• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao sa mạc muối ở Thung lũng Chết lại có hình dạng “tổ ong”?

Khám phá 01/03/2023 11:00

(Tổ Quốc) - Các nhà khoa học vừa giải mã được bí mật khiến sa mạc muối ở Thung lũng Chết có nhiều hình dạng lục giác giống như tổ ong.

Theo đó, các nhà khoa học đã giải được câu đố về các ô giống tổ ong với kích thước đều đặn xuất hiện trên bề mặt các sa mạc muối trên khắp thế giới.

Trên thực tế, sa mạc muối được coi là một trong những địa điểm khắc nghiệt nhất trên Trái Đất. Đặc biệt, cấu trúc hình đa giác kỳ lạ xuất hiện trên bề mặt của sa mạc đã thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch mỗi năm. Sa mạc muối thường tồn tại ở nhiều khu vực, bao gồm bồn địa Badwater tại Thung lũng Chết ở Mỹ và Salar de Uyuni ở Bolivia. 

Vì sao sa mạc muối ở Thung lũng Chết lại có hình dạng “tổ ong”?  - Ảnh 1.

Salar de Uyuni là sa mạc muối lớn nhất thế giới. Ảnh: Britannica

Nghiên cứu mới được công bố cho thấy, hình dạng và kích thước của những hoa văn hình dạng tổ ong trên sa mạc có thể là do sự di chuyển của nước muối (với nồng độ muối hòa tan cao) bên dưới mặt đất.

Theo nhóm nghiên cứu tại ĐH Nottingham Trent và TU Graz ở Áo, kích thước đều và tốc độ phát triển của các họa tiết kỳ lạ này có thể cũng là do nguyên nhân trên.

Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng lớp vỏ muối của sa mạc khô dần, từ đó hình thành các vết nứt và hoa văn xung quanh. Ngoài ra, một giả thuyết khác cho rằng lớp vỏ muối phát triển liên tục và uốn cong do thiếu không gian, tạo thành các hoa văn. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có giả thuyết nào giải thích được về kích thước đều đặn (dao động từ 1 – 2 m) và hình dạng tổ ong của các hoa văn này.

TS Lucas Goehring, phó giáo sư vật lý tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ, thuộc ĐH Nottingham Trent, cho biết: "Ở trên sa mạc muối, thứ đầu tiên và gần như duy nhất mà bạn nhìn thấy là hàng loạt các hình lục giác vô tận và nhiều hình dạng theo trật tự khác. Hoa văn ở trên bề mặt thường phản ánh sự lưu chuyển chậm rãi của nước muối ở trong đất. Mặc dù trông đẹp mắt nhưng gió thổi qua sa mạc muối là nguồn chính tạo ra bụi ở trong khí quyển. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp hiểu rõ hơn về các quá trình như vậy trong môi trường sa mạc".

Giải mã bí ẩn về hoa văn kỳ lạ trên sa mạc muối

Vì sao sa mạc muối ở Thung lũng Chết lại có hình dạng “tổ ong”?  - Ảnh 2.

Sa mạc muối được coi là một trong những nơi khắc nghiệt nhất trên Trái Đất. Ảnh: Phys

Để đi đến tận cùng của bí ẩn tự nhiên này, nhóm các chuyên gia nghiên cứu đã kết hợp các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau chẳng hạn như động lực học chất lỏng trong vật lý, địa mạo học từ khoa học địa chất và điều tra hiện tượng từ nhiều hướng.

Cụ thể, để giải mã bí ẩn hoa văn lạ trên sa mạc muối, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm nhằm xem xét về cách mà nước muối di chuyển trong đất cát, đồng thời phân tích các hoa văn dưới những điều kiện khác nhau. Cụ thể, trong hai nghiên cứu thực địa tại California, các chuyên gia đã quan sát hoa văn ở trong tự nhiên, và thu thập mẫu vật để chứng minh rằng sự vận động ở gần mặt đất tạo ra hoa văn có thể dễ nhận thấy trên bề mặt.

Các chuyên gia cũng cho biết, thực tế các sa mạc muối có hoa văn không quá khô và nước ngầm có chứa lượng muối cao cũng thường nằm ngay bên dưới vỏ muối.

Mặc dù mọi người có thể nhanh chóng lấy được tầng nước này bằng cách đào bằng tay, nhưng nó lại quá mặn để uống. Hơn nữa, khi nước muối bay hơi ở dưới ánh nắng Mặt Trời, muối đọng lại sẽ khiến nước ngầm nằm ở dưới mặt đất mặn hơn, vì vậy cũng nặng hơn nước ngọt ẩn ở bên dưới.

Nếu như chênh lệch về độ mặn đủ cao thì nước mặn hơn gần mặt đất sẽ bắt đầu chìm xuống, trong khi nước ngọt dâng dần lên từ bên dưới.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng, khi có nhiều sự lưu chuyển diễn ra cạnh nhau ở trong lòng đất, chúng sẽ tạo ra các hoa văn hình lục giác giống tổ ong, dọc theo các rìa đất nơi nước mặn bị chìm xuống. Đặc biệt, ở những nơi có hàm lượng muối cao thì muối cũng kết tinh nhiều hơn ở trên bề mặt.

Nghiên cứu mới này được công bố trên tạp chí Physical Review X.

Bài viết tham khảo nguồn: Independent, Phys

NỔI BẬT TRANG CHỦ