băng và tuyết trải dài đến tận chân trời.

Nhà văn Nga đương đại Yevgeny Grishkovets, người đã tham gia chuyến thám hiểm Bắc Cực vào mùa hè năm 2021, cảm thán: "Bắc Cực luôn có vẻ xa vời, bí ẩn, lạnh lẽo và thậm chí còn nguy hiểm hơn cả vũ trụ. Trải nghiệm này vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Đó là nơi mà mặt trời không lặn mà quay quanh bạn, và đó là đỉnh của thế giới!"

"Ở đây có hai mùa: mùa đông có tuyết, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 5 và mùa đông không có tuyết, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8", Igor Petrenya đến từ làng Chukotka vùng Billings, hiệu phó tại một trường học địa phương.

Billings, nằm trên bờ biển Đông Siberi, có dân số dưới 200 người. Tất cả đều làm đồ thủ công truyền thống để kiếm sống hoặc làm việc tại trạm thời tiết. Trung tâm hành chính, thị trấn Pevek, cách đó khoảng 400 km. Ngôi làng được bao quanh tứ phía bởi vùng đất hoang vu.

Đây là một trong những khu vực khắc nghiệt nhất để sinh sống trên thế giới. Hãy tưởng tượng rằng mặt đất được bao phủ bởi tuyết gần như quanh năm và chỉ vào mùa hè nhiệt độ mới tăng lên trên 0 độ một chút.  

Đêm vùng cực kéo dài từ 3 đến 4 tháng và được thay thế bằng ngày vào mùa hè. Do thiếu thảm thực vật và gần đại dương, những cơn gió ở đây đủ mạnh để đánh gục bạn.

Ngay cả trong tháng 8, vào cao điểm của "mùa nóng", nhiệt độ không tăng quá 10 độ C. Trận tuyết đầu tiên rơi vào đầu tháng 9 và kéo dài cả mùa đông.

"Nói chung, tôi thích khí hậu địa phương", Igor nói. "Tôi không thích thời tiết nóng nực. Đây chính là nơi không có thứ đó". Tuy nhiên, anh thừa nhận rằng mình nhớ những khu rừng.

Điều khiến cho hoang mạc Bắc Cực tương tự như các hoang mạc phía nam không chỉ là địa hình bằng phẳng không có cây cối hay bụi rậm, mà còn là không khí khô, thậm chí còn khô hơn ngoài Vòng Bắc Cực.

Một đặc điểm thú vị của hoang mạc Bắc Cực là có rất nhiều tĩnh điện trong không khí ở đây. Igor nói: "Bạn có thể bắt tay ai đó và bị giật tĩnh điện, hoặc bạn có thể đưa thẻ nhớ cho người khác, sẽ có một tia lửa điện xẹt qua và thẻ nhớ sẽ hỏng".

"Khi ngồi xuống làm việc, bạn chạm vào kim loại, chẳng hạn như bộ tản nhiệt hoặc lò sưởi, để phóng điện ra khỏi cơ thể, chỉ khi đó bạn mới bắt đầu cầm vào chuột máy tính. Bạn vào phòng tắm, đặt tay dưới vòi nước chảy, cũng bị giật tĩnh điện. Việc này xảy ra mọi lúc".

Vì sao nhiều người thích sống ở Bắc Cực lạnh lẽo? - Ảnh 1.

Cơ hội cho du lịch

Lãnh thổ được bao phủ bởi hoang mạc Bắc Cực bao gồm các quần đảo Novaya Zemlya, Franz Josef Land, Quần đảo Siberia Mới, cũng như phía bắc của Yamal, Taimyr, Yakutia và Chukotka.

Có rất ít khu định cư ở đây. Ngoài Billings, phần đất liền của hoang mạc Bắc Cực còn bao gồm các làng Dikson ở Taimyr (với dân số chỉ hơn 500 người), Barentsburg ở Svalbard (490 người), cũng như một số trại nơi công nhân luân phiên sản xuất dầu và khí đốt - thứ có trữ lượng rất lớn ở Bắc Cực - sống và làm việc.

Các hòn đảo ở Bắc Băng Dương là nơi có các căn cứ quân sự và các trạm vùng cực, nơi các nhà khoa học nghiên cứu.

Các cơ sở này bao gồm một số tòa nhà được nối với nhau bằng các lối đi nên nhân viên không phải bước ra ngoài khi di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.

Đảo Heiss, một phần của quần đảo Franz Josef Land, là nơi đặt trạm thời tiết cực bắc của Nga kể từ thời Liên Xô. Hiện chỉ có năm người sống ở đây, mặc dù trước khi Liên Xô sụp đổ, con số này là gần 400 người.

Một trong những mối nguy hiểm mà cư dân của hoang mạc Bắc Cực phải đối mặt là gấu Bắc Cực, chúng có thể tiến về phía con người để tìm kiếm thức ăn.

Mặc dù khó tiếp cận và nguy hiểm, những khu vực này thu hút một lượng lớn khách du lịch. Một số hòn đảo thuộc quần đảo Franz Josef Land và Novaya Zemlya tạo thành một phần của công viên quốc gia lớn nhất của Nga.

Hàng năm, khoảng 1.500 khách du lịch đến thăm các hòn đảo ở Bắc Băng Dương để chiêm ngưỡng các loài chim ở vùng cực, xem các sông băng hùng vĩ, các đàn hải mã và cảnh quan tuyệt đẹp của Bắc Cực.

Cách duy nhất để đến đó là đi bằng tàu phá băng từ Murmansk hoặc Arkhangelsk, và chi phí không hề rẻ, với giá cho một chuyến đi kéo dài một tuần bắt đầu từ khoảng 5.000 USD. Nhưng với nhiều người, đây chắc chắn là một cuộc phiêu lưu cần có trong đời!

Mạnh Kiên

NỔI BẬT TRANG CHỦ